Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Truất phế tổng thống Mỹ : Ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi

usa-trump-russia truat phe

Tổng thống Mỹ Donald Trump đợi đón đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Nhà Trắng, Washington, 16/05/2017
REUTERS/Joshua Roberts

Một vài nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Donald Trump về buộc tội cản trở công việc của ngành tư pháp.

Tuy nhiên, một khả năng như vậy, vào lúc này rất khó trở thành hiện thực vì thiếu hậu thuẫn chính trị tại Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump bị cáo buộc là vào tháng Hai vừa qua đã yêu cầu ông James Comey, lúc đó là giám đốc FBI, gác bỏ một cuộc điều tra về một người thân cận với ông bị tình nghi có quan hệ với Nga, và đã cách chức ông Comey vào tuần trước, một động thái bị những đối thủ của ông coi như một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa người thân của ông Trump với Nga.

Thế nhưng, theo nhận xét của hãng tin Pháp AFP ngày 18/05/2017, trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có một tổng thống nào bị truất phế.

Hai ông Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998 đã bị luận tội, nhưng đều được tha bổng, còn ông Richard Nixon, vào năm 1974, đã từ chức để tránh bị Quốc Hội truất phế trong vụ bê bối Watergate, một khả năng lúc đó được xem là chắc chắn.

Thủ tục truất phế như thế nào?

Hiến Pháp Mỹ quy định rằng Quốc Hội có thể buộc tội tổng thống (hoặc phó tổng thống hoặc các thẩm phán liên bang ...) trong trường hợp phạm tội « phản quốc, hối lộ, hoặc tội phạm nghiêm trọng khác ».

Thủ tục tiến hành theo hai giai đoạn. Thứ nhất, Hạ Viện bỏ phiếu với đa số đơn giản, để thông qua các điều khoản trong bản « cáo trạng », nêu lên chi tiết các tội danh quy cho vị tổng thống : Đây là tiến trình gọi là « impeachment » trong tiếng Anh.

Trong trường hợp Hạ Viện thông qua bản luận tội, Thượng Viện sẽ mở phiên tòa xét xử tổng thống.

Sau phần tranh luận, 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu về từng điều khoản trong bản cáo trạng. Nếu cáo trạng hội đủ đa số hai phần ba Thượng viện tán đồng, thì việc truất phế tổng thống trở thành tự động, và không có quyền kháng cáo.
 Nếu không đủ đa số, thì tổng thống được tha bổng, như Bill Clinton vào tháng 2 năm 1999.

Vai trò của Tư pháp là gì?

Chỉ là con số không. Trả lời hãng AFP, Jens David Ohlin, một giáo sư luật tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xác định rằng: « Quyết định truất phế không thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp ».

Theo giáo sư Ohlin, « chính Quốc Hội là định chế xác định rằng ông Trump đã phạm trọng tội hay không. Họ là những thẩm phán cuối cùng có thẩm quyền xác định xem các tiêu chí phạm tội hội đủ hay chưa ».
Do đó việc truất phế tổng thống là một vấn đề nằm giữa chính trị và pháp luật. Theo giáo sư Ohlin, để bị truất phế, một tổng thống không cần phải bị truy tố trước.

Tại sao các nghị sĩ Mỹ bất đồng quan điểm với nhau vào thời điểm này?

Nếu hai nghị sĩ đảng Dân Chủ Maxine Waters và Al Green đã kêu gọi khởi động tiến trình truất phế ông Trump, thì phần còn lại của phe đối lập vào thời điểm hiện tại vẫn từ chối mạo hiểm, sợ rằng tiến trình truất phế biến thành một cuộc đấu đá đảng phái.

Một lãnh đạo đảng Dân Chủ tuyên bố : « Lúc này còn quá sớm. »

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cho biết : « Tôi không muốn nhảy ngay vào ô truất phế ngày nào mà chưa thấy rõ con đường đi đến đó. Con đường hiện nay có thể dẫn đến khả năng đó, nhưng cũng có thể là không ».

Đối với đảng Dân Chủ, điều cần thiết là làm sao cho tiến trình truất phế không bị xem như là một mưu toan « hủy bỏ kết quả bầu cử bằng cách khác »…

Những đại biểu dân cử này tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng hành động cản trở công lý là một tội đủ nặng để có thể tiến hành thủ tục truất phế.
 Đó chính là trường hợp của hai cựu tổng thống Clinton và Nixon.
Chính vì vậy mà các nghị sĩ này đang nôn nóng chờ nghe lời chứng của ông Comey, được yêu cầu ra trực tiếp điều trần tại Quốc Hội.

Switch mode views: