Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp – Anh ký thỏa thuận ngăn chặn nhập cư lậu

MIGRANTS-CALAIS 3


Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và đồng nhiệm Anh Theresa May tại lối vào Eurotunnel ở Calais, Pháp, 20/08/2015.
REUTERS/Regis Duvignau

Hôm nay 20/08/2015, hai Bộ trưởng Nội vụ Pháp và Anh ký kết một thỏa thuận, dự kiến tăng cường kiểm soát luồng người nhập cư bất hợp pháp vượt eo biển Manche vào Anh qua ngả Calais, thành phố biển miền bắc nước Pháp.

Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh toàn Liên Hiệp Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư trầm trọng nhất kể từ Thế chiến Hai.

Hôm nay, Bộ trưởng Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May gặp nhau để ký kết thỏa thuận tại Calais, nơi mỗi ngày có đến cả ngàn người mưu toan vượt biên sang Anh Quốc.

Thỏa thuận dự kiến lập ra một « trung tâm chỉ huy và kiểm soát song phương », có cơ sở tại Calais, « sẽ có trách nhiệm chính trong việc thu thập tin tức và phối hợp các hoạt động » chống lại các băng nhóm đưa người nhập cư lậu hai bên bờ eo biển.

Trong thỏa thuận có đoạn, nếu như Calais « chỉ tập trung một phần rất nhỏ các luồng người tới Châu Âu, thì một hành động kiên quyết và có phối hợp giữa hai nước chúng ta là cần thiết, bởi hàng nghìn người đổ về đây với mong mỏi đến được Anh Quốc, dù có nguy cơ phải trả giá bằng mạng sống ».

Theo một số nguồn tin, trong ít tuần gần đây, có từ 9 đến 12 người chết tại Calais, khi cố trèo lên xe tải hoặc tàu chở khách đi qua đường ngầm qua biển Manche.
Thỏa thuận mới được ký kết dự kiến đường ngầm Eurotunnel sẽ được kiểm soát liên tục 24g/24g.

Trên phương diện nhân đạo, thỏa thuận dự kiến « gia tăng việc quan sát » những người nhập cư để « xác định được những người dễ tổn thương nhất và các nạn nhân tiềm tàng của nạn buôn người », đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhằm bố trí nơi ở và tách ly họ khỏi các băng đảng tìm cách khai thác họ.

Nhu cầu tự nguyện trở lại quốc gia xuất phát được tạo điều kiện, với việc tổ chức các chiến dịch thông tin và các chương trình trợ giúp.
Luân Đôn tuyên bố sẽ đóng góp 10 triệu đô la trong hai năm cho các biện pháp sẽ được triển khai, mà phần chi phí chủ yếu là dựa vào Pháp.

Trước khi thỏa thuận được chính thức công bố, một số hiệp hội bảo vệ người di cư, như L’Auberge des immigrants, bày tỏ lo ngại thỏa thuận này sẽ không mang lại kết quả mong muốn, và điều kiện của người tìm cách di cư bị kẹt lại tại Calais có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Đầu tháng 8, ước tính có đến 1.700 người mưu toan lọt vào Eurotunnel hàng đêm, trước khi giảm hẳn xuống chỉ còn 100 đến 200 người trong những ngày gần đây, do kiểm soát được tăng cường.

Tuy nhiên, hôm qua, Nghiệp đoàn giới chức ngành an ninh nội địa (SCCI-CFDT), Pháp, nghiệp đoàn đa số của sĩ quan cảnh sát, chỉ trích « tình trạng căng thẳng dâng cao » tại khu vực này.

Hôm nay, sau khi ký kết thỏa thuận, Bộ trưởng Nội vụ Pháp sẽ tới Berlin để gặp đồng nhiệm Đức, quốc gia 81 triệu dân, đang đối mặt với 800.000 đơn xin tị nạn riêng trong năm nay.


Switch mode views: