Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-09-2013

G20 Saint Petersburg : BRICS muốn được lắng nghe

G20  St. Petersburg


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại cung Konstantin, thành phố St. Petersburg, ngày 05/09/2013.
REUTERS/Pablo Martinez Monsivais/Pool


Hầu hết các tờ báo Pháp ngày 05/09/2013 đều tập trung nói về Syria và thượng đỉnh G20 Saint Petersburg. Tất cả đều xoáy vào bất đồng sâu đậm giữa Nga và Mỹ trên hồ sơ Syria.

Riêng tờ Le Monde chú ý đến thái độ của 5 nước đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi qua một bài phân tích dài trên phụ trang kinh tế với hàng tựa ngắn gọn : « Tại G20, nhóm BRICS muốn được lắng nghe ».

Năm nước BRICS đến dự thượng đỉnh Saint Petersburg chủ yếu là để thảo luận về những tác động tiêu cực từ các các chính sách kinh tế của các nền công nghiệp phát triển đối với họ.

Trước khi thủ tướng Ấn Độ đến dự hội nghị, một cố vấn cao cấp của ông đã khẳng định là các bên phải thảo luận để « đem lại tăng trưởng cho thế giới, đặc biệt là cho các nước đang vươn lên, nơi mà tỷ lệ tăng trưởng đang bị chựng lại ».

Trong bối cảnh đồng tiền của một số thành viên BRICS – đặc biệt là của Ấn Độ - đang bị trượt giá, nhóm 5 nước đang trỗi dậy không muốn đồng tiền của họ phải lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương Âu, Mỹ.

Tờ báo đơn cử hiện tượng đồng rupee của Ấn Độ bị mất giá sau khi ngân hàng trung ương Mỹ thông báo khả năng tăng lãi suất chỉ đạo.

Ngoài ra tại thượng đỉnh Saint Petersburg 5 nền kinh tế đang vươn lên sẽ đẩy mạnh dự án thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung và một ngân hàng phát triển BRICS. Vấn đề còn lại - theo như nhận định của Le Monde - là ai trong số 5 quốc gia đang lên đó sẽ tài trợ các dự án nói trên ?Trụ sở của Ngân hàng Phát triển BRICS sẽ được đặt ở đâu ?

Băn khoăn của các nước đang trỗi dậy khi thấy đồng tiền của họ bị trượt giá không khỏi khiến độc giả liên tưởng đến khủng hoảng tài chính châu Á, 1997-1998. Khủng hoảng tài chính Á châu hồi đó cũng đã bắt nguồn từ việc vốn đầu tư quốc tế bị rút khỏi các nước như Thái Lan, Indonesia…

Đơn vị tiền tệ của những quốc gia liên quan bị mất giá từ 20 đến 30%. Kinh tế bị kiệt quệ và trong hai năm 1997 và 1998 GDP của các nước đó đã bị giảm đi từ 10 đến 15%.

Một chuyên gia nổi tiếng của Pháp về tiền tệ và ngân hàng, Patrick Artus (Natixis) nêu lên 4 điểm tương đồng giữa giữa tình huống 16 năm trước tại châu Á với những gì đang diễn ra ngày nay : Nhập siêu, tỷ lệ nợ so với GDP ngày càng lớn, đồng tiền bị mất giá, vốn đầu tư bị rút đi khỏi các vùng mà cho đến nay được coi là có tiềm năng tăng trưởng cao.

Tuy nhiên ông Benjamin Carton, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế CEPII lạc quan cho rằng khác với những năm 1997-1998, ngày nay, các nước đang phát triển không mang nợ nhiều như 16 năm về trước.

Điểm son đó có được nhờ tỷ lệ tiết kiệm nội địa ở các nước đang phát triển ngày nay cao hơn nhiều so với hồi cuối thập niên 90.

Nói cách khác các nước đang trỗi dậy có thể can thiệp, tránh để đồng tiền quốc gia bị sụp đổ như kịch bản đã xảy ra ở châu Á trước kia.

G20 Saint Petersburg, Putin trong thế thượng phong

Thế nhưng ai cũng biết trọng tâm thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nga lần này sẽ là hồ sơ Syria, làm lu mờ các hồ sơ kinh tế của thượng đỉnh G20.

La Croix báo trước Syria sẽ làm lu mờ các hồ sơ kinh tế tại Saint Petersburg. Libération chọn đăng ảnh hai lãnh đạo Pháp và Mỹ thân thiện với nhau. Ở dưới bức ảnh, tờ báo giải thích hai ông « Obama và Hollande tìm kiếm hậu thuẫn chính trị tại thượng đỉnh G20 ».

« Obama – Putin, một cuộc chiến tranh lạnh mới », tựa trên trang nhất của báo Le Figaro. Trong bài xã luận tờ báo nhấn mạnh, « kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, đây là lần đầu tiên, Nga và Mỹ đối đầu nhau qua trung gian các đồng minh ».

Chính quyền Bachar Al Assad còn trụ được tới ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ vững như bàn thạch của Nga.

Từ nhiều tháng qua Vladimir Putin dùng con bài Syria để làm yếu đi thế lực của Mỹ. Bởi vì dù có đánh Syria để trừng phạt chế độ Damas, chưa chắc là chính quyền Assad sẽ đổ. Trong khi đó thì mở chiến dịch oanh kích Syria có nguy cơ càng làm xấu đi hình ảnh của Hoa Kỳ ở khu vực Trung Cận Đông.

Chính vì vậy mà Le Figaro cho rằng tổng thống Nga, khai mạc thượng đỉnh G20 trong « thế thượng phong ».

Tờ báo trích lời một chuyên gia theo đó : vào lúc Mỹ và Pháp hai nước chủ chiến đang bị cô lập trên bàn cờ quốc tế, thì tại Saint Petersburg ông « Putin lại đặt mình « trong tư thế của một nhà lãnh đạo khôn ngoan và già dặn. Ông tỏ ra tôn trọng luật pháp quốc tế và quy tắc không can thiệp vào nội bộ của một quốc gia và không tiến hành chiến dịch quân sự ngoài khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc ».

Với những lá chủ bài đó trong tay, chủ nhân điện Kremly nhân thượng đỉnh Saint Petersburg sẽ nỗ lực củng cố mặt trận chống can thiệp tại Syria để cô lập thêm Hoa Kỳ.

Chưa biết là Syria có thể trở thành mầm mống của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ hay không, nhưng Le Figaro quả quyết là tại Saint Petersburg hai ông Obama và Putin sẽ rất « lạnh nhạt » với nhau.

G20 Saint Petersburg : Thế lực tương đối của phương Tây

Theo quan điểm của tờ Libération, G20 tại Saint Petersbourg lần này đưa công luận quốc tế trở về với một thực tế khác : sự thống trị của các nước Tây phương chỉ còn « tương đối trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị ».

Tờ báo nhấn mạnh đến sự « đơn độc » của Pháp và Mỹ trước khả năng oanh kích Syria. Châu Âu bị chia rẽ về giải pháp trừng phạt Damas : Vì những lý do khác nhau, Anh, Đức và Ý cùng không nghiêng về giải pháp quân sự.

Hai tuần lễ trước bầu cử Quốc hội, Thủ tướng Merkel không vội vàng đứng về phía chủ chiến hay chủ hòa. 58 % dư luận Đức muốn Berlin không can thiệp vào Syria. Còn nước Ý thời hậu Berlusconi chủ trương nếu có can thiệp quân sự thì phải có hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc.

Về phần đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ là Anh Quốc, sau khi đã bị một vố đau ở Quốc hội hồi tuần trước, Thủ tướng Cameron phải ngậm bồ hòn làm ngọt và tuyên bố « Anh Quốc sẽ dẫn đầu trong các công tác nhân đạo ở bình diện quốc tế ».

Kinh tế Trung Quốc : thời kỳ vàng son đã đi qua

Xếp lại các bài báo nói về thượng đỉnh G20 và Syria để chú ý đến Trung Quốc. Phụ trang địa chính trị của Le Monde dành hai trang lớn để nói về « 30 năm tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã thuộc về dĩ vãng ».

Kinh tế bị hụt hơi, dân số trên đà bị lão hóa, phát triển bất cân đối trên toàn lãnh thổ là những dấu hiệu cho thấy sau 3 thập niên tăng trưởng thần kỳ, Trung Quốc đang bị hụt hơi.

Tầng lớp trung lưu và những người dân ở nông thôn lên thành thị kiếm sống, ngày càng đòi được quyền tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt chính trị và xã hội của đất nước. Đấy chính là một lực lượng đối kháng với giai tầng tư bản đỏ đang ngập chìm trong hàng loạt các vụ bê bối. Trên tuyến đầu của lực lượng đó là các chủ doanh nghiệp.

Theo thông tín viên Brice Pedroletti của tờ báo, các doanh nhân Trung Quốc ngày càng nhận thấy rằng họ phải có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế và tài chính của đất nước để bảo vệ quyền lợi tư nhân, hoặc « phải hợp tác và trao đổi chặt chẽ với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu ».

Theo lời một nữ doanh nhân điều hành một quỹ đầu tư hơn 1 tỷ euro tại Bắc Kinh, muốn đẩy lùi tham nhũng, chính quyền phải cải tổ lại guồng máy chính trị. Nữ doanh nhân này cực lực lên án mô hình Trung Quốc, nơi mà các doanh nghiệp phải đút lót cho các quan chức, các cán bộ địa phương để được phép làm ăn.

Bà kết luận nếu như mô hình chính trị của Trung Quốc không thay đổi thì « tham nhũng và bạo động sẽ còn tiếp diễn ».

Olympique 2020 : Tokyo, Istanbul hay Madrid ?

Trong lĩnh vực thể thao, La Croix chú ý đến cuộc họp của Ủy ban Thế vận Quốc tế đang diễn ra tại Buenos Aires để chỉ định thành phố được tổ chức Olympic 2020. Trong vòng bỏ phiếu cuối cùng còn lại ba thành phố là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Madrid của Tây Ban Nha và Tokyo của Nhật Bản.

Theo tác giả bài báo, Istanbul có nhiều triển vọng do là cầu nối giữa hai châu Á và Âu. Thông thường Ủy ban Thế Vận luân phiên chọn các châu lục. Bắc Kinh đã tổ chức Olympic 2008 ; rồi đến Luân Đôn năm 2012. Đến năm 2016 lá cờ Olympic sẽ phất phới trên bầu trời Rio và về nguyên tắc thì ứng viên cho Thế vận hội 2020 được chọn phải là một quốc gia châu Á.

Thế nhưng nhược điểm lớn nhất của Tokyo là đe dọa động đất và nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Hơn nữa Olympic năm 1964 từng diễn ra ở Tokyo. Cho nên La Croix nghĩ là Istanbul có nhiều triển vọng hơn cả so với Madrid. Tây Ban Nha mới vừa được đón lá cờ Olympic vào năm 1992.

Bóng đá : 100 triệu euro cho một cầu thủ

Cũng về thể thao, trái với chờ đợi, bài xã luận của tờ Le Monde hôm nay đã không dành để bình luận về thời sự quốc tế hay xã hội mà đã trở lại với sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, một cầu thủ được chuyển nhượng với cái giá « trên trời », 100 triệu euro.

Đó là khoản tiền câu lạc bộ Real Madrid của Tây Ban Nha đã chi ra để thuyết phục Gareth Bale. Dù là Câu lạc bộ bóng đá giàu nhất thế giới với thu nhập 513 triệu euro trong mùa bóng 2013-2013, thế nhưng liệu Real Madrid sẽ duy trì được đà tiêu xài điên rồ đó trong bao lâu nữa ? Bởi vì bên cạnh khoản thu nhập hơn một nửa tỷ euro nói trên thì Real cũng đang ngồi trên một núi nợ 600 triệu euro.

Nhưng đáng nói hơn nữa là không chỉ một mình Tây Ban Nha, mà nhiều câu lạc bộ bóng đá khác của Anh hay Pháp cũng đang đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác để mua cầu thủ giỏi. Bởi vì tên tuổi của những ông hoàng trên sân cỏ là con gà đẻ trứng vàng, cho phép các câu lạc bộ này thu về không biết bao nhiêu là tiền quảng cáo.

Nhật nhờ Pháp cố vấn

Tăng trưởng kinh tế của Pháp gần như ở số không, khả năng cạnh tranh của Pháp liên tục bị sụt giảm, vậy mà nước Pháp của tổng thống François Hollande vẫn làm Nhật Bản mê hoặc, ít nhất là trong một lĩnh vực riêng biệt.

Theo tiết lộ của báo Le Figaro, bộ trưởng đặc trách về Tiêu thụ và Gia đình của Nhật, bà Masako Mori trong chuyến công tác tại Paris đã bất ngờ tuyên bố : « Tôi đến đây để học hỏi nước Pháp ».

Nhật Bản đang bị thiếu nhân công, trong khi đó thì có đến 3 triệu phụ nữ rất muốn đi làm nhưng lại phải bó tay vì không có điều kiện gửi con ở nhà trẻ hay tìm người giúp việc trông con trong lúc mình đi làm. Chỉ có 10 % trong số các chuyên viên ở Nhật là phụ nữ. Tỷ lệ này ở Pháp là 40 %. Pháp là nơi có phụ nữ dung hòa được cả đời sống xã hội và vai trò làm mẹ. Chính vì thế mà bà bộ trưởng Nhật muốn học hỏi kinh nghiệp của Pháp về phương diện này.

Tỷ lệ sinh đẻ của phụ nữ Nhật Bản cũng rất thấp. Trong khi đó, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thị trường lao động và khuyến khích họ sinh đẻ là hai chìa khóa trong chính sách thúc đẩy kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe.


Switch mode views: