Trung Quốc sửa luật để tăng cường kiểm soát Biển Đông
- Thứ Ba, 21 tháng Hai năm 2017 15:49
- Tác Giả: RFI
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016.
REUTERS/Stringer
Trung Quốc có thể cấm tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là bài nhận định được đăng hôm nay, 21/02/2017, trên trang thông tin News.com.au của Úc.
Bài viết trở lại thông tin trên báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984.
Dự luật sửa đổi, theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020, cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là « vi phạm an toàn hàng hải » hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc, kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng điểm gây ngạc nhiên là dự luật này đặc biệt nhắm vào các tàu ngầm.
Dự luật nói trên không nói gì đến Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn là nó có liên quan đến vụ hải quân Trung Quốc tháng 12 năm ngoái thu giữ một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông và sau đó trả lại phía Hoa Kỳ.
Dự luật quy định là các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này.
Luật sửa đổi cũng nghi rõ là nhà chức trách Trung Quốc có thể khoanh một số vùng đặc biệt và có thể cấm các tàu của ngoại quốc đi qua những vùng này dựa theo đánh giá của họ về mức độ an toàn giao thông hàng hải của những tàu đó.
Chiếu theo luật mới, những tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi vùng biển của Trung Quốc.
Dự luật này được xem xét vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xảy dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đang cố cải thiện việc quản lý an ninh hàng hải bằng cách đưa vào luật những chi tiết mới, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến « những mối đe dọa ngày càng tăng của việc nước ngoài giám sát quá chặt chẽ ( vùng biển của Trung Quốc) ».
Trang neww.com.au nhắc lại rằng cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ( Asia Maritime Tranparency Initiative ) vào tháng 12 vừa qua đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt thêm các dàn súng phòng không và dàn tên lửa tại các phi đạo và hải cảng trên các đảo nhân tạo.
Việc quân sự hóa các cơ sở này ( mà trước đây Bắc Kinh khẳng định là được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải ) khiến giới quan sát lo ngại là Trung Quốc chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không có nghĩa là mọi phi cơ bay ngang qua không phận vùng này đều phải xin phép Bắc Kinh.
Như vậy Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát của quốc gia lên một vùng biển cho tới nay được xem như là có thể được quốc tế sử dụng.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ « quyền lịch sử » mà Trung Quốc vẫn dùng để đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, thể hiện qua bản đồ « đường lưỡi bò ».
Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn cho rằng các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc là những vùng biển quốc tế và đã thường xuyên có những hành động nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này.
Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ, bất chấp khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo này.
Cũng chính là nhằm khẳng định quyền của quốc tế được tự do lưu thông ở vùng này mà hải quân Hoa Kỳ trong tuần này đã điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vilson đến tuần tra ở Trường Sa.
Cụm tàu này, mà gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả tàu ngầm, theo dự kiến sẽ « trắc nghiệm » phản ứng của Bắc Kinh bằng cách đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh một hoặc nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đây là khoảng cách được luật pháp quốc tế công nhận là ranh giới vùng biển hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia.
Hiện giờ luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc là lãnh thổ quốc gia của nước này, mặc dù Bắc Kinh vẫn khẳng định như thế.
Bây giờ nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đây sẽ là một hành động khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng.
Đợt tuần tra của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson sẽ là đợt tuần tra đầu tiên của hải quân Mỹ ở vùng Biển Đông kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra sắp tới của tàu Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Hoa Kỳ « không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc » và « phải tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam ( Biển Đông) ».
Chính phủ Bắc Kinh khẳng định luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi dựa trên các quyền của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ).
Nhưng trên thực tế dự luật trái với UNCLOS, vì công ước này bảo đảm quyền « đi lại vô hại » ( innocent passage ), cho phép tàu dân sự và quân sự được đi qua vùng lãnh hải các nước mà không bị ngăn chận, trừ phi các tàu này có một số hoạt động không được phép.
Dự luật nói trên sẽ được áp dụng như thế nào là còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh diễn giải khái niệm « vùng biển Trung Quốc » rộng đến đâu.
Cho tới nay, thật sự thì Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là đối với họ, toàn bộ vùng nằm trong đường « lưỡi bò », chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền Trung Quốc hay không.
Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc sẽ không chấp nhận luật sửa đổi với những nội dung như trên.
Nhất là đối với Washington, tự do hàng hải ở Biển Đông là « tuyệt đối », dù là đối với tàu dân sự hay tàu quân sự, như bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhắc lại vào ngày 04/02 vừa qua.
Tin mới
- Phát hiện một hệ gồm 7 hành tinh gần giống Trái đất - 23/02/2017 23:50
- Bầu cử tổng thống Pháp 2017: Paris báo động nguy cơ tin tặc Nga - 23/02/2017 23:31
- Điện năng ở Việt Nam: Không nhất thiết phải dùng nhiều than - 23/02/2017 16:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-02-2017 - 22/02/2017 20:07
- Vụ ám sát Kim Jong Nam khiến Bắc Triều Tiên thêm cô lập - 22/02/2017 17:21
- Cam Bốt : Tòa LHQ từ chối xử một cựu cán bộ Khmer Đỏ - 22/02/2017 17:05
- Trao đổi mậu dịch quốc tế hụt hơi - 21/02/2017 17:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-02-2017 - 21/02/2017 17:24
- Trump chọn McMaster để làm dịu sóng ngầm trong Nhà trắng - 21/02/2017 16:11
- Tướng McMaster, tân cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ - 21/02/2017 16:02
Các tin khác
- ASEAN muốn Hoa Kỳ sớm có chính sách rõ ràng về Biển Đông - 21/02/2017 15:23
- Nữ hạm trưởng Nhật và nữ hạm trưởng Mỹ đưa tàu chiến tới Hoàng Sa thách thức Trung Quốc - 20/02/2017 19:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-02-2017 - 20/02/2017 18:13
- Quân đội Irak tập trung tấn công vào phía tây Mossul - 20/02/2017 17:36
- Vladimir Putin muốn gì trong bầu cử tổng thống Pháp ? - 20/02/2017 17:17
- Biển Đông: Việt Nam bắt đầu có chiến lược mới chống Trung Quốc - 20/02/2017 15:30
- TT Trump ký sắc lệnh cấm chuyển Kiều Hối ,VN bị ảnh hửơng - 19/02/2017 23:51
- Quân đội Ukraina và phe nổi dậy thân Nga đạt thỏa thuận hưu chiến mới - 19/02/2017 22:18
- Bóng đá Pháp chinh phục miền đất hứa Trung Quốc - 19/02/2017 21:37
- Hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra Biển Đông - 19/02/2017 21:25