Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tông du Bangladesh, giáo hoàng đã gọi đích danh người Rohingya

pope-asia-bangladesh 6

Giáo hoàng Phanxicô gặp một nhóm người tị nạn Rohingya tại hội nghị liên tôn giáo, Dacca, Bangladesh, ngày 01/12/2017
REUTERS

Trong ngày thứ hai chuyến tông du Bangladesh, giáo hoàng Phanxicô đã dùng từ Rohingya để nói về thảm cảnh của sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi này.

Công luận quốc tế vẫn ngóng chờ xem giáo hoàng có dùng từ Rohingya hay không, bởi vì tại Miến Điện, giáo hội Công Giáo ở nước này đã thuyết phục ngài tránh dùng, không để cho giới quân sự và những phần tử cực đoan tấn công bà Aung San Suu Kyi và phá hoại tiến trình chuyển đổi dân chủ.

Từ Dacca, thủ đô Bangladesh, thông tín viên Aymeric Pourbaix gửi về bài tường trình:

Theo dự kiến ban đầu, đức giáo hoàng gặp chào từng người trong nhóm 16 người tị nạn Rohingya và không phát biểu gì.
Đó là thời điểm rất xúc động: đức giáo hoàng chăm chú lắng nghe họ và có một vài cử chỉ an ủi, thậm chí ban phước lành cho một bé gái quỳ gối trước ngài.

Thế rồi, theo như thói quen, ngài phát biểu một cách tự nhiên, bằng tiếng Ý. Đức giáo hoàng khẳng định:
 Hoàn cảnh của anh chị em thật là khó khăn. Nhân danh tất cả những ai từng bức hại anh chị em và sự thờ ơ của thế giới, tôi cầu xin sự tha thứ.
Bởi vì tất cả chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa.

Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi thừa nhận các quyền của họ. Ngài nói:

Đừng đóng cửa trái tim chúng ta. Và ngài kết thúc bằng một câu ngắn gọn nhưng được loan tải khắp nơi trên thế giới: Hôm nay nhan Thiên Chúa cũng được gọi là Rohingya.

Thực ra, khi làm điều này, đức giáo hoàng cũng chỉ khẳng định sự dấn thân của ngài cứu giúp số phận người tị nạn.
Nhưng đây cũng là một sự tiếp tục lô-gích bài diễn văn chính thức mà ngài đã phát biểu lúc đầu trong cuộc gặp: đức giáo hoàng mong muốn cuộc gặp liên tôn giáo có thể đưa ra một tín hiệu rõ ràng rằng tự do tôn giáo là một quyền.

Ngài lên án những ai sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo. Điều này nhắm tới những phần tử Hồi Giáo đang gây áp lực tại Bangladesh và cả những Phật tử cực đoan đang tiến hành thanh lọc chủng tộc tại Miến Điện.

Switch mode views: