Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một người Pháp được bầu làm tổng giám đốc UNESCO

Audrey Azoulay unesco

Bà Audrey Azoulay, tổng giám đốc tân cử của UNESCO họp báo ngày 13/10/2017 tại trụ sở UNESCO ở Paris. October 13, 2017.
Reuters

Hôm qua, 13/10/2017, bà Audrey Azoulay, 45 tuổi, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp, đã được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO.

Nhân vòng thứ năm, cũng là vòng cuối cùng của cuộc bỏ phiếu, ứng cử viên Pháp đã giành được 30/58 phiếu, chiến thắng sít sao trước đối thủ người Qatar được 28 phiếu còn lại.

Tuy nhiên, việc lựa chọn bà Azoulay sẽ phải chờ Đại Hội Đồng các quốc gia thành viên UNESCO, họp lại ngày 10/11/2017 tới đây, thông qua.

Bà Azoulay đã nhận thêm một lá phiếu từ Ai Cập, sau khi ứng cử viên của nước này bị loại khỏi cuộc đua.
Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Cairo đã yêu cầu UNESCO « xác minh những vi phạm đã bị phát hiện trong suốt quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu ».

Dù nằm trong số những ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế tổng giám đốc UNESCO, ông Hamad ben Abdulaziz al-Kawari, ứng cử viên của Qatar chịu nhiều bất lợi hơn so với bà Audrey Azoulay.

 Viện Simon Wiesenthal Europe từng phản đối cựu bộ trưởng văn hóa Qatar này tham gia ứng cử, vì cho rằng ông có những phát ngôn bài Do Thái.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Qatar và các nước láng giềng trên bán đảo Ả Rập hồi tháng 6 có lẽ đã khiến Qatar mất đi lá phiếu ủng hộ từ các nước này.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Essaouira, Maroc, có cha là cố vấn cho nhà vua Maroc và mẹ là một văn sĩ, bà Azoulay nhận bằng thạc sĩ quản trị tại đại học Paris Dauphine, sau đó tiếp tục theo học tại các trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po và trường Hành Chính Quốc Gia Pháp ENA.

Dưới thời tổng thống François Hollande, bà từng là tổng giám đốc Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia, sau đó đảm nhiệm vị trí bộ trưởng Văn Hóa Pháp vào năm 2014.
Việc bà Azoulay được bầu làm tổng giám đốc UNESCO như là một minh chứng thuyết phục, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc tổ chức này chủ trương bài Do Thái.

Trước quyết định rời bỏ UNESCO của Hoa Kỳ và Israel hôm thứ 5 12/10/2017, bà Azoulay lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cần phải « tham gia », thay vì « rời bỏ » tổ chức này trong giai đoạn khủng hoảng.

Trong kế hoạch hành động của mình, bà Azoulay dự định sẽ tăng cường hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực mà bà cho là « chất xúc tác của sự phát triển và bình đẳng nam nữ ».

Bà cũng cam kết sẽ tái lập tham vọng văn hóa của UNESCO, biến tổ chức này thành một nhân tố tham chiếu đối với sự phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi thêm những nguồn đóng góp.

Điều này đòi hỏi UNESCO phải « hành động khẩn trương hơn, với một phương pháp quản lý minh bạch, dễ hiểu và hiệu quả ».

Switch mode views: