Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12- 07-2017
- Thứ Năm, 13 tháng Bảy năm 2017 22:00
- Tác Giả: Thụy My
Trump không thể chối cãi việc đồng lõa với Nga
Donald Trump Jr, con trai tổng thống Trump (T) và cha. Ảnh chụp sau khi ông Trump tranh luận với ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, 26/09/2016.
REUTERS/Mike Segar/
Paris và Los Angeles được chọn tổ chức Thế vận hội 2024 và 2028, báo động đỏ về đợt diệt chủng quy mô các loài sinh vật hoang dã trên trái đất lần thứ sáu, chiến thắng Mossoul và số phận của Daech, Donald Trump Jr và một loạt email liên quan đến những trao đổi với phía Nga.
Đó là những chủ đề chính được các báo Pháp chú ý hôm nay.
Tiết lộ gây rắc rối lớn
Trong bài viết mang tựa đề « Tiết lộ về những trao đổi đáng lo ngại giữa gia đình ông Trump và Nga », Les Echos cho biết một người Anh thân cận với ông Vladimir Putin là Rob Goldstone đã gởi email cho con trai lớn của ông Donald Trump vào tháng 6/2016, đề nghị chuyển giao cho những thông tin bất lợi về bà Hillary Clinton.
Người trung gian này viết : « Các tài liệu này rất hữu ích cho cha của ông. Nó chứng tỏ sự ủng hộ của chính phủ Nga đối với ông Donald Trump ».
Vài phút sau đó, Donald Trump Jr trả lời : « Nếu những gì ông nói là sự thật thì tôi rất thích ».
Các email này được tờ New York Times công bố hôm qua, và trước đó một chút Donald Trump Jr cũng đã nhanh tay đưa lên mạng.
Sau loạt trao đổi qua thư điện tử, người con lớn ông Trump đã gặp gỡ Natalia Veselnitskay, một nữ luật sư Nga « trực thuộc chính phủ » - theo từ ngữ trong thư. Người con rể ông Trump là Jared Kushner và giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort cũng dự cuộc họp, chứng tỏ phía ông Trump coi đây là việc quan trọng.
Đây không phải là lần đầu tiên họ tìm kiếm các thông tin bất lợi cho đối thủ là bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên việc ông Trump dựa vào Nga, một nước ngoài bị nhiều người Mỹ coi là kẻ thù, khiến vụ này thêm rắc rối, thậm chí có thể bị đưa ra tòa.
Bản thân việc thông đồng với một cường quốc khác không phải là tội phạm. « Nhưng một người Mỹ đồng lõa với nước ngoài để gây ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử có thể vào tù », theo giải thích của luật sư Jeffrey Jacobovitz của Arnall Golden Gregory.
Phe ông Trump chưa bao giờ bác bỏ giả thiết người Nga mưu toan tác động đến bầu cử Mỹ, nhưng biện minh rằng mình không biết điều này.
Tổng thống Trump trong hội nghị G20 mới đây cũng nói rằng « đã chất vấn ông Putin hai lần », nhưng tổng thống Nga « kiên quyết chối bỏ ».
Các tiết lộ của New York Times có thể là bằng chứng quan trọng cho các cuộc điều tra của bộ Tư Pháp và Quốc Hội Mỹ vì cho đến nay, chưa hề có được chứng cớ nào về việc những người thân ông Trump biết được ý định của Matxcơva, chứ đừng nói đến việc tham gia.
Ông Tim Kayne, người từng đứng chung danh sách ứng cử với bà Clinton nhận định : « Bây giờ không còn là bất tuân tư pháp nữa, mà là tuyên thệ gian dối, và có thể là phản quốc ».
Càng đáng bối rối hơn nữa là cuộc gặp trên đây do sự sắp xếp của Emin Agalarov, một ngôi sao nhạc pop thân cận với Kremlin, đã từng làm việc với Donald Trump trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Có thể truất phế tổng thống Donald Trump ?
« Ông Trump và những người thân cận không thể nào chối cãi được việc đồng lõa với Nga ».
Đó là nhận xét của ông Nicholas Dungan, giám đốc nghiên cứu của IRIS trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos.
Theo chuyên gia này, việc con trai ông Trump đi gặp người có thông tin bất lợi cho đối thủ của cha mình không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều chưa từng thấy, là gặp gỡ người của chính phủ Nga !
Cho đến nay, phe ông Trump luôn chối bỏ mọi thông đồng với điện Kremlin, nhưng nay thì không thể vì đã có các bằng cớ cụ thể.
Điều khiến người dân Mỹ lo ngại, và ngày càng nhiều, là Nga có thể giựt dây ông Trump.
Gọng kềm đang siết lại. Đối với người Mỹ, vấn đề không chỉ là nói dối, mà còn là che giấu bằng những dối trá mới.
Donald Trump là một người Mỹ theo kiểu Jackson (dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, nhưng không có ý định xuất khẩu dân chủ).
Cùng với ông Trump là một loại cách sống miền Viễn Tây - ông cố tiêu diệt tất cả những gì gây phiền hà cho mình.
Trump vẫn có thể tiếp tục cho đến khi nào các định chế hiến định không còn có thể dung thứ cách xử sự này.
Liệu có thể truất phế tổng thống Donald Trump hay không ? Theo chuyên gia Nicolas Dungan thì chưa, vì đây là vấn đề chính trị.
Cần phải thuyết phục được phe Cộng Hòa là Trump đã vi phạm lời tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp. Thậm chí việc ông tái đắc cử cũng không phải là bất khả, vì phe Dân Chủ đã đi quá xa trong các biện pháp xã hội, tại một đất nước chủ yếu là bảo thủ như Hoa Kỳ.
Trong khi chờ đợi, đây là thiệt hại chung do sự suy yếu của ảnh hưởng Mỹ trên thế giới, như đã thấy trong hội nghị G20 mới đây - đã trở thành một loại G19.
Donald Trump Junior, nhân vật không ngại đấu đá
Thông tín viên Le Figaro ở Washington phác họa ra chân dung « Donald Junior, nhân vật đơn thương độc mã trong phe ông Trump ».
Là thợ săn lành nghề, Donald Jr không phải là người chạy trốn trong một trận chiến đấu, và cũng không có thói quen trở thành con mồi. Cũng như cha, người con lớn của Donald Trump vừa thuê một luật sư để phòng bị.
Một tuần lễ sau cuộc gặp với phía Nga như báo chí đã tiết lộ ở trên, các thư điện tử của đảng Dân Chủ bị đánh cắp bắt đầu xuất hiện trên internet.
Nhưng Donald Jr cho rằng mình chẳng làm gì sai. Hôm qua ông viết trên Twitter : « Truyền thông và những người Dân Chủ theo tới cùng trong vụ Nga.
Nếu đó là tất cả những gì họ tìm được sau cả năm trời, tôi thông cảm được nỗi thất vọng của họ ».
Donald Jr có những điểm chung với cha : tình cảm gia đình, tính bảo thủ và thích đấu đá, thậm chí còn hơn. Nếu ông Donald Senior một thời gian dài khi tả khi hữu, thì Don Junior luôn là một người bảo thủ.
Sở hữu một bộ sưu tập súng trường bán tự động, thích săn bắn, mỗi cuối tuần Don Jr đều rời Manhattan cùng với vợ - vốn là người mẫu do cha giới thiệu - và năm đứa con, đi nghỉ tại tư dinh trên núi Catskill, tây bắc New York.
Nhờ những bài diễn văn ấn tượng trong đại hội ở Cleveland, Donald Jr có hẳn một fan club riêng trong giới bảo thủ.
Đặc biệt là ông viết Twitter liên tục, trên tài khoản có đến 1,8 triệu người theo dõi. Donald Jr dùng Twitter để tấn công tất cả những ai chỉ trích những người thân trong gia đình, và người cha tổng thống.
Khi người ta thắc mắc về việc Ivanka thay cha trong hội nghị G20, ông viết : « Cứ việc gièm pha tùy thích, cô ấy sẽ đè bẹp tất cả các vị ».
Đã nhiều lần Donald Jr không ngần ngại chia sẻ những tin Twitter kỳ thị chủng tộc, cực hữu, kể cả việc đăng tấm hình đang giơ cao chiếc đuôi của một con voi vừa bị mình bắn chết.
Người Việt thích nhạc của cựu thù Pháp, Mỹ
Nhìn sang châu Á, bên cạnh bài viết nói về vở diễn « Saigon » của Caroline Guiela Nguyen tại Liên hoan sân khấu Avignon (Pháp), chuyên gia âm thanh Antoine Richard khi trả lời phỏng vấn báo Libération đã nhận định « Văn nghệ dân gian Việt Nam được nuôi dưỡng bởi âm nhạc của kẻ thù ».
Nhạc sĩ cho biết, khi cùng với ê-kíp đến Việt Nam để chuẩn bị cho vở diễn, tất cả đều ngạc nhiên trước sự đam mê nhạc Pháp của người Việt.
Mỗi buổi tối, tại các tụ điểm karaoke ở Việt Nam, cả một thế hệ thích hát về những mối tình đánh mất, sự chia ly… với những bài hát của Dalida, Sylvie Vartan, còn Christophe (tác giả « Aline », « Oh mon amour »…) thì được coi như thần tượng.
Người ta hát hoặc lời Việt, hoặc lời Pháp, và các bản nhạc được phối khí theo nhiều kiểu khác nhau.
Sự yêu thích âm nhạc của người Việt gắn với quá khứ thuộc địa là một phát hiện đối với cả đoàn.
Hai phiên dịch viên ở Saigon còn giới thiệu rất nhiều ca khúc Việt trong thập niên 70 mang âm hưởng nhạc blues, nhạc rock Mỹ.
Không chỉ ảnh hưởng bởi âm nhạc của « kẻ thù », nhìn chung tại Việt Nam, lịch sử chính trị và âm nhạc gắn bó chặt chẽ với nhau.
Trong thời kỳ cứng rắn trước đây, biên giới âm nhạc bị đóng cửa, một số ca khúc bị cấm, nên một phần di sản truyền thống bị mất mát hoặc bóp méo.
Kể từ thời điểm mở cửa năm 1996, nền văn hóa bị Mỹ hóa nhiều và nhạc pop Hàn Quốc thống trị nơi thế hệ trẻ, nên một số người lớp trước chê trách họ không tôn trọng di sản âm nhạc.
Một lối thoát khác cho hồ sơ Bắc Triều Tiên
Về Bắc Triều Tiên, chuyên gia Théo Clément trên Libération cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận để có thể ra khỏi khủng hoảng.
Những biện pháp trừng phạt, gây áp lực lâu nay đều không có kết quả, còn giải pháp quân sự có nguy cơ dẫn đến thảm họa.
Theo tác giả, nên chăng đối thoại với Bình Nhưỡng và kiên nhẫn xây dựng quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế thực sự ?
Nếu đi bước trước để đạt được một thỏa thuận ngưng chương trình nguyên tử để đối lấy viện trợ nhân đạo, hỗ trợ công nghệ dùng cho dân sự, thương mại… thì phương Tây sẽ chứng tỏ cho Bắc Triều Tiên là đang tìm kiếm giải pháp, chứ không phải nhằm lật đổ chế độ.
Với viễn cảnh này, Pháp có thể đóng một vai trò đặc biệt. Hiện nay Pháp cùng với Estonia là hai nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu không có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, nhưng hình ảnh độc lập trước siêu cường Mỹ, và lâu nay vẫn đứng ngoài cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, là một lợi thế.
Trong khi Kim Jong Un và Donald Trump không thể nói chuyện được với nhau, thì một « outsider » được cho là không đứng về phe nào, có thể làm trung gian hòa giải.
Vĩnh biệt tê tê, đười ươi, báo đốm ?
Trên lãnh vực sinh thái, Le Monde nhấn mạnh « Hiện tượng loài vật bị diệt chủng hàng loạt đang bị đẩy nhanh », còn Libération kêu lên « Báo động đỏ : Vĩnh biệt tê tê, đười ươi, báo đốm ? ».
Một công trình nghiên cứu khoa học quy mô trên 27.000 loài cho thấy các động vật có xương sống đang giảm mạnh trên trái đất, mà thủ phạm là các hoạt động của con người.
Đợt tuyệt chủng hàng loạt gần nhất, cách đây 66 triệu năm, đã khiến loài khủng long biến mất. Ngày nay, có nguy cơ ba phần tư các loài sẽ bị tuyệt diệt trong những thập kỷ tới.
Theo Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên quốc tế (UICN), có 32% trong số 27.600 loài được nghiên cứu đang giảm sút về số lượng, đặc biệt 40% trong số 177 loài hữu nhũ có khu vực sinh sống giảm mất 80% từ 1900 đến 2015.
Chẳng phải do thiên tai hay thiên thạch nào rơi xuống cả, mà nguyên nhân là từ con người. Đó là do nơi trú ngụ của động vật bị xuống cấp (do phá rừng, thâm canh), hiện tượng đô thị hóa, lạm sát (săn bắn, đánh bắt), ô nhiễm, bệnh tật, bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều loài hữu nhũ cách đây một, hai thập kỷ còn an toàn, nay bắt đầu lâm vào vòng nguy hiểm.
Giải pháp thì mọi người đều đã biết : chấm dứt nạn săn trộm, thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ, giảm hiệu ứng khí hậu… nhưng quan trọng nhất là quyết tâm của giới lãnh đạo.
Tin mới
- TT Duterte thừa nhận Mỹ cung cấp vũ khí cho Philippines chống khủng bố - 17/07/2017 11:09
- Mạng lưới buôn bán ngầm của Bắc Triều Tiên - 16/07/2017 10:53
- Nga cảnh báo có quá nhiều gián điệp Mỹ tại Matxcơva - 15/07/2017 20:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15- 07-2017 - 15/07/2017 19:01
- Hồng Kông : Phe đối lập mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng - 15/07/2017 14:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14- 07-2017 - 14/07/2017 21:29
- Pháp mừng Quốc khánh 2017 với Mỹ là khách mời danh dự - 14/07/2017 15:48
- Donald Trump hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu - 14/07/2017 02:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13- 07-2017 - 14/07/2017 01:45
- Trung Quốc : Giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời - 13/07/2017 22:15
Các tin khác
- Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc hành động vì điều gì? - 13/07/2017 06:40
- Indonesia ra sắc lệnh cấm mọi tổ chức cực đoan - 12/07/2017 19:37
- Mỹ loan báo THAAD bắn chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung - 12/07/2017 19:27
- Việt Nam chuẩn bị đối thoại với Giáo hội Công giáo về Đan viện Thiên An - 12/07/2017 18:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11- 07-2017 - 11/07/2017 23:31
- Giới hạn của mô hình phát triển của Uber - 11/07/2017 23:02
- Irak cố tiêu diệt ổ kháng cự cuối cùng của Daech ở Mossul - 11/07/2017 21:13
- Dùng café vừa phải có thể khỏe mạnh hơn - 11/07/2017 21:05
- Thế Vận Hội Olympic : Paris – Los Angeles, chặng cuối cuộc đua 2024 hay 2028 - 11/07/2017 16:02
- Chuyên gia Mỹ: Hai năm nữa, tên lửa Bắc Triều Tiên có thể bắn tới San Diego - 11/07/2017 15:36