Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 11-02-2014

 Lá phiếu Thụy Sĩ gây chấn động châu Âu

SWISS-VOTE-IMMIGRATION



Khẩu hiệu của phe đòi thắt chặt lụât nhập cư tại Lausanne - REUTERS /Denis Balibouse


Sự kiện cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu chống việc nhập cư trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 09/02 vừa qua là đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật, một đa số sát sao, 50,34% đã bỏ phiếu ủng hộ sáng kiến chống nhập cư do đảng cánh trung UDC đưa ra.

Đa số dân Thụy Sĩ cũng ủng hộ việc tái lập quota nhập cư đối với các công dân từ Liên hiệp châu Âu.

Theo tờ Le Monde, Bruxelles đã đón nhận một cách kinh ngạc và bàng hoàng kết quả trưng cầu dân ý của Thụy Sĩ. Tờ báo nhận xét là, sau kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua, Thụy Sĩ coi như bị cắt làm hai : các thành phố thì bỏ phiếu chống, các vùng nông thôn thì bỏ phiếu thuận cho sáng kiến của đảng UDC.

Trong bài xã luận, tờ báo này rút ra hai bài học từ cuộc bỏ phiếu « đáng lo ngại » ở Thụy Sĩ. Thứ nhất, người dân Thụy Sĩ có thể không bỏ phiếu chống châu Âu, nhưng rõ ràng là họ chống những công dân khác của Liên hiệp châu Âu.

Bài học thứ hai đó là những vùng mà đa số cử tri bỏ phiếu thuận nhiều nhất cho sáng kiến của đảng UDC lại là những nơi mà ít có người lao động nhập cư châu Âu nhất và có tỷ lệ dân Thụy Sĩ thất nghiệp nhiều nhất.

Như vậy cuộc trưng cầu dân ý cũng phản ánh một thực tế : một bộ phận công luận ở châu Âu nghĩ rằng chính việc nhập cư không có kiểm soát đang gây tác hại cho những thành phần dân cư bị tổn thương nhất. Theo Le Monde, không nên để cho suy nghĩ này trở thành đề tài cho những đảng phái mị dân khai thác.

Tờ Libération, nhật báo thiên tả, thì phản ánh mối lo ngại của các nước châu Âu qua hàng tựa trên trang nhất : « Con virus Thụy Sĩ », vì đối với tờ báo này, cuộc bỏ phiếu chống nhập cư ở Thụy Sĩ là một tin xấu.

Tin xấu trước nhất là đối với chính người Thụy Sĩ. Bốn năm sau khi tỏ thái độ chống Hồi giáo, thông qua việc bỏ phiếu chống việc xây các tháp trên đền thờ Hồi giáo, nay họ tỏ thái độ chống những người láng giềng có cùng ngôn ngữ và văn hóa.

Theo Libération, cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật sẽ có những hậu quả xã hội tại một quốc gia hầu như không còn biết đến thất nghiệp.

Đây cũng là một tin xấu đối với các công dân châu Âu, đối với việc tự do di chuyển của người lao động và đối với quan hệ rất chặt chẽ và lâu đời giữa Thụy Sĩ với Pháp hay Đức.

Một điều đáng lo ngại khác, theo Libération, đó là con virus chủ nghĩa dân túy, trộn lẫn tâm lý chống châu Âu hợp nhất, không chấp nhận người nước ngoài, bất phục tùng chính phủ đương nhiệm, đang lan ra những nước châu Âu khác, lây nhiễm khắp nơi, kể cả tại Pháp, nơi mà đảng cánh hữu UMP đã tỏ vẻ hài lòng về kết quả bỏ phiếu ở Thụy Sĩ.

« Nhập cư : cảnh báo từ Thụy Sĩ trước bầu cử Nghị viện châu Âu », đó là tựa trên trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro.

Theo tờ báo này, hồi chuông cảnh báo từ Berne vang dội toàn Liên hiệp châu Âu. Ở khắp nơi, những xu hướng phản kháng đang khai thác tâm lý lo ngại cho bản sắc quốc gia, một tâm lý mà các chính phủ đã không thèm quan tâm đến.

Hãy coi chừng : cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 tới có thể sẽ là một cuộc trưng cầu mới về vấn đề nhập cư.

Tổng thống Pháp công du Hoa Kỳ

Quan hệ Pháp -Mỹ dĩ nhiên là đề tài thứ hai được các báo Pháp quan tâm đặc biệt hôm nay với chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của Tổng thống François Hollande tại Hoa Kỳ từ ngày 10/02.

Đối với tờ Le Monde, chuyến viếng thăm của Tổng thống Hollande tại Hoa Kỳ nhằm tái khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia, đang bị thử thách nặng nề, nhất là do khủng hoảng Syria.

Tờ Le Monde lưu ý rằng, để giải toả những bất đồng giữa Paris với Washington không chỉ trên hồ sơ Syria, mà cả trên những hồ sơ quan trọng khác như hạt nhân Iran, Hoa Kỳ đã phá lệ. Thông thường, những chuyến viếng thăm như vậy phải được chuẩn bị từ rất lâu, thế mà Tổng thống Obama chỉ đưa ra lời mời Tổng thống Hollande vào ngày 22/11/2013.

Hơn nữa, ông Hollande được đón tiếp long trọng trong một chuyến viếng thăm cấp Nhà nước, chuyến thứ năm dành cho một lãnh đạo ngoại quốc kể từ khi ông Obama nhậm chức tổng thống vào năm 2009.

Để thể hiện rõ hơn nữa quyết tâm hòa dịu giữa hai quốc gia đồng minh lâu đời, lần đầu tiên kể từ khi vào Nhà trắng, tổng thống Obama đã ký chung với tổng thống Hollande một bài viết đăng trên hai tờ nhật báo có uy tín của Mỹ và Pháp là Washington Post và Le Monde.

Trong bài viết này, hai vị nguyên thủ quốc gia trình bày những trục hợp tác giữa hai nước trong các hồ sơ hạt nhân Iran, an ninh ở châu Phi hay hợp tác kinh tế.

Tờ Le Figaro thì chú ý đến chi tiết là chuyến viếng thăm của Tổng thống Hollande bắt đầu từ căn nhà của cố tổng thống Thomas Jefferson, ở bang Virginia.

Ông Obama có lẽ thấy rằng không nơi nào mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị Pháp -Mỹ từ hai thế kỹ bằng tư dinh của vị Tổng thống thân Pháp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đối với Jefferson, Pháp chính là quốc gia bạn đã giúp Hoa Kỳ thoát khỏi gông cùm của vương quốc Anh. Đó là quốc gia của các nhà triết học Thế kỷ Ánh sáng, mà Jefferson đọc rất kỹ, và ông đã dựa trên những bài viết của họ để viết bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Suối đời ông, Jefferson vẫn bảo vệ liên minh với Paris.

Về phần tờ nhật báo kinh tế Les Echos cho biết là Tổng thống Hollande sẽ nhân chuyến viếng thăm để cố phục hồi uy tín của nền kinh tế Pháp ở Mỹ, với việc gặp gỡ rất nhiều chủ tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ.

Theo Les Echos, những cuộc gặp gỡ nói trên cho thấy chính phủ đang rất quan ngại trước sự suy giảm của Pháp về sức cạnh tranh, vào lúc mà cán cân thương mại song phương ngày càng nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Bầu cử đô trưởng Tokyo : Đảng cầm quyền giành thắng lợi

Về thời sự châu Á, tờ Le Figaro hôm nay chú ý đến Nhật Bản với sự kiện một nhân vật do Thủ tướng Shinzo Abe yểm trợ, ông Yoichi Masuzoe vừa đắc cử chức đô trưởng Tokyo. « Thắng lợi của phe ủng hộ hạt nhân ở Tokyo », tựa của Le Figaro về sự kiện này.

Tờ báo cho biết, những người chống hạt nhân đã muốn biến cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo ngày 09/02 vừa qua thành một cuộc trưng cầu dân ý về năng lượng nguyên tử. Nhưng họ đã thua : Ứng cử viên của họ, Morihiro Hosokawa đã thu được phiếu ít hơn gấp hai lần so với đối thủ chính là Yoichi Masuzoe, một nhân vật chủ trương khởi động trở lại các nhà máy hạt nhân, đã tạm ngưng hoạt động sau tai nạn Fukushima năm 2011.

Thật ra, theo tờ Le Figaro, kết quả nói trên là do phe đối lập thiếu tổ chức, hơn là do cử tri Tokyo ủng hộ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Nhưng kết quả bầu cử ở Tokyo là một tin vui cho chính phủ Nhật, vì Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn nhanh chóng khởi động lại các nhà máy hạt nhân, trong bối cảnh mà thâm thủng mậu dịch của Nhật ngày càng tăng, do đồng yen bị mất giá so với đôla và do nước này phải nhập thêm năng lượng bù cho năng lượng hạt nhân.

Nhưng theo Le Figaro, mọi can thiệp của chính phủ vào quyết định của Cơ quan an toàn hạt nhân, được thành lập sau tai nạn Fukushima đều có thể gây tác hại cho Nhật và nước ngoài.

Theo các chuyên gia nguyên tử, sẽ chỉ có 2 hoặc 3 nhà máy hạt nhân được khởi động lại trước mùa hè, mùa cao điểm của tiêu thụ năng lượng ở Nhật.

Giáo hoàng Benedicto từ nhiệm đúng một năm

Cách đây đúng một năm, ngày 11/02/2013, Giáo hoàng Benedicto 16 đã từ nhiệm. Tờ Le Figaro hôm nay bình luận về hành động chưa từng có này, mà nay người ta được biết là Ngài đã dự tính từ lâu.

Theo tờ Le Figaro, ngay từ khi hồng y Ratzinger tuyên bố chấp nhận chức Giáo hoàng ngày 19/04/2005, thay thế Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị, trong tâm trí của Ngài đã xác định một viễn cảnh chưa từng có, đó là một ngày nào đó sẽ từ nhiệm khi trọng trách trở nên quá nặng.

Cũng chắc chắn rằng Giáo hoàng Benedicto 16 đã thoái vị không phải là do áp lực của vụ Vatileaks ( vụ tiết lộ các tài liệu mật của Vatican ) vào năm 2012. Trái lại, Ngài đã đợi đến khi vụ này được giải quyết xong xuôi vào cuối năm 2012 mới tuyên bố từ nhiệm.

Giáo hoàng Benedicto 16 lui vào bóng tối, bị che phủ bởi một Giáo hoàng Phanxicô trong ánh hào quang chói lọi, làm như thể là khi lui về ở ẩn, Benedicto 16 đã đem theo mọi giáo huấn cũ xưa của Giáo hội, còn Phanxicô thì đưa ra những thông điệp hoàn toàn mới.

Nhưng theo tờ Le Monde, thực tế không phải là như vậy, bởi vì Giáo hoàng Phanxicô vẫn giữ nguyên toàn bộ giáo huấn của Giáo hội.

Khi chỉ trích chủ nghĩa tư bản, lên án « một nền kinh tế phi nhân bản », « những lực lượng mù quáng và bàn tay vô hình của thị trường », Giáo hoàng Phanxicô đã bị những thành phần bảo thủ ở Mỹ gọi là « mác-xít », nhưng thật ra Ngài chỉ lập lại những điểm căn bản trong học thuyết xã hội và kinh tế của Giáo hội.

Bản thân Giáo hoàng Benedcito vào tháng Giêng 2013 cũng đã từng lên án « chủ nghĩa tư bản tài chính vô độ ».

Ngay cả trong những vấn đề đạo lý và đạo đức, bề ngoài ai cũng tưởng là Giáo hoàng Phanxicô tiến bộ hơn các vị tiền nhiệm, nhưng thật ra về căn bản, Ngài không có gì thay đổi so với quan điểm cố hữu của Giáo hội, chẳng hạn như về vấn đề phá thai.

Về vấn đề đồng tính, Giáo hoàng Phanxicô cũng đã muốn giải thích rõ hơn câu nói nổi tiếng của Ngài : « Nếu một người đồng tính nhưng có thiện tâm và thật sự muốn tìm đến Thiên chúa, thì tôi lấy quyền gì mà xét đoán người ấy ? ».

Giáo hoàng giải thích : « Khi nói điều đó, tôi chỉ lập lại Giáo lý Công giáo ». Đối với Ngài, những người đồng tính là những kẻ bị tổn thương của xã hội và hôn nhân đồng tính là một cuộc chiến chống lại Chúa.


Switch mode views: