Tiểu thuyết hài ‘‘Giấc mộng Trung Hoa’’ ra mắt tại Pháp
- Thứ Bảy, 19 tháng Giêng năm 2019 16:52
- Tác Giả: Trọng Thành
Nhà văn Mã Kiến tại Hồng Kông, tháng 11/2018.Ảnh : Wikipedia
Ra mắt cuốn « China Dream/Giấc mộng Trung Hoa », phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), tiểu thuyết trào phúng tố cáo chính sách « tẩy não » của chế độ Tập Cận Bình.
Bắc Kinh khơi lại dự án đập thủy điện bị đình chỉ cách nay 7 năm tại Miến Điện.
Chính quyền Matxcơva im lặng trước các cáo buộc tra tấn, hành quyết người đồng tính tại nước cộng hòa tự trị Tchetchenia thuộc Nga.
Một nhóm khoa học gia công bố « thực đơn lý tưởng », giúp con người vừa sống khỏe hơn, vừa bảo vệ được Trái đất.
Trên đây là các chủ đề Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Trong mùa sách văn học đầu năm 2019 tại Pháp, có một cuốn rất được chú ý : Tiểu thuyết « China Dream / Giấc mộng Trung Hoa », phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), ra mắt hồi tuần trước.
Nhà văn Trung Quốc đề tặng cuốn sách này cho George Orwell, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị, mang tựa đề « 1984 ».
Theo Mã Kiến, George Orwell đã « dự báo hết » về xã hội Trung Quốc đương đại.
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trào phúng của Mã Kiến là Mã Đạo Đức (Ma Daode) một viên chức của đảng thuộc bộ phận được gọi là « Ủy Ban Quản Lý Giấc Mộng Trung Hoa ».
Nhiệm vụ của cơ quan đặc biệt này là tìm cách xóa khỏi đầu óc mọi công dân Trung Quốc « những giấc mơ và những kỷ niệm xấu về quá khứ ».
Điều trớ trêu ở chỗ là chính cán bộ đảng này cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi các ác mộng thời Cách mạng Văn Hóa. Bởi, trước khi làm được nhiệm vụ tẩy não những người khác, ông ta phải tự tẩy chính não mình.
Nhà văn Mã Kiến, nhân vật trong câu chuyện Giấc mộng Trung Hoa của ông và Tập Cận Bình có một điểm chung, họ đều lớn lên trong Cách mạng Văn hóa.
50 năm sau, Mã Đạo Đức đảm nhận sứ mạng tuyên truyền cho một Giấc mộng Trung Hoa vĩ đại.
Cùng lúc đó, ông ta phải đối mặt với những bóng ma của quá khứ, với cha mẹ quá cố mà ông ta đã phản bội, với việc tôn sùng Mao, kẻ gây ra bao tội ác.
Mã Đạo Đức đứng trước ngã ba đường : chôn vùi quá khứ hay tái tục các sai lầm của quá khứ đều dẫn đến thảm họa.
Theo nhà văn Mã Kiến, sống lưu vong tại Anh từ cuối những năm 1990, lịch sử của Trung Quốc sau năm 1949 đã bị đảng Cộng Sản viết lại hoàn toàn.
Đó chính là công cụ giúp cho chế độ « tẩy não » toàn dân, và thế vào phần não trống là một lịch sử được viết theo lập trường của đảng, là những tuyên truyền về một « Giấc mộng Trung Hoa » mới.
Giống như các tiểu thuyết trước đây (Hồng Trần, Bắc Kinh Coma hay Dark Road), cuốn « Giấc mộng Trung Hoa » của Mã Kiến bị cấm tại Trung Quốc (1).
Tác phẩm của nhà văn lưu vong cho thấy đằng sau khẩu hiệu Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình là bao nhiêu cuộc thảm sát, đàn áp khốc liệt, từ Cách mạng Văn Hóa cho đến Thiên An Môn...
Chuyến đi giới thiệu tiểu thuyết mới của ông tại Hồng Kông hồi tháng 11/2018 suýt lỡ dở, do trung tâm nghệ thuật Tai Kwun, nơi tổ chức Liên hoan sách quốc tế, từ chối tiếp.
Nhiều người đoán chắc có bàn tay của Bắc Kinh.
Miến Điện: Bắc Kinh khơi lại một dự án thủy điện bị dân lên án
Vào những ngày cuối năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách khơi dậy dự án đập thủy điện Myitsone, tại miền bắc Miến Điện, vốn bị đình chỉ từ 7 năm nay.
Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện đã đến tận khu vực này để tiếp xúc với các giới chức địa phương.
Tuy nhiên, tường thuật sau đó của đại sứ Trung Quốc đã bị phản bác.
Thông tín viên Eliza Hunt từ Rangoun cho biết :
« Theo đại sứ Trung Quốc, dân cư tại bang Kachin hoàn toàn không phản đối việc xây đập thủy điện.
Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói đã có được thông tin về việc này từ một số giới chức chính trị địa phương.
Trong khi đó, những người này hồi đầu tuần cho biết họ đã nói với đại sứ Trung Quốc điều hoàn toàn ngược lại.
Đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi dữ dội tại Miến Điện : 85% dân chúng phản đối, theo một thăm dò dư luận năm 2017.
Đập bị lên án do các hậu quả môi trường. Một khi vận hành, đập sẽ làm ngập một khu vực rộng tương đương Singapore, khiến dân cư phải sơ tán hàng loạt, và hủy hoại nhiều hệ sinh thái.
Tiếp theo đó, người dân Miến Điện khó mà biết được là con đập sẽ mang lại lợi ích gì cho họ.
90% lượng điện do đập sản xuất sẽ được đưa trực tiếp sang Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của người Miến Điện chống dự án Trung Quốc xây đập Myitsone trên dòng Irrawaddy, năm 2011.
REUTERS/Bazuki Muhammad
Vào lúc chưa lên nắm quyền, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã phản đối việc xây đập.
Nhưng cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi không giải quyết việc này.
Vào lúc bà mới lên nắm quyền, chính phủ đã lập ra một ủy ban về đập thủy điện, nhưng các báo cáo chưa bao giờ được công bố.
Hiện tại, đối với chính quyền Miến Điện, khó mà đưa ra một quyết định về vấn đề phức tạp này.
Một mặt, có sự phản đối mạnh ở địa phương vào thời điểm một năm trước bầu cử.
Mặt khác, nếu từ bỏ dự án, Miến Điện phải bồi thường gần 800 triệu đô la ».
Trung Quốc "đòi nợ" Aung San Suu Kyi ?
Về vai trò mờ ám của Trung Quốc trong dự án đập này, thông tín viên Eliza Hunt cho biết thêm:
« Miến Điện bị cô lập trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Rohingya, cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, bị quân đội Miến Điện ‘‘thanh lọc sắc tộc’’.
Việc Bắc Kinh giành quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn chặn các quyết định trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Miến Điện quả là rất quý giá cho chính quyền nước này.
Theo một số nhà quan sát, xung đột trong vấn đề ngôi đập thủy điện Myitsone có thể là một phương tiện gây áp lực của Trung Quốc nhằm có thêm sức nặng trong đàm phán, buộc Miến Điện phải có nhiều nhân nhượng hơn đối với nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác của Trung Quốc tại nước này ».
Tình hình xung quanh dự án đập Myitsone hết sức phức tạp.
Theo nhận định của báo Irrawaddy - một trang mạng độc lập Miến Điện có uy tín, thì chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đang bị kẹt giữa một bên là tập đoàn quân sự Miến Điện (nắm giữ các bộ chủ chốt Quốc Phòng, Nội Vụ, Biên Phòng và chiếm 25% ghế nghị sĩ Quốc Hội, sẵn sàng bác mọi cải tổ Hiến pháp theo hướng dân chủ hóa) và bên kia là chính quyền Trung Quốc nắm giữ nhiều nguồn lực tại Miến Điện và đang muốn thao túng quốc gia này hơn nữa.
Đặc biệt thông qua dự án « Một vành đai, một con đường », cũng như qua vai trò môi giới cho các đàm phán giữa chính quyền Miến Điện và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số, mà một số có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Đọc thêm : Một cuộc bỏ phiếu đầy bất trắc
Vẫn theo Irrawaddy, trong những tháng qua, bà Aung San Suu Kyi đã cố gắng dùng áp lực của Trung Quốc để buộc tập đoàn quân sự hùng mạnh phải có những nhân nhượng, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với các sắc tộc, ổn định tình hình trong nước.
Trước mắt, việc giới quân sự chấp nhận ngừng bắn 4 tháng với các lực lượng vũ trang sắc tộc, để đàm phán, kể từ cuối tháng 12/2018, có thể coi là thành công bước đầu với Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, đúng vào lúc thỏa thuận ngừng bắn 4 tháng nói trên được đưa ra, Trung Quốc lại tìm cách khơi dậy vấn đề đập Myitsone, như để đòi « một món nợ ».
Lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện sẽ phải trả giá nào, khi mời đến Bắc Kinh can thiệp ?
Nhiều người đồng tính tại Tchetchenia (thuộc Nga) bị tra tấn, hành quyết
Người đồng tính tiếp tục bị đàn áp khốc liệt tại Tchetchenia, một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Bang Nga.
Hôm thứ Hai, 14/01/2019, một hiệp hội bảo vệ người đồng tính Nga một lần nữa lên tiếng.
Thông báo của Hiệp hội LGBT Nga dựa trên một báo cáo của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), do 16 quốc gia thảo ra, được công bố cuối tháng trước. OSCE tố cáo Nga bao che chính quyền tự trị Tchetchenia.
Tường trình của thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva :
Cuối tháng 12 một làn sóng bắt bớ mới có thể đã bắt đầu, theo các thông tin từ mạng lưới LGBT Nga.
Hiệp hội bảo vệ quyền của những người đồng tính tại Nga ước tính đã có hàng chục người bị bắt, do định hướng tính dục.
Ông Igor Kotchekov, chủ tịch hiệp hội, cho biết : ‘‘Người bị bắt bao gồm nam và nữ, trong đó có ít nhất hai thiếu nữ. Họ bị tra tấn tàn bạo hơn cả năm 2017.
Trước đây, chỉ là chích điện, đánh đập bằng gậy, bây giờ còn tàn bạo hơn. Những vụ bắt bớ này phù hợp với đường lối chính trị của lãnh đạo Tchetchenie Ramzan Kadyrov. Người từng tuyên bố công khai là cần phải gột rửa dòng máu Tchetchenia khỏi những kẻ đồng tính nam, nữ’’.
Về phần mình, chính quyền Tchetchenia chính thức phản đối những cáo buộc của tổ chức phi chính phủ bảo vệ người đồng tính.
Theo một người phát ngôn của ông Ramzan Kadyrov. Hồi tháng 12 năm ngoái, một báo cáo của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu từng khẳng định là có tồn tại một kế hoạch đàn áp người đồng tính tại Tchetchenia.
Tổ chức OSCE đặc biệt chú ý đến nhiều trường hợp tra tấn, bắt bớ vô cớ và hành quyết ».
Cờ của cộng đồng LGBT biểu tình ngày 6/5/2017 tại Matxcơva.
Kirill KUDRYAVTSEV / AFP
Tại Nga, quan hệ đồng tính bị coi là tội phạm cho đến năm 1993, và như một bệnh tâm thần, cho đến năm 1999.
Năm 2013, chính quyền Nga ra luật trừng phạt mọi hành động « tuyên truyền » với người vị thành niên về quan hệ đồng giới.
Các cuộc tuần hành của người đồng tính (Gay Pride) nói chung bị cấm, hoặc là mục tiêu của bạo lực.
« Ăn uống đúng cách » vừa thoát bệnh, vừa cứu Trái đất
Ăn uống sai cách có hại cho sức khỏe là điều đông đảo mọi người ngày càng hiểu rõ.
Tuy nhiên, còn ít người gắn liền việc ăn uống đúng cách, có lợi cho sức khỏe cá nhân, với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, hay nói cách khác đối với « sức khỏe » của hành tinh.
Hôm thứ Tư vừa qua, trên The Lancet, tạp chí y học nổi tiếng Anh Quốc, 37 nhà khoa học (từ 16 quốc gia) công bố « Thực đơn lý tưởng » có tên gọi « Sức khỏe Hành Tinh / Planetary Health ».
Nếu nhân loại thực hiện được thực đơn này, ít nhất sẽ có 11 triệu người thoát chết hàng năm, và đồng thời lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm mạnh và đa dạng sinh học được bảo vệ.
Bí quyết của thực đơn này là gì ?
Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, Thực đơn lý tưởng hàng ngày gồm trung bình 300 gram rau, 200 gram quả, 200 gram hạt toàn phần các loại (gạo, ngô…), 250 gram sữa hoặc thực phẩm tương đương, nhưng chỉ có 14 gram thịt đỏ.
Để bù vào lượng protein thiếu hụt, có thể thay thịt đỏ bằng thịt gia cầm (29 g), cá (28 g), trứng (13 g) hay các loại hạt có chứa nhiều protein, như hồ đào, óc chó… (50 g).
Tiêu thụ thịt ở quy mô lớn tại các nước giàu, các nhóm xã hội khá giả ở những nước đang phát triển không những gây tổn hại cho sức khỏe của chính người sử dụng mà cho cả môi trường, và là một nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính quan trọng.
Thay đổi lớn cần có trong chế độ ăn với cư dân các nước phát triển là tăng gấp bội lượng rau quả và các loại hạt, đồng thời giảm ít nhất là một nửa lượng thịt và đường, trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Cụ thể là với người Mỹ, trung bình cần giảm 20 lần so với hiện nay (đang ở mức 280 gram/ngày), với người Pháp, khoảng 3 lần (46 gram/ngày).
« Thay đổi triệt để chế độ ăn » là có thể
Giáo sư Tim Lang, Đại học Luân Đôn, người lãnh đạo cuộc nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh là trong vấn đề ăn uống, nhân loại đang phạm phải « những sai lầm nghiêm trọng ».
Tại các nước phát triển hay đang tăng trưởng mạnh, hàng loạt căn bệnh mãn tính, như béo phì, tiểu đường, huyết áp, hoặc một số loại bệnh ung thư là do chế độ ăn uống không đúng cách.
Theo nghiên cứu nói trên, ăn uống thừa chất và không đúng cách là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Người chết do nguyên nhân này còn cao hơn cả tổng số người thiệt mạng do tiêu thụ rượu, thuốc lá, ma túy, quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Ước tính khoảng 2,4 tỉ dân cư thế giới đang sử dụng quá nhiều thực phẩm so với mức cần thiết.
Ngược lại với tình trạng ở các nước phát triển, tại phần còn lại của thế giới, hơn 800 triệu người hoặc thiếu ăn, hoặc phải sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Đây là nguồn gốc của nhiều bệnh tật và tử vong sớm.
Theo giáo sư Tim Lang, việc « thay đổi triệt để chế độ ăn » trong thế kỷ 21 là điều tuy khó, nhưng không phải là không thể được, bởi kinh nghiệm cho thấy chế độ ăn uống của con người đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 20.
Những ai có dịp sống qua nhiều thời kỳ, nhiều xã hội, nhiều điều kiện khác nhau, thì ngay trong thời gian một đời người cũng có thể ghi nhận điều này.
Các nhà nghiên cứu không hy vọng toàn nhân loại áp dụng nhất loạt « Thực đơn lý tưởng » này.
Chỉ cần áp dụng một phần tình trạng sức khỏe cá nhân và sức khỏe của hành tinh cũng có đã có những cải thiện trông thấy.
-----------------------------
Ghi chú
1. Mã Kiến bắt đầu đến với công chúng ở phương Tây vào năm 1993, với tập truyện ngắn « Người ăn xin ở Shigatze », dựa trên những trải nghiệm của ông ở Tây Tạng.
Chính tập truyện khiến ông bị bắt vào năm 1983, và buộc phải tha hương.
Tại Việt Nam, tác phẩm của Mã Kiến gần như không được biết đến.
Một số truyện ngắn của Mã Kiến như « Kẻ ruồng bỏ » hay « Lễ quán đỉnh » được dịch và đăng trên trang mạng văn học hải ngoại Tiền Vệ.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-1-20198 - 21/01/2019 18:26
- COC: Vì lợi ích chiến lược, Việt Nam phải có lập trường cứng rắn - 21/01/2019 18:07
- Kinh tế : GDP của Trung Quốc tăng ở mức thấp kỷ lục - 21/01/2019 17:39
- Bị tố cáo là “hiểm họa”, Trung Quốc gay gắt đả kích Thụy Điển - 21/01/2019 17:24
- Ấn Độ: Nửa triệu người chống thủ tướng Modi tập hợp về Calcutta - 20/01/2019 23:28
- Mỹ: Hàng chục ngàn người tuần hành vì nữ quyền - 20/01/2019 23:20
- Bóng đá Việt Nam đã vào được tứ kết cúp Châu Á - 20/01/2019 19:21
- Thêm một đoàn di dân ‘caravan’ trên đường tới Mexico - 19/01/2019 20:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-01-2019 - 19/01/2019 19:35
- Chiến tranh mạng : Pháp công bố chiến lược mới - 19/01/2019 19:14
Các tin khác
- Việt Nam cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng, gây bất mãn cho Công Giáo - 19/01/2019 02:07
- Đô đốc John Richarson: Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ qua eo biển Đài Loan - 19/01/2019 01:58
- Vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo được phóng tại Nhật - 19/01/2019 01:48
- Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo kiểm soát Biển Đông - 19/01/2019 00:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-01-20198 - 18/01/2019 21:11
- Mỹ: Chiến lược phòng thủ tên lửa mới nhắm vào Iran và Bắc Triều Tiên - 18/01/2019 19:44
- Colombia : Ba ngày quốc tang sau vụ khủng bố khiến hơn 20 người chết - 18/01/2019 16:48
- Biển Đông: FONOP vô hiệu với Trung Quốc, Mỹ cần biện pháp mạnh hơn - 17/01/2019 21:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-01-2019 - 17/01/2019 21:16
- Tư Pháp Mỹ mở điều tra hình sự về tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (WSJ) - 17/01/2019 20:05