Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tập Cận Bình và tham vọng biến Hải Nam thành Hawaii của Trung Quốc

south china sea claims map

Đảo Hải Nam và bản đồ hình "lưỡi bò" đòi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông
(@wikipedia.org)

Đảo Hải Nam, nằm trong vùng Biển Đông, sắp trở thành một khu vực thương mại tự do.
 Từ năm 2010, hòn đảo nằm ở cực nam Trung Quốc được đầu tư phát triển du lịch, kiêm vai trò tiền đồn quân sự hướng ra Biển Đông.

Tờ South China Morning Post (08/04/2018) đặt câu hỏi : Liệu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thực hiện thành công dự án “Haiwaii của Trung Quốc” nơi Đặng Tiểu Bình từng thất bại?

Đánh giá về chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao tại Hải Nam của ông Tập Cận Bình, một nhà nghiên cứu Trung Quốc nhắc đến “chuyến thăm miền nam của chính ông Tập”, ngụ ý về chuyến đi nổi tiếng năm 1992 của ông Đặng Tiểu Bình.
 Trong chuyến đi này, cố lãnh đạo Trung Quốc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc muốn tiếp tục tự do hóa thị trường và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Việc này đã mang lại kết quả. Sau chuyến công du miền nam, sức bật của nền kinh tế Trung Quốc, được bắt đầu vào thập niên 1980, đã trỗi dậy.
Ông Tập Cận Bình, người hiện là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, muốn sức lan tỏa trong tương lai của nền kinh tế thứ hai thế giới tập trung vào chất lượng cao hơn là tốc độ nhanh.

Theo thông tin ngày 13/04 của Tân Hoa Xã, ông Tập muốn biến toàn đảo Hải Nam thành khu vực tự do mậu dịch.
Như vậy, đảo Hải Nam sẽ trở thành tiền đồn cho mở cửa thị trường dịch vụ tại Trung Quốc, từ du lịch đến chăm sóc y tế và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Đảo Hải Nam: Tiền đồn quân sự Trung Quốc hướng ra Biển Đông

Về mặt địa lý, đảo Hải Nam, với diện tích 34.000 km2, có vị trí chiến lược - nằm ở phía bắc Biển Đông, phía tây là Việt Nam và phía đông là Philippines - đã trở thành nơi đồn trú chiến lược của quân đội Trung Quốc.

Chính vì nằm ở vị trí địa lý và chiến lược quan trọng, Trung Quốc đã cho xây dựng trên đảo một “Trân Châu Cảng” (Pearl Harbour) của chính mình bằng cách biến các khu cảng ở thành phố du lịch Tam Á (Sanya) thành một cảng quy mô lớn có khả năng chứa nhiều tầu sân bay.
Mục đích là hình thành một khu căn cứ có thể hỗ trợ cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc cân bằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.

Hải Nam cũng là nơi đồn trú của lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc (gồm cả tầu tấn công quy ước lẫn hạt nhân), một lực lượng không quân lớn, nhiều vị trí radar và tên lửa trên mặt đất, cũng như các cơ sở bảo vệ bờ biển và vài ngàn quân nhân.
Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.

Ngoài ra, trên đảo Hải Nam còn có một cảng không gian, nơi duy nhất trên toàn Trung Quốc có khả năng xử lý các tên lửa mạnh nhất của quân đội.

Hơn 30 năm nỗ lực thành “điểm du lịch quốc tế”

Hải Nam tách khỏi tỉnh Quảng Đông vào năm 1988 và trở thành vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Tài năng và tiền được đổ vào đảo.
Nhưng Hải Nam nhanh chóng rơi vào vòng xoáy bong bóng bất động sản, đỉnh điểm là giá nhà ở thủ phủ Hải Khẩu tăng gấp ba lần vào năm 1992, buộc chính quyền trung ương phải can thiệp.

Trong suốt 25 năm sau, tầm quan trọng của Hải Nam trong nền kinh tế Trung Quốc đã bị giảm đáng kể.
Chỉ thu hút được 10 tỉ đô la đầu tư nước ngoài, tương đương với 1,5% tổng đầu tư của Trung Quốc trong 5 năm, từ 2012 đến 2017, hòn đảo chật vật tìm cách lấy lại vị trí trong nền kinh tế quốc gia.

Tương tự, kế hoạch biến Hải Nam thành “hòn đảo du lịch quốc tế”, được thực hiện từ năm 2009, cũng không mấy thành công.
Nhiều khoản đầu tư lớn được đổ vào hòn đảo, thị trường bất động sản sôi động trở lại và cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay) được xây mới.

Năm 2017 có 67 triệu du khách đến đảo, tăng gấp đôi so với năm 2012 và chi 12,8 tỉ đô la, nhưng chỉ có khoảng 1 triệu du khách nước ngoài.
Con số này chưa bằng 1/5 so với số du khách nước ngoài đến đảo Bali vào năm 2016, trong khi hòn đảo của Indonesia chỉ bằng 1/6 diện tích Hải Nam.

Lý do được nhà kinh tế Lưu Dũng (Liu Yong), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc, đưa ra là do các dịch vụ vui chơi giải trí và điểm tham quan trên đảo Hải Nam chưa thể cạnh tranh được với các điểm du lịch khác ở Đông Nam Á như Bali hoặc Thái Lan vì giá cao trong khi chất lượng dịch vụ lại thấp và thiếu cơ sở hạ tầng.

Trong số các đề xuất ban đầu của kế hoạch phát triển du lịch Hải Nam có cửa hàng miễn thuế, miễn thị thực và thậm chí là hợp pháp hóa đánh bạc, nhưng khi hoàn thiện vào năm 2010, các đề xuất trên bị giảm bớt : chỉ vài cửa hàng miễn thuế dành cho du khách nội địa được xây dựng, đánh cược thì chỉ hạn chế ở xổ số thể thao.

Hải Nam cũng không thể cạnh tranh được với các thành phố mua sắm nổi tiếng trong khu vực như Hồng Kông hay Tokyo, thương mại điện tử hoặc không đáp ứng được nhu cầu mua hàng nước ngoài giá rẻ của người tiêu dùng Trung Quốc.

Chính bối cảnh này đã làm nảy sinh ý tưởng biến Hải Nam thành một vùng thương mại tư do như Hồng Kông.
Từ năm 2013, Trung Quốc đã lập 11 khu vực tương tự trên khắp đất nước.

Khi Hải Nam được tách tỉnh cách đây 30 năm với những đặc quyền kinh tế nhất định, ông Đặng Tiểu Bình hy vọng thể hiện được khả năng thúc đẩy sự phát triển trên đảo của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
 Tuy nhiên, đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của Hải Nam vẫn thấp hơn mức trung bình toàn quốc và đứng thứ 22 trong 31 tỉnh về tốc độ tăng trưởng.

Xuất phát từ điểm ông Đặng Tiểu Bình thất bại, liệu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thay đổi được cán cân trên đảo?

Switch mode views: