Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam và Trung Quốc lập đường dây quốc phòng trực tiếp


HÀ NỘI (NV) - Hai bộ Quốc Phòng Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp, nhân chuyến đi Bắc Kinh của phái đoàn Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam.

Toan-thanh
Ông Thường Vạn Toàn (trái) gặp ông Phùng Quang Thanh bên lề hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và đối tác tại Miến Điện. (Hình: Tân Hoa Xã)

Theo bản tin trên tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, hôm Thứ Tư, 15 Tháng Mười, Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, dẫn đầu một phái đoàn đông đảo tướng lãnh cao cấp sang Bắc Kinh từ ngày 16 đến ngày 18 Tháng Mười, đề “thăm hữu nghị chính thức” theo lời mời của Tướng Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc.

“Chuyến thăm này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân và Quân đội hai nước,” bản tin của tờ Quân Đội Nhân Dân giải thích về lý do của chuyến đi.

Chuyến đi Bắc Kinh của phái đoàn Tướng Phùng Quang Thanh nằm trong bối cảnh dư âm của 75 ngày đối đầu trên biển giữa lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam với các lực lượng hải giám, hải tuần của Trung Quốc từ ngày 1 Tháng Năm đến ngày 15 Tháng Bảy, khi Bắc Kinh ngang nhiên cho giàn khoan khổng lồ HD981 tới dò tìm dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sự phẫn nộ của quần chúng dâng cao dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động ở các khu công nghệ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh làm cho hơn 400 cơ sở sản xuất ngoại quốc bị đập phá hư hại hoặc bị đốt cháy.
Thiệt hại vật chất lên hàng chục triệu đô la. Hàng chục thanh niên tham gia vào các vụ biểu tình bạo động này đã bị kết án tù.

“Chuyến thăm cũng nhằm tạo nhận thức chung về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực và mỗi nước, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung cũng như khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước,” bản tin của tờ báo quân đội Việt Nam viết.

Trước chuyến đi của phái đoàn ông Phùng Quang Thanh, hồi Tháng Tám vừa qua, Hà Nội đã phái ông Lê Hồng Anh, thường trực Ban Bí Thư Bộ Chính Trị, sang thăm chính thức Bắc Kinh để “thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc... Tránh để xảy ra tình hình phức tạp ảnh hưởng quan hệ hai nước.”

Chuyến đi của phái đoàn quốc phòng Việt Nam cũng diễn ra chỉ hai tuần lễ sau khi ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, đến Mỹ và được ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ, thông báo Washington gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam.
 Theo đó, Mỹ sẽ bán cho một số máy bay tuần thám biển và một số tàu tuần duyên. Tùy tình hình cải thiện nhân quyền tại Việt Nam mà Washington nới lỏng thêm lệnh cấm vận bán võ khí sát thương ra sao.

Sau chuyến đi Mỹ của ông Minh, hai tờ Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo theo nhau đả kích quyết định của Mỹ, nói rằng Washington tuy tuyên bố không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng trong thực tế lại có những hành động ngược lại. Việc loan báo bán võ khí cho Việt Nam là thí dụ mới nhất.

Trong chuyến đi Bắc Kinh lần này, ông Phùng Quang Thanh khó tránh chuyện sẽ phải giải thích cho ông Thường Vạn Toàn về việc mua võ khí Mỹ mà một số nhà phân tích cho rằng chỉ để răn đe sự ngang ngược của Bắc Kinh.

Nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế cho rằng, dù có mua thêm võ khí của Mỹ, Hà Nội vẫn nằm trong vòng chi phối của Bắc Kinh trên nhiều mặt, nên người ta vẫn chỉ nhìn thấy một thứ chính sách đu dây lơ lửng của Việt Nam.

Tuy nhiên, với một lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân tăng tốc phát triển cả về phẩm chất cũng như số lượng của Trung Quốc, phần lớn dồn sức cho các lực lượng khống chế Biển Đông, Hà Nội đu dây thế nào và kéo dài được bao lâu, là một dấu hỏi lớn.

Ngày 13 Tháng Mười, bản tin của tạp chí Defense Industry nói Trung Quốc đang đóng nhiều tàu cỡ lớn, cả chiến hạm và cho lực lượng hải giám, tăng cường sức mạnh cho Biển Đông, ngoài hai hàng không mẫu hạm.

Loại chiến hạm được đề cập các khu trục hạm lớp 52D trọng tải gần 10,000 tấn, trang bị hỏa tiễn và tàu hải giám cũng lên tới 10,000 tấn.

Hồi Tháng Giêng, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đề cập tới dự án này và nói Trung Quốc đóng 20 tàu tuần tra và người ta không hiểu những tàu cỡ lớn đó có nằm trong kế hoạch này hay không.

Hiện nay, Trung Quốc đã kéo dài phi đạo trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, đồng thời đang biến 4 hay 5 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nổi nhân tạo, nhiều phần có cả phi trường và cảng biển. (TN)

Switch mode views: