Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Anh Quốc bị tấn công khủng bố, lần thứ ba trong vòng 3 tháng

britain-security 3

Cảnh sát điều tra thu thập bằng chứng trên cầu London Bridge, ngày 04/06/2017.
REUTERS/Dylan Martinez

Ít nhất 7 người chết và 48 người đang phải điều trị trong bệnh viện, trong đó có 4 công dân Pháp, trong vụ tấn công khủng bố lúc 10 giờ tối 03/06/2017 ở Luân Đôn.

Những kẻ giết người mặc áo giả đeo chất nổ dùng dao đâm toán loạn vào đám đông người dân vui chơi tối thứ Bảy.
Cảnh sát Luân Đôn thông báo bắt giữ 12 người sáng 04/06, ở Barking, phía đông thủ đô. Các cuộc khám xét vẫn đang được tiến hành tại nhiều nơi ở Barking.

Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn cho biết cảnh sát phong tỏa toàn bộ khu vực quanh nhà ga lớn ở khu London Bridge.

Thông tín viên Lê Hải_Khủng bố tại Luân Đôn 04/06/2017

Cả đêm qua, có lẽ rất nhiều người dân Luân Đôn không thể ngủ sau khi xem cảnh tượng hoảng loạn được truyền hình tường thuật trực tiếp từ khu London Bridge nhộn nhịp người đi chơi đêm thứ Bảy, rồi phải đặt hai tay lên đầu bỏ chạy để cảnh sát phân biệt đâu là dân thường đâu là kẻ khủng bố.

Trên mạng Facebook thì lan truyền đoạn phim quay cảnh sát xông vào quán rượu yêu cầu tất cả nhanh chóng nằm xuống đất để tránh đạn trong lúc họ tìm diệt kẻ giết người.

 Khách du lịch trên xe buýt cũng bị cảnh sát khẩn cấp gọi rời khỏi xe và bỏ chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tin tức tổng hợp cho biết một nhóm khủng bố đi trên một chiếc xe bán tải đâm vào người đi bộ, bỏ xe lại trên cầu London Bridge rồi xông vào khu Borough Market ngay cạnh đó, nơi có nhiều quán rượu và khu vui chơi tập trung đông người.  

Nhân chứng tại chỗ kể lại cảnh những kẻ khủng bố vào gọi tên thánh Allah rồi đâm toán loạn vào đám đông đang bỏ chạy và báo với nhau về nguy cơ khủng bố.

Những bức ảnh chụp sớm nhất từ hiện trường cho thấy có người bị chết nằm rải rác gần nơi một kẻ khủng bố bị bắn hạ.
Cảnh sát cho biết đã tiêu diệt được toàn bộ nhóm 3 tên khủng bố đeo áo giả làm chất nổ quanh người.

RFI : Mới chỉ 2 tuần trước nước Anh vừa bị tấn công ở Manchester, và gần đây giảm từ báo động « nguy cấp » xuống chỉ còn ở mức « nghiêm trọng », vậy thì cảnh sát đã phòng bị như thế nào trong sự kiện lần này?

Nhiều người có mặt tại chỗ tin rằng họ còn sống sót là nhờ phản ứng nhanh của lực lượng cảnh sát vũ trang, chỉ 8 phút sau khi nhận được tin báo đã có mặt và nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Người dân sống trong khu vực cho biết các lực lượng cảnh sát trật tự đã nhanh chóng có mặt cùng với xe cứu thương để đưa người bị thương đến 6 bệnh viện khác nhau để điều trị, cũng như sau đó sơ tán dân cư trong khu vực ra ngoài để lực lượng phá chất nổ làm nhiệm vụ, bao gồm cả khách du lịch ngủ đêm trong khách sạn cũng phải quấn chăn ra đường.

Sau vụ tấn công ở Manchester chính phủ Anh đã điều quân đội vào trấn giữ các mục tiêu quan trọng như Quốc Hội và chính phủ, để có thêm cảnh sát vũ trang rảnh tay tuần tra bảo vệ các mục tiêu mềm và nhanh chóng triển khai như trong vụ việc này.

Hiện tại, lực lượng đặc biệt chống khủng bố đang làm việc tại hiện trường để tìm dấu vết nhằm diệt trừ các ổ khủng bố còn sót lại hay có liên quan.

Bản thân người dân Luân Đôn thì từ trước tới nay vốn đã có kỹ năng đối phó với khủng bố cho nên lần này cũng nhanh chóng cảnh báo cho nhau, hay lập hệ thống báo tin mình an toàn trên Facebook để bạn bè và người thân không lo lắng, đặc biệt là đúng buổi tối thứ Bảy đông người đi chơi như hôm qua, và tất cả mọi tàu xe qua đầu mối giao thông quan trọng là ga London Bridge bị phong tỏa.

Tuy nhiên, về lâu dài thì chấn động tâm lý của rất nhiều người có liên quan tới vụ tấn công này sẽ cần nhiều thời gian để khuây khỏa.

RFI : Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ bầu cử Quốc Hội, vậy thì vụ việc này có gây ảnh hưởng gì hay không?

Các đảng phái chính trị ở Anh đã tuyên bố tạm ngưng chiến dịch vận động tranh cử, nhưng còn việc bầu cử thì được coi là biểu tượng của nền dân chủ mà những kẻ khủng bố muốn tấn công, nên chắc sẽ khó có khả năng phải tạm ngưng.

 Ngoài ra thì trên thực tế, theo luật bầu cử của nước Anh, rất nhiều người đã đăng ký bỏ phiếu bằng đường bưu điện từ trước nên qui trình bỏ phiếu thực ra đã bắt đầu từ trước ngày phòng phiếu mở cửa, và hôm đó có thể coi là ngày kết thúc để kiểm phiếu.

Tuy nhiên, có một điều khiến mọi đảng phái phải đoàn kết là nước Anh hiện đang phải đối mặt với một nguy cơ khủng bố kiểu mới, do những kẻ khủng bố đang sống ở đây, thậm chí sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục dân chủ và bao dung như nước Anh này thực hiện.

Mục tiêu tấn công được chuyển thành dân thường ở các khu đông người và bằng những phương tiện rất thô sơ như xe hơi và dao kiếm.

Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đã có 3 vụ tấn công kiểu này, bắt đầu bằng một vụ tương tự ở cầu Westminster cạnh tòa nhà quốc hội ở Luân Đôn, tiếp theo là vụ đánh bom ở Manchester, và giờ đây là khủng bố ở khu vực cầu London Bridge.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh với ủy ban Cobra, thủ tướng Theresa May cho biết tình hình đã thay đổi khi những kẻ khủng bố không phải là một mạng lưới cụ thể mà chỉ là những người cùng đi theo một hệ phái tư tưởng lệch lạc của Hồi Giáo cực đoan, đòi hỏi biện pháp toàn diện hơn bao gồm kiểm soát Internet và phối hợp toàn cầu, còn trong nước thì các cộng đồng khác biệt cần phải chung sống đoàn kết để bảo đảm an ninh, tăng mức phạt đối với hành động khủng bố vì nước Anh đã quá dung thứ đối với các phe nhóm cực đoan.

Quốc tế chia buồn với Anh Quốc sau vụ khủng bố

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự phẫn nộ và chia sẻ đối với người dân Anh ngay sau vụ khủng bố tại trung tâm thủ đô Luân Đôn.

Tổng thống Pháp tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức và thủ tướng Canada đều khẳng định « sát cánh với Anh Quốc » và tưởng nhớ đến các nạn nhân vụ khủng bố tàn bạo.

Ngoài lời chia buồn trên Twitter, qua điện đàm với thủ tướng Theresa May, tổng thống Donald Trump còn khẳng định sự « ủng hộ hoàn toàn » của Mỹ với Anh Quốc.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo lên án « hành động hèn nhát và điên rồ chống lại những gì chúng ta tin tưởng ».

Trong một thông cáo ngắn, thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, « vượt khỏi phạm vi biên giới, ngày nay, các nước đều liên kết với nhau bởi nỗi sợ hãi và cả lòng quyết tâm » trong cuộc chiến chống mọi hình thức khủng bố. Đây cũng là lời khẳng định của thủ tướng Ý Paolo Gentiloni.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án « vụ tấn công kinh hoàng vì mức độ tàn ác và vô liêm sỉ », đồng thời « tin chắc rằng hành động đáp trả sự kiện xảy ra phải là sự tăng cường nỗ lực chung trong cuộc chiến chống các lực lượng reo rắc nỗi sợ hãi ».

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ « sự kinh hoàng trước những sự kiện mới xảy ra ở Luân Đôn » và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Ngoại trưởng Ba Lan chia buồn sâu sắc với người dân và chính quyền Anh, đồng thời kêu gọi công dân Ba Lan sống tại Luân Đôn « hết sức cẩn thận và làm theo những lời khuyến cáo của chính quyền địa phương ».

Bên kia bán cầu, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và người dân Anh.
Một công dân Úc bị thương trong vụ tấn công và hiện được điều trị tại bệnh viện. Một người khác có thể cũng bị thương, nhưng chính phủ Úc hiện chưa có thông tin cụ thể.
 

Switch mode views: