Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Học giả Trung Quốc : Bắc Triều Tiên ‘‘tự đẩy mình vào chỗ chết’’, nếu thử tiếp tên lửa

BTT- Kim Un

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, theo dõi vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12, ngày 16/09/2017
KCNA via REUTERS

Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt.

 Đúng vào lúc Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ « tự đẩy mình vào chỗ chết ».

Báo mạng Anh Quốc Expresse, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn « gây sốc », của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC.
Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên « đang tìm đến cái chết » khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, « chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».

Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã « sôi lên vì giận », sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).

Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng «ngôn từ không mang tính ngoại giao», đó là khi nói về Kim Jong Un.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù

Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.

Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là « Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh.
Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy». Ông ví Bình Nhưỡng như «mấp mé bên miệng vực », chỉ cần «một làn gió nhẹ» cũng đủ tiêu vong.

Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội 19.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn «vài tháng nữa» là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận.

Cựu tổng thống Carter muốn đến Bình Nhưỡng

Tại Mỹ, nhiều người vẫn muốn tìm giải pháp ngoại giao.
Theo Reuters, cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 93 tuổi, cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng, nhân danh chính quyền Trump để đối thoại với Bắc Triều Tiên.

Cựu tổng thống Mỹ Carter cho rằng căng thẳng hiện nay, với các cuộc khẩu chiến và ngờ vực gia tăng, có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn giải pháp tấn công phủ đầu, do sợ bị Mỹ tấn công trước.
Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, một phần lãnh thổ hải ngoại, thậm chí  lãnh thổ Bắc Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân.

Cũng theo ông Jimmy Carter, ở Washington người ta có xu hướng đáng giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc trên thực tế, chính quyền Kim Jong Un không còn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, như dưới thời Kim Jong Il, cha của Kim Jong Un.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng năm 1994 để đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội Kim Jong Un - để thúc đẩy một thỏa thuận đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, ít tuần trước khi Kim Nhật Thành qua đời.

Switch mode views: