Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới chuyên gia nghi tin tặc Trung Quốc thâm nhập mạng lưới ngoại giao châu Âu

usa chine  tin tac.jpg

Ảnh minh họa
REUTERS/Edgar Su/Files



Có thể tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu ít nhất trong ba năm, đánh cắp hàng ngàn bức điện ngoại giao.
Vụ tấn công tin học quy mô này được New York Times tiết lộ tối qua 18/12/2018.

Tờ báo Mỹ được công ty an ninh mạng Area 1 cung cấp trên 1.100 bức điện ngoại giao, sau khi phát hiện vụ xâm nhập.
Các nhà điều tra của Area 1 tin rằng các tin tặc này do quân đội Trung Quốc tuyển dụng.

Các bức điện ngoại giao bị đánh cắp phản ánh mối quan ngại của châu Âu trước chính sách của tổng thống Donald Trump, những khó khăn khi làm việc với Nga, Trung Quốc, hay nguy cơ Iran lại tái khởi động chương trình nguyên tử.

Trong một bức điện, các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki hồi tháng Bảy giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là một « thành công (ít nhất là cho ông Putin) ».

Một bức điện khác được viết sau cuộc họp ngày 16/7 tại Phần Lan, nêu ra một cuộc đối thoại giữa các viên chức Liên Hiệp Châu Âu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, so sánh các thủ thuật hăm dọa Bắc Kinh của ông Donald Trump với một « cuộc đấu võ đài mà mọi cú đòn đều được phép ».

Tin tặc cũng len lỏi vào các mạng lưới của Liên Hiệp Quốc, nghiệp đoàn Mỹ AFL-CIO, nhiều bộ Ngoại Giao và bộ Tài Chính của các nước trên thế giới.
Tư pháp Mỹ cho rằng tin tặc Trung Quốc có liên quan đến chiến dịch « Cloudhopper » nhắm vào các nhà cung cấp công nghệ và khách hàng của họ.

Về phía Đức, cơ quan an ninh mạng BSI hôm nay 19/12 cũng cảnh báo nhiều công ty Đức có thể là nạn nhân của tin tặc, và các hoạt động tấn công từ Trung Quốc đang tăng lên.
 Hồi tháng Chín, giám đốc cơ quan phản gián Đức đã báo động việc Nga, Trung Quốc và một số nước có thể xâm nhập vào máy tính các công ty để đánh cắp thông tin kỹ nghệ.

Trình độ công nghệ cao của Đức lâu nay vẫn hấp dẫn tin tặc, và tờ Sueddeutsche Zeitung hôm nay cho biết tin tặc tập trung vào « những công ty xây dựng, nghiên cứu về vật liệu, và một số công ty thương mại lớn ».
Theo tờ báo, tuy dạng tấn công « Cloudhopper » còn khá hiếm tại Đức, nhưng tập trung vào mục tiêu hơn và gây thiệt hại nhiều hơn so với tin tặc Nga.

Switch mode views: