Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ?

hang hai



Hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle. Ảnh chụp ngày 24/04/2019,
Wikimedia Commons by by Maj. Joshua Smith.

 

Ngày 01/06/2019, tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri La - Singapore, bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly phát biểu :
« Nước Pháp sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu hai lần trong năm ».

Tuyên bố này còn nhằm khẳng định vị thế của nước Pháp trong « sân chơi các cường quốc hàng hải ».

Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ?
Khái niệm này có từ bao giờ và có những thay đổi ra sao theo dòng lịch sử ?

Thương mại : Nền tảng định hình « sức mạnh hàng hải » ?

Đây cũng là những câu hỏi mà nhà sử học trường Hải Quân Pháp, bà Isabelle Delumeau tìm cách giải thích trên tờ Diplomatie (Đối Ngoại).

Theo chuyên gia này, khái niệm về « cường quốc hàng hải » đã được Thucydides – nhà sử học và là cha đẻ ngành khoa học lịch sử thời Hy Lạp Cổ Đại – đề cập đến lần đầu tiên ngay từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.
Ông nói rằng tính ưu việt của thành Athens thời ấy nằm ở chính điểm này.

Và rất lâu sau đó, nước Anh cũng dựa vào chính nguyên tắc trên để khẳng định ưu thế của mình, nên mới có điệp khúc nổi tiếng Britannia rules the waves (tạm dịch là Nước Anh làm chủ đại dương).
Việc được đánh giá là cường quốc hàng hải có một tầm quan trọng rất lớn và cũng không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải xem xét lại lịch sử hàng hải từ hàng thế kỷ qua.

 Do đó, theo nhà sử học Delumeau, câu hỏi đầu tiên cần được giải đáp : « Nên hiểu thế nào về cường quốc hàng hải ? ».
Bởi vì, đây là cả một tiến trình đan xen rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
 Mỗi công đoạn có tầm quan trọng của nó và chính mối quan hệ tương tác đã sản sinh ra một sức mạnh mà chỉ có một nhóm nhỏ các quốc gia có được.

Nền tảng cội nguồn của tiến trình này là thương mại, một hoạt động mang tính sống còn đối với những xã hội nằm sâu trong những vùng lãnh thổ cằn cỗi.
Để phát triển giao thương, các thương nhân buộc phải liên kết với chính quyền đến mức hình thành một hiện tượng cộng sinh, vốn dĩ là nét đặc thù về cơ cấu Nhà nước tại « Cộng hòa Venezia » (697 – 1797).

Nhất là ở Hà Lan vào thế kỷ 17 và 18, người ta không thể nào phân biệt được ranh giới giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của các cổ đông tập đoàn thương mại Đông Ấn Hà Lan VOC* đầy quyền lực lúc bấy giờ.

Mục tiêu của mối liên kết này là gì ?

Rất đơn giản. Chỉ nhằm tạo thành một thế độc quyền trải rộng ra cả ngoài biển khơi, hình thành một thị trường mà từ đó người ta có thể độc chiếm quyền kiểm soát việc tiếp cận.
Và dĩ nhiên, mối liên kết này còn để bảo vệ các tham vọng của giới thương nhân và đẩy lùi mọi sự thèm muốn của đối thủ cạnh tranh. Đây chính là lúc cần có hạm đội tầu chiến.

Vai trò của họ là thăm dò các thị trường mới – nếu cần thiết thì xâm chiếm – và thứ đến là loại trừ các đối thủ bằng vũ lực.
Nói một cách khác, thương thuyền và chiến thuyền có một mối quan hệ chặt chẽ, vừa bổ sung cho nhau vừa ràng buộc lẫn nhau.

 Thế nhưng, chỉ có vài nước sớm cảm nhận được một định mệnh như vậy. Tác giả liệt kê một số ví dụ điển hình : Nhờ các đời vua Công giáo của Tây Ban Nha nên mới có cuộc thám hiểm của Christophe Colombe.

Tại Anh có nữ hoàng Elizabeth I. Còn tại châu Á, có hoàng đế Minh Thành Tổ, đời vua thứ ba của triều đại nhà Minh, người ra chỉ dụ cho phép thái giám Trịnh Hòa tiến hành 7 cuộc thám hiểm Ấn Độ Dương trong suốt 1/3 đầu thế kỷ XV.

Sức mạnh hải quân : Thế mạnh của châu Âu ?

Nếu như ví dụ về Trung Quốc là một trường hợp cá biệt, sức mạnh hải quân là một hiện tượng mang đậm đặc tính châu Âu.
 « Một quốc gia hùng cường trước hết bởi vì đó là một cường quốc hàng hải », đó là suy nghĩ được coi là tất yếu trong suốt thế kỷ XIX.

Khái niệm này đã được đô đốc người Mỹ Alfred Mahan phát triển thành lý thuyết.
 Những bài viết và phát biểu hội thảo của ông có tác động mạnh đến việc định hướng chính sách của các nước châu Âu, cũng như Mỹ và Nhật Bản.

 Nguyên tắc đơn giản như sau : Để có được một vị thế quan trọng trên trường quốc tế, cần phải có một hạm đội tầu chiến hùng hậu, phương tiện quan trọng để thực hiện bành trướng ra biển khơi, công cụ để xâm chiếm thuộc địa và bảo đảm vị trí độc quyền.

Những tư duy này tạo cơ sở cho việc thu hẹp định nghĩa về « cường quốc hải quân », tập trung nhiều hơn vào khía cạnh chiến lược, xoay quanh sự đối kháng giữa « cường quốc lục địa » và « cường quốc trên biển » và người ta thường kết luận là « cường quốc trên biển » thắng thế.

Đây cũng chính là bài học người ta rút ra được từ hai cuộc thế chiến và cũng chính dựa vào mô hình này mà các nhà nghiên cứu địa chính trị lý thuyết hóa cuộc chiến tranh lạnh.
Với phe phương Tây, cần phải có khả năng làm chủ biển cả và vây hãm kẻ thù trên lục địa trong vùng lãnh thổ của họ.

Ở phía bên kia, Liên Xô và các đồng minh lại coi lực lượng hải quân có khả năng triển khai sức mạnh quân sự tầm xa và nhất là hàng không mẫu hạm như là vũ khí của phe đế quốc, nên phải phòng thủ.

Cường quốc hải quân thời « toàn cầu hóa »

Rồi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng lối suy nghĩ về cân bằng quyền lực trên thế giới không hề biến mất, mà dường như còn được phục hồi.
Những quốc gia nào từng nếm mùi thực dân như Ấn Độ hay Trung Quốc giờ lại xem hải quân như là một thứ vũ khí bảo đảm nền độc lập đất nước, nhằm tránh cho tấn bi kịch thế kỷ XIX tái diễn.

Và thế là khi tìm cách tránh các ý đồ của những cường quốc hải quân thù địch, bản thân họ lại trở thành một cường quốc hải quân.

Nhưng trong lối tư duy này, điều mới mẻ nhưng cũng đầy nghịch lý, chính là vị trí của kinh tế.
Trung Quốc hay Ấn Độ phát triển mạnh đã mang lại một cái nhìn hiện đại về khái niệm « cường quốc hải quân » trong một nghĩa rộng hơn.

 Nếu như hiện tượng toàn cầu hóa giúp cho hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn, thì nó cũng làm thay đổi cả cách nhìn « cường quốc hải quân » : Kinh tế thịnh vượng chưa hẳn là hải quân hùng mạnh.
Bởi vì không gian hàng hải đã được tự do hóa và hội nhập khu vực hơn.

 Việc tự do lướt sóng và mức độ an toàn cao tại các vùng biển, bất chấp một số hoạt động cướp biển vẫn tồn tại, đã làm tan rã mối quan hệ cộng sinh tồn tại xưa kia giữa các đội chiến thuyền và thương thuyền, nền tảng để các nước dựa vào nhằm khẳng định sức mạnh hải quân của mình.

Từ những quan sát này, bà Isabelle Delumeau lưu ý chớ vội xem Trung Quốc như là một « cường quốc hải quân » chỉ vì dự án « chuỗi ngọc » của nước này như nhiều nhà phân tích nhận định.
Bởi vì người ta có lẽ vẫn còn duy trì lối diễn giải địa chính trị kiểu xưa, vốn dĩ cần phải được xem xét lại.

Và nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng ở Biển Đông, nước Pháp cũng như Mỹ đã đề ra một sách lược cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Một báo cáo của Quốc Hội Pháp hồi tháng 4/2019 còn đề xuất « châu Âu hóa » các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, nghĩa là kêu gọi một sự hợp tác, liên kết, lập cơ chế quản lý chung.

 Trong trường hợp này, làm sao định nghĩa « Thế nào là một cường quốc hải quân ? ».
 

Switch mode views: