Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ rớt máy bay quân sự ‘xảy ra quá nhanh’

roi-may-bay-VNX

Chiếc máy bay huấn luyện quân sự bị vỡ phần đầu khi rơi ở Phú Yên. (Hình: VnExpress)

PHÚ YÊN (NV) – Một phi cơ quân sự loại L-39 của Không Quân CSVN lại rớt, và lần này là trên cánh đồng thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, vào lúc 8 giờ 20 phút sáng 26 tháng 8, giờ địa phương.

Theo Wikipedia, L-39 là loại phi cơ phản lực dùng để huấn luyện do Tiệp Khắc thiết kế và sản xuất vào những năm 1960 của thế kỷ trước và đang được hơn 30 quốc gia trên thế giới sử dụng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ địa phương này cho hay, đây là loại phi cơ quân sự loại nhỏ. Phi cơ “rơi ngay trên ruộng lúa, một số bộ phận bị rời ra nhưng thân vẫn còn nguyên vẹn.”

Tin cho hay, phi cơ gặp nạn là loại L-39 dùng để huấn luyện, của Trung Đoàn 910 số hiệu 8705. Phi cơ rớt ngay sau khi cất cánh được vài phút. Nơi chiếc phi cơ rớt đang bị phong tỏa hoàn toàn, báo Tuổi Trẻ cho hay.

Báo này dẫn lời bà Nguyễn Thị Điệp, một tiểu thương tại chợ Đông Hòa, cho biết: “Trước khi máy bay rơi bà có nghe tiếng động lớn trên bầu trời. ‘Bà con kéo ra xem rất đông.’”

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, chủ tịch tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà và Đại Tá Vũ Đức Quý, phó hiệu trưởng trường Sĩ Quân Không Quân, đều xác nhận tin phi cơ rớt tại vị trí trên và một phi công thiệt mạng.

Trên tờ VnExpress, một viên sĩ quan của trường Sĩ Quan Không Quân CSVN tại Nha Trang nói rằng: “Sự việc xảy ra quá nhanh, học viên không nhảy dù, đã tử vong.”

VnExpress thuật theo lời kể của một nhân chứng nói rằng, “Máy bay bay khá thấp, bất ngờ chao đảo rồi lao xuống cà sát mặt quốc lộ 1A, phóng qua đám ruộng.
Nhân chứng nói rằng ông Đặng Hùng (67 tuổi, trú thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành) chạy trên đường thấy máy bay vụt qua đã hoảng loạn phanh gấp, ngã bị thương vùng đầu, vai, mắt bầm tím, tay chân trầy xước.”

Thông thường, khi một chiếc máy bay lao xuống đất khi rơi thường bị cháy vì nhiên liệu mang nhiều. Nhưng trong trường hợp chiếc L-39, không có dấu hiệu đó nên một người đặt dấu hỏi trên một trang Facebook “sao cái này ‘khô ráo’ thế nhỉ ?”

Học viên phi công bay huấn luyện bị thiệt mạng là Thượng Sĩ Phạm Đức Trung, 22 tuổi, quê ở xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Bộ Quốc Phòng CSVN loan báo tai nạn xảy ra do “hỏng động cơ.”

Tờ Thanh Niên mô tả loại máy bay L-39 “có thể đảm đương các phi vụ tấn công hạng nhẹ ban ngày với khả năng mang 1.2 tấn vũ khí trên 4 giá treo, gồm tên lửa không đối không, súng máy, bom và rocket. L-39 là loại máy bay huấn luyện được phát triển từ những năm 1960 tại Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng Hòa Séc và Slovakia).”

Năm 2007, trong lúc huấn luyện, một chiếc L-39 cũng đã rơi xuống bờ biển thuộc địa phận xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Hai phi công có mặt trên máy bay tử nạn.

Đây là vụ rớt phi cơ quân sự thứ 3 kể từ đầu năm 2016 đến nay. Trong hai lần trước, vụ đầu tiên là rớt chiếc phi cơ Su-30MK2 vào sáng 14 tháng 6 ở đảo Mắt thuộc tỉnh Nghệ An khiến một phi công thiệt mạng còn một phi nhảy dù sau đó được cứu sống.

Để tìm kiếm phi công và chiếc Su-30, một phi hành đoàn gồm 9 sĩ quan và một chiếc máy bay vận tải mới mua của liên doanh Âu Châu Casa 212 đi tìm.
Khi bay đến vùng biển Hải Phòng thì gặp nạn, khiến tất cả thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Cho đến nay người ta chưa biết đích xác nguyên nhân tại sao lại có tiếng nổ tại buồng lái máy bay khu trục SU-MK2 cũng như vì sao máy bay Casa 212 lại lao xuống biển.

Vấn đề bảo trì máy bay quân sự là đề tài nhạy cảm của chế độ. Trừ một số máy bay mới mua dạo sau này (Sukhoi SU-MK2, Casa-212, một ít trực thăng của tập đoàn Airbus Âu châu, đại đa số các máy bay quân sự của Việt Nam đều là những máy bay đã rất cũ, mua của Nga và một ít mua của Đông Âu thời còn là chư hầu Liên Xô.

Sau khi “tai nạn kép” hai máy bay SU-MK2 và Casa-212 rớt, nhà báo Mai Phan Lợi đã bị chế độ Hà Nội rút thẻ hành nghề vì bị khép tội “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam; gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo.”

Ký giả Mai Phan Lợi, phó Tổng Thư Ký Tòa Soạn, trưởng Văn Phòng đại diện Báo Pháp Luật Thành Phố Sài Gòn tại Hà Nội, đã mở một cuộc thăm dò dư luận trên trang Facebook “Diễn đàn nhà báo trẻ” nêu những giả thuyết nhạy cảm như “Máy bay bị tác động bên ngoài nên vỡ”, “Máy bay rơi từ cao xuống biển nên vỡ vụn,” “bị bắn…” (KN/NT)

Switch mode views: