Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cam Bốt kỷ niệm 40 năm Khmer Đỏ bị đánh đuổi

cambodge khmer rouge 2


Lễ kỷ niệm 40 năm ngày chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Phnom Penh, 07/01/2019.
Tang Chhin Sothy/AFP

 

Khoảng 100.000 người Cam Bốt hôm nay 07/01/2019 đã tập hợp tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh để kỷ niệm 40 năm chế độ Khmer Đỏ sụp đổ.

Thủ tướng Hun Sen nói rằng đây là ngày đất nước « được khai sinh lần thứ hai ».

Phe mao-ít cực đoan Khmer Đỏ, đứng đầu là Pol Pot, đã ngự trị bằng chế độ khủng bố khi chiếm được chính quyền năm 1975, làm hai triệu người Cam Bốt bị chết vì đói, lao động cưỡng bức, tra tấn và thảm sát hàng loạt.

Thảm trạng này đã kết thúc vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979, tức cách đây đúng 40 năm, khi Hun Sen, một cựu lãnh đạo Khmer Đỏ với sự giúp sức của quân đội Việt Nam, đã tiến vào thủ đô Cam Bốt, đánh đuổi chế độ được Bắc Kinh yểm trợ.

Thủ tướng 66 tuổi gọi đây là « ngày khai sinh đất nước Cam Bốt lần thứ hai », trong buổi lễ long trọng với dàn quân nhạc và dàn vũ nữ múa điệu Apsara truyền thống.

Ông tuyên bố trước đám đông : « Hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm để nhắc nhở những tội ác ghê tởm nhất, không thể nào quên được của bọn Pol Pot », đồng thời cảm ơn Việt Nam đã cứu đất nước Cam Bốt.

Một phóng sự của Reuters dẫn ra nhiều nhân chứng sống của chế độ diệt chủng Pol Pot có mặt trong buổi lễ.

Một người có đến 11 anh chị em và cha mẹ bị sát hại, cho biết, khi bị Khmer Đỏ đuổi khỏi Phnom Penh cùng với nhiều người dân thủ đô, họ đã phải đi bộ cả 100 km về vùng nông thôn, một số người khác sống sót, nhưng cả gia đình đều chết đói.

Tòa án Liên Hiệp Quốc xét xử Khmer Đỏ hồi tháng 11/2018 đã buộc tội diệt chủng đối với hai cựu lãnh đạo phe này.
Thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, nhân dịp này cũng lược lại lịch sử, đả kích những nước vẫn tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ sau khi bọn sát nhân này đã bị đánh đuổi.

 Ông nói những nước này "với chiêu bài nhân quyền và dân chủ đã ngăn trở một cách bất hợp lý",  khi nhân dân Cam Bốt cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên thủ tướng Hun Sen không nêu cụ thể một quốc gia nào.

Sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, chính quyền của ông Hun Sen được Việt Nam ủng hộ đã gặp nhiều trắc trở, khi Hoa Kỳ tìm cách duy trì các đại diện của chế độ này tại Liên Hiệp Quốc.

Trong những năm gần đây, Cam Bốt đã quay sang phía Trung Quốc nhờ có được những khoản vay cho cơ sở hạ tầng, và Bắc Kinh không quan tâm đến vấn đề nhân quyền.

Switch mode views: