Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-05-2013
- Thứ Năm, 23 tháng Năm năm 2013 20:56
- Tác Giả: Lê Vy
Dân Côn Minh lại biểu tình chống ô nhiễm
Dân Côn Minh xuống đường phản đối dự án xây nhà máy lọc dầu và sản xuất hóa chất paraxylene (REUTERS)
Sau nhiều vụ biểu tình chống nạn ô nhiễm tại Trung Quốc, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại đất nước này.
Hôm nay, báo Le Monde đăng bài phân tích, cho biết người dân tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc liên tục xuống đường phản đối dự án xây nhà máy lọc dầu và sản xuất hóa chất mà cư dân địa phương cho là sẽ tác hại đến môi trường.
Theo báo Le Monde, với việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại An Ninh, một thành phố nhỏ gần Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, 7 ngôi làng đã bị phá hủy và 3000 cư dân phải di tản.
Mỗi hộ gia đình được đền bù 1100 nhân dân tệ (150 euro)/tháng/ người. Khoản đền bù này có thể kéo dài trong vòng một hoặc hai năm.
Từ sau các vụ xuống đường phản đối nạn ô nhiễm tại Côn Minh, người dân tại thành phố An Ninh cũng tự hỏi : « Người dân ở Côn Minh sống cách đây 30 km mà họ còn e ngại ô nhiễm gây tác hại đến sức khỏe. Vậy thì sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao khi sống gần nhà máy độc hại này ? »
Nhà máy lọc dầu khổng lồ tại An Ninh có một vai trò chiến lược quan trọng, với tham vọng biến tỉnh Vân Nam thành một trung tâm thương mại và giao thông, nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á. Với 45 triệu dân và giáp ranh với các nước Việt Nam, Lào, Miến Điện, tỉnh Vân Nam được chính phủ xem như điểm mấu chốt của sự phát triển trong tương lai.
Do đó, chính quyền đã hoạch định các dự án xây dựng đường sắt nối liền Côn Minh với Lào và Miến Điện. Đây được xem là bước đột phá đầy tính chiến lược của Trung Quốc bởi vì nhờ vào hệ thống giao thông này, Trung Quốc sẽ bớt lệ thuộc hơn vào eo biển Malacca, nơi trung chuyển phần lớn nhập khẩu dầu khí.
Tờ báo điểm lại một số vụ biểu tình diễn ra tại Côn Minh phản đối ô nhiễm. Cuối tháng 3, người dân phát hiện dự án sản xuất paraxylene tại nhà máy lọc dầu, một loại hóa chất độc hại trong trường hợp nhà máy gặp sự cố. Từ đó, đã nổ ra ba cuộc biểu tình tại các thành phố ven biển như tại Hạ Môn vào năm 2007, Đại Liên (2011) và Ninh Ba (2012).
Ngày 04/05 vừa qua, hàng nghìn người dân Côn Minh đổ xuống đường đeo khẩu trang đen, giương biểu ngữ :
« Tống chất paraxylene ra khỏi Côn Minh » hay « Đừng chấp nhận paraxylene ».
Tờ báo trích dẫn nhận định của một cư dân mạng, vốn quan tâm đến các vần đề về môi trường. Anh đã nêu bật một thực trạng không mấy khả quan : nhà máy lọc dầu không mang lại lợi ích gì cho người dân, về mặt công ăn việc làm cũng như giá cả xăng dầu, trái ngược hoàn toàn với những gì mà chính phủ đang vẽ ra.
Đặc biệt, anh còn hay rằng nhà máy lọc dầu bị bộ Tài nguyên Môi trường chỉ trích đã khai gian các số liệu khí thải ô nhiễm và không sử dụng các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm.
Trong những ngày sôi động chuẩn bị cho lần xuống đuờng phản đối ngày 16/05, chính quyền địa phương đã ra lệnh cho các trường đại học, các công ty quốc doanh, giới taxi và các tổ chức phi chính phủ (ONG) không được biểu tình. Bằng không, họ sẽ bị trừng phạt.
Thế nhưng, người dân càng tức giận hơn vì họ ‘‘không còn tin tưởng nơi chính quyền’’ và cuộc biểu tình ngày 16/05 đã huy động đông đảo người tham gia.
Theo Le Monde, người dân Côn Minh nổi tiếng là ôn hòa, nhưng việc chính quyền địa phương cho xây cất liên tục mà không nghĩ đến lợi ích của dân, khiến cho người dân ‘‘tức nước vỡ bờ’’. Hơn nữa, Côn Minh có một truyền thống lâu đời bảo vệ sinh thái do có nhiều tổ chức phi chính phủ Trung Quốc và nước ngoài được đặt tại đây.
Tờ báo còn cho biết công an Trung Quốc đã « ghé thăm nhà của một nữ nhân viên kế toán, chuyên thông tin trên mạng Vi Bác (Twitter của Trung Quốc) về các cuộc biểu tình. Kết qủa là hai mẹ con đã bị gây khó dễ và tài khoản của cô đã bị khóa lại.
Tuy vậy, một cuộc biểu tình lớn khác được dự trù vào ngày 06/06 tới, một ngày biểu tượng vì chính quyền địa phương chọn ngày này để khai trương một hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của tỉnh Vân Nam.
Christine Lagarde : Tổng giám đốc IMF có khả năng bị truy tố
Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay đều xuất hiện tên của tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Chistine Lagarde.
Báo Le Monde đăng bài : « Bà Lagarde có khả năng bị truy tố ».
Báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : « Christine Lagarde ra giải thích trước toà».
Báo thiên tả Libération dành ra 4 trang phân tích hồ sơ của bà Lagarde với các bài viết như : « Adidas, vụ việc không có hồi kết », « Hồ sơ về ngân hàng Crédit lyonnais ».
Báo Kinh tế Les Echos đăng bài viết : « Vụ Tapie : Cuộc hẹn của bà Christine Lagarde với các thẩm phán ».
Các báo đều đưa tin bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bị tòa án Pháp triệu tập vào ngày hôm nay để trả lời các câu hỏi về một quyết định bị xem là gây bất lợi cho nhà nước trong vụ tranh chấp giữa doanh nhân Bernard Tapie với ngân hàng Crédit lyonnais, khi bà Christine Lagarde còn là bộ trưởng Tài chính dưới thời tổng thống Sarkozy.
Sau khi thẩm phán tiến hành điều tra trong vòng hai năm, bà Lagarde bị tình nghi có liên quan đến các vụ giả mạo giấy tờ và biển thủ công quỹ.
Năm 2007, bà Christine Lagarde đã quyết định tìm đến toà án trọng tài để giải quyết tranh chấp giữa nhà tài phiệt Tapie và ngân hàng Crédit Lyonnais.
Cuối cùng, toà án giải quyết chi 400 triệu euro cho ông Tapie để đóng lại vụ tranh chấp. Báo Libération chỉ trích bà Lagarde đã thiếu khách quan trong việc giải quyết hồ sơ này.
Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định sẽ ủng hộ bà Lagarde tiếp tục đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các nước tranh thủ Hoa Kỳ về chính sách cấp visa
Liên quan đến chính sách nhập cư Hoa Kỳ,, báo Le Monde trong mục Địa-Chính trị đăng bài viết cho biết từ các nhóm vận động hành lang cho tới các lãnh đạo quốc gia, tất cả đều tìm cách tranh thủ sự ưu đãi của Mỹ trong chính sách cấp visa.
Quyền di cư và được làm việc tại Hoa Kỳ có một giá trị không định được, không chỉ đối với mỗi cá nhân mà còn đối với các quốc gia.
Tổng thống Obama đã dự định một chính sách cấp giấy tờ cho 11 triệu người cư trú bất hợp pháp, bảo đảm an ninh các vùng lãnh thổ và một chính sách mới về việc cấp visa. Cải cách trên sẽ được tranh luận tại Quốc hội vào tháng 6 năm 2013.
Tại Washington, nhiều lãnh đạo các quốc gia và các cuộc vận động hành lang đang đẩy lợi thế của nước mình trước mắt Mỹ nhằm thúc đẩy Mỹ cấp visa cho kiều dân của mình. Các quốc gia lý luận rằng đây chính là thời cơ đặc biệt cho nước Mỹ.
Tờ báo lấy điển hình như Hàn Quốc đã nhấn mạnh lên Hiệp ước tự do mậu dịch mà hai nước đã ký vào năm 2011 và xem việc con người tự do di chuyển như một hệ quả tất yếu của hiệp ước này.
Seoul đã sử dụng nhiều phương tiện để đạt được một quota ít nhất là 5000 visa cho dân Hàn Quốc.
Cộng đồng người Hàn Quốc tại đây cũng không ngần ngại hiến tặng các khoản tiền cho các dân biểu ủng hộ việc cấp visa cho họ.
Hơn nữa, vào chuyến công du vừa qua của tổng thống Park Guen-hye, bà cũng không quên nhắc nhở với ông Obama về đề tài này.
Bài báo cũng đề cập đến Ba Lan nhưng mục tiêu của nước này khiêm tốn hơn.
Ba Lan không cố gắng giành giật visa nhưng chỉ muốn được lọt vào danh sách các quốc gia được ưu tiên du lịch sang Mỹ mà không cần visa. Một số nước khác cũng có chung động cơ như Argentina, Brazil và Israël.
Mọi thương lượng diễn ra khá kín đáo bởi vì không phải nước nào cũng có chung xu hướng.
Tờ báo đặt câu hỏi : vì sao lại ủng hộ nước này mà không là nước khác ?
Liệu cải cách nhập cư đang xâm hại cho người lao động Mỹ ?
Vấn đề ngoại giao trong việc cấp visa không chỉ mang lại trước mắt lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ với các nước khác.
Về phía Mỹ, liệu cải cách về chính sách nhập cư có suôn sẻ hay không tại Quốc hội, khi mà vụ khủng bố tại Boston khiến cho dư luận Mỹ đặt lại vấn đề cấp visa cho người nhập cư nước ngoài.
Hà Lan : thiếu hụt sữa bột cho trẻ em
Báo Les Echos hôm nay có bài viết cho biết Hà Lan nghi ngờ Trung Quốc là thủ phạm số một gây thiếu hụt sữa bột cho trẻ em tại nước này.
Từ hai tuần nay, Hà Lan đối mặt với tình trạng thiếu hụt sữa bột trẻ em một cách khó hiểu.
Trong lúc đợi điều tra, chính phủ chỉ thị cho các siêu thị chỉ được bán cho một người mua tối đa 3 gói đối với một số nhãn hiệu sữa.
Nguồn gốc của mối nghi ngờ xuất phát từ trẻ em Trung Quốc do sau vụ tai tiếng về việc sữa Trung Quốc bị nhiễm mélanine làm một số trẻ em thiệt mạng.
Từ đó, các bà mẹ Trung Quốc lùng mua các loại sữa ngoại. Hà Lan đã xuất sang Trung Quốc 190 triệu euro sữa bột vào năm 2009 và lên đến 520 triệu euro hồi năm ngoái. Chênh lệch giữa mức cung và mức cầu đã làm cho giá sữa tăng vọt.
Nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành, trong đó, người ta hướng nhìn một cách nghi ngờ những du khách Trung Quốc.
Giữa tháng 3 và tháng 4, hải quan đã ngăn chặn 900 người sở hữu một lượng lớn sữa bột vượt mức cho phép: khoảng 9 tấn bị thu hồi.
Một số các nhãn hiệu lớn như Unilever, Nutricia (một chi nhánh của Danone) muốn tận dụng một thị trường tiêu thụ rộng lớn và giá cả đắt hơn nên đã cung ứng nhắm đến thị trường Trung Quốc.
Một số nhà phân phối sau khi mua sữa bột từ nhà sản xuất, thay vì cung cấp cho các siêu thị, lại bán lại cho một số nhà buôn Trung Quốc với giá đắt hơn 2 euro/ gói. Đây chính là những nguyên nhân gây thiếu hụt sữa tại Hà Lan.
Tin mới
- Một linh mục Ý chống mafia được phong chân phước - 25/05/2013 20:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-05-2013 - 25/05/2013 20:21
- Chính quyền Việt Nam tìm cách ngăn cản Nick Vujicic giảng đạo - 25/05/2013 19:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-05-2013 - 24/05/2013 19:25
- Philippines bảo vệ bãi Ayungin "cho đến người lính cuối cùng" - 24/05/2013 18:43
- Nhật ủng hộ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc - 24/05/2013 18:36
- Biển Đông : Manila tố cáo Bắc Kinh thôn tính thêm một bãi đá ngầm - 23/05/2013 23:23
- Đánh cắp bản quyền : Mỹ mất 300 tỷ đô la/năm chủ yếu do Trung Quốc - 23/05/2013 21:53
- Bí mật ngân hàng : Châu Âu chuẩn bị một thỏa thuận từ đây đến cuối năm - 23/05/2013 21:20
- Luân Đôn bàng hoàng sau vụ giết người đẫm máu - 23/05/2013 21:08
Các tin khác
- Để chống Trung Quốc, Việt Nam phải nhấn mạnh đến vị trí 'yết hầu' của Hoàng Sa - 23/05/2013 20:02
- Việt Nam : Toà phúc thẩm giảm án 4 thanh niên Công giáo - 23/05/2013 19:53
- Giáo hoàng kêu gọi tín hữu Công giáo Trung Quốc giữ lòng trung - 23/05/2013 02:58
- Việt Nam đối mặt với áp lực phải cải thiện nhân quyền, tự do tôn giáo - 22/05/2013 23:18
- Tấn công ‘khủng bố’ chết người ở London - 22/05/2013 22:31
- Người Việt 'sốc' vì bạo loạn ở Thụy Điển - 22/05/2013 22:17
- Thượng đỉnh Châu Âu về chống trốn thuế : Thất bại được dự báo - 22/05/2013 21:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-05-2013 - 22/05/2013 20:03
- Tự sát ở Nhà thờ Đức Bà Paris chống hôn nhân đồng tính - 22/05/2013 19:52
- Bình Nhưỡng đưa tướng diều hâu lên lãnh đạo quân đội - 22/05/2013 19:19