Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-03-2016

Doanh nghiệp Mỹ đổ bộ vào Cuba

Cuba usa

Các doanh nghiệp Mỹ muốn giúp Cuba giải quyết những vấn đề thiết yếu với người dân.
REUTERS

Chín tháng sau khi Cuba và Hoa Kỳ nối lại quan hệ, các doanh nghiệp Mỹ nhắm vào khoảng 500.000 cơ sở có quy mô nhỏ trên hòn đảo.

Không cần chờ tới chuyến công du chính thức của tổng thống Mỹ Barack Obama, dự kiến vào ngày 21-22/03 tới đây, nhật báo Le Figaro, ngày 07/03/2016, nhận định : « Các doanh nghiệp Mỹ đang đổ bộ vào Cuba ».

Được trưng bày tại Hội chợ Quốc tế La Habana vào tháng 11/2015, chiếc máy cày Oggun của nhà sản xuất Mỹ Cleber LLC thu hút sự quan tâm của nhà nông Cuba vì kích thước nhỏ đáp ứng được nhu cầu của các hợp tác xã phi quốc doanh và của những hộ nông nghiệp tư nhân.

Một phụ nữ trẻ làm nông cho biết :
« Ở Cuba, chúng tôi vẫn còn phải dùng tới động vật để kéo cày. Công việc chẳng hề dễ dàng gì với nông dân, vì các máy cày thời Liên Xô chẳng còn phụ tùng thay thế để có thể hoạt động được ».

Mới đây, Cleber LLC trở thành công ty đầu tiên của Mỹ có mặt tại Cuba từ năm 1958 với một nhà máy lắp ráp đặt tại khu kinh tế đặc biệt gần thủ đô La Habana.
Với khoản đầu tư khá khiêm tốn, dao động khoảng 5 đến 10 triệu đô la, Cleber LLC sản xuất khoảng 1.000 máy cày hàng năm, với giá bán từ 8.000 đến 10.000 đô la/chiếc.

Thay vì đầu tư ồ ạt vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp Mỹ muốn đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp còn thủ công của Cuba. « Chúng ta nên nhớ rằng Cuba là một nước nhỏ và là một nước nghèo.

Tôi không tin là chúng ta sẽ cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh kinh tế của nước này trong tương lai gần ».
Có thể lời giải thích của thứ trưởng Stefan Selig trước nhiều doanh nhân Mỹ vào năm ngoái khiến họ cẩn trọng hơn khi đầu tư vào đây.
Hơn nữa, lượng xuất khẩu của Mỹ sang Cuba vẫn còn rất khiêm tốn, mới đạt 180 triệu đô la vào năm 2015.

Các doanh nghiệp Mỹ muốn giúp Cuba giải quyết những vấn đề được cho là quan trọng nhất đối với họ. Nhưng thực ra, họ cũng muốn phát triển hoạt động của chính mình.
Chính vì vậy, trong khi chờ đợi nền kinh tế Cuba cất cánh, các công ty Mỹ đáp ứng mọi nhu cầu của khoảng 496.000 cơ sở kinh doanh tư nhân trên hòn đảo, từ cung cấp dụng cụ và vật liệu cho các tiệm hớt tóc, chăm sóc móng tay đến thợ máy hay thợ sửa điện thoại di động, vì người Cuba "mê" kiểu giao tiếp này.

Người Mỹ muốn thống trị mọi lĩnh vực hoạt động. Vì thế, trang mạng Airbnb chuyên môi giới cho thuê phòng tại nhà dân, nắm bắt ngay thị trường tiềm năng này.
Vì theo một nhà quản lý của một casa particular (nhà riêng), tại Cuba « không có đủ phòng khách sạn hạng sang cho người Mỹ và ở đây, mọi việc đều tiến triển rất chậm chạp. Chúng tôi cho du khách thuê 4 phòng ngủ có điều hòa cùng với mọi dịch vụ cần thiết chỉ với giá 24 đô la/đêm ».

Các nhà sản xuất rượu vang California cũng đang tìm cách vượt qua các nhà sản xuất Chili và Tây Ban Nha tại các nhà hàng tư nhân.
 Trong tương lai, có thể phần lớn du khách tới ăn tại càng nhà hàng này sẽ là người Mỹ nhờ thỏa thuận vừa ký ngày 16/02 vừa qua thiết lập 110 chuyến bay hàng ngày giữa hai nước.

 Về thị trường chuyển tiền, Western Union thống lĩnh thị trường từ nhiều năm nay. Rất nhiều phòng giao dịch mọc lên khắp nơi tại các khu phố ở khắp các thành phố Cuba.

Le Figaro kết luận, Hoa Kỳ đang từng bước chiếm dần thị trường Cuba với nguy cơ tạo nên thế độc quyền mà Washington đã từng phải trả giá đắt cách đây 58 năm và dẫn tới cuộc Cách mạng Cuba.

Luân Đôn trở thành thủ đô tiêu thụ « tiền bẩn » của tỉ phú Nga ?

Nhiều nhà đối lập với chính quyền Nga hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài tố cáo sự thụ động của nhà nước Anh về vấn đề "rửa tiền" có nguồn gốc không rõ ràng vào đầu tư bất động sản tại Luân Đôn. Phóng viên của nhật báo Le Figaro đã theo một tour thăm quan « Kleptocracy » do họ tổ chức vào tháng 02/2016.

Có ít nhất sáu biệt thự hiện trên bản đồ « Kleptocracy » : 39 Highgate West Hill trị giá 388 triệu euro của nhà tỉ phú Andrei Gouriev, 15 Kensington Palace Garden trị giá 200 triệu euro của nhà tỉ phú Ukraina trong lĩnh vực âm nhạc Leonid Blavatnik ; 16 Kensington Palace Garden, 115 triệu euro của tỉ phú Nga Roman Abramovicj chủ sở hữu CLB Chelsea FC ; 219 Baker Street, 177 triệu euro của Rakhat Aliev, cựu sĩ quan KGB và là con rể của tổng thống Kazakhstan Nazarbaiev ; Brompton Road, 142 triệu euro của doanh nhân Ukraina Dmytro Firtash ; 5 Belgrave Square, 32 triệu euro của chủ tập đoàn Rusal chuyên về aluminium Oleg Deripaska.

Một trong số các "hướng dẫn viên" là một người thân cận của nhà ly khai Alexei Navalny. Ông tố cáo nạn tham nhũng liên quan tới khối tài sản khổng lồ của các doanh nhân thân với điện Kremlin và được đầu tư vào bất động sản tại thủ đô Anh Quốc.

Mùa hè năm ngoái, thủ tướng David Cameron đã thông báo ý định thắt chặt việc kiểm soát nguồn gốc tiền được đầu tư vào nước Anh. Song từ đó, chưa có gì được thực hiện. Rất nhiều nghị sĩ Anh Quốc cũng yêu cầu phải khôi phục các quy định về tính minh bạch.

Thế nhưng, tỉ phú Nga còn giầu hơn cả tỉ phú Anh trong bảng xếp hạng những nhân vật giầu nhất vương quốc. Tiền của họ giúp cả một đội quân kế toán, luật sư, ngân hàng, môi giới bất động sản và giới trung gian "ăn theo".

Với môi trường luật pháp thuận lợi, thị trường bất động sản Luân Đôn trở thành nơi giữ tiền và đầu tư lý tưởng cho tiền bẩn. Theo tổ chức Minh Bạch Quốc tế, hơn 36.000 bất động sản tại Luân Đôn và khoảng 122 tỉ bảng Anh nằm trong tay các công ty offshore.

Ông Chido Dunn, một nhà hoạt động của tổ chức phi chính phủ Global Witness, nhận xét : « Người ta có thể đầu tư những khoản tiền khổng lồ cùng một lúc và ẩn danh, mà không phải trả lời những câu hỏi chất vấn về nguồn gốc số tiền, sau đó họ có quyền hợp pháp ».

Còn theo một công dân Anh, sống tại khu phố giầu có Highgate (Luân Đôn) từ hơn 25 năm nay, thì « việc Luân Đôn mở rộng vòng tay cho bất kỳ ai muốn đầu tư vào là điều tốt thôi ! »

Trung Quốc ấn định mức tăng trưởng để tránh bất ổn xã hội

Chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc được công bố tại kỳ họp thường niên của Quốc hội vẫn là chủ đề được các nhật báo Pháp quan tâm.
Nhật báo Le Monde nhận định mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% được vạch ra cho năm 2016 là « Sự phục hồi « vừa phải » của nền kinh tế Trung Quốc » và « Bắc Kinh bị ám ảnh phải ổn định kinh tế » theo dòng tựa trên trang nhất. Mức dao động 0,5% mà Bắc Kinh đưa ra phản ánh sự thiếu chắc chắn ngày càng rõ nét.

Còn nhật báo kinh tế Les Echos thì nhận định 6,5% là mức tăng trưởng tối thiểu bắt buộc, nếu không, nguy cơ bất ổn xã hội ngày càng gia tăng và sẽ gây nguy hiểm cho ổn định quốc gia. Và dĩ nhiên, sự sống còn của đảng cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Chủ tịch Ủy ban cải cách quốc gia Từ Thiệu Sử (Xu Shaoshi) tỏ ra lạc quan trước định mức tăng trưởng : « Nền kinh tế thế giới đang đầy biến động, vậy mà Trung Quốc vẫn thành công đưa GDP của đất nước đạt tới mức 6,9% vào năm ngoái ».

Trong số 8 trọng trách được Bắc Kinh hoạch định cho năm 2016, les Echos phân tích ba vấn đề chính : doanh nghiệp nhà nước và sản xuất dư thừa, đô thị hóa và ngân sách quốc phòng.

Bắc Kinh hứa sẽ hiện đại hóa và tự do hóa các doanh nghiệp quốc doanh. Vấn đề sản xuất dư thừa cũng sẽ được giải quyết và giải thể các doanh nghiệp "ma" luôn bị thua lỗ. Trung Quốc sẽ phải chi khoảng 14,2 tỉ euro để chuyển ngành nghề cho số công nhân bị sa thải.

Theo Le Figaro, ít nhất 6 triệu việc làm trong ngành công nghiệp nặng, trong đó có 1,8 triệu vị trí trong lĩnh vực luyện thép, sẽ bị xóa bỏ.  

Thứ hai, quá trình đô thị hóa sẽ được xúc tiến để thúc đẩy xã hội tiêu thụ. Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh thực hiện kế hoạch di chuyển người dân từ nông thôn lên thành thị và sẽ được cấp "sổ hộ khẩu" vì cần phải có tới 60% dân số sống ở đô thị thì mới đủ kích thích tiêu thụ nội địa, trong khi đó con số này mới chỉ là 55%.

Thứ ba, trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc giảm ngân sách, chỉ ở mức 7,6% để đạt tới ngưỡng 954 tỉ nhân dân tệ, so với mức 10% trong năm 2015.
Thêm vào đó là 300.000 người sẽ phải xuất ngũ trên tổng số 2,3 triệu quân nhân hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác bất khả kháng của châu Âu

Nhật báo Le Monde đăng tựa lớn trên trang nhất : « Châu Âu bất ổn vì 5 năm chiến tranh tại Syria ».
Hơn 1,2 triệu người nộp đơn xin tị nạn tại châu Âu trong năm 2015, trong đó người Syria chiếm 1/3.

 Hồ sơ người nhập cư khiến thủ tướng Đức Angela Merkel bị cô lập trong Liên Hiệp và « phải đối mặt với những nghi ngờ trong nội bộ đảng mình ».
 Hơn nữa, « Tình hữu nghị Đức-Pháp đang bị rạn nứt vì người nhập cư ». Đây là những thông tin chính chiếm trọn 3 trang đầu của Le Monde.

Trong hội nghị diễn ra hôm nay tại Bruxelles, « Angela Merkel trông cậy vào sự giúp đỡ của Ankara » là chủ đề của Le Figaro.
Đổi lại, Liên Hiệp Châu Âu phải « ngậm bồ hòn làm ngọt » trước những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, như việc kết nạp nước này vào Liên Hiệp Châu Âu bị gác qua một bên từ hơn 10 năm nay, tiếp theo là miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng, theo bài xã luận dưới dòng tựa « Cửa ngõ của châu Âu » trên La Croix, dường như Bruxelles đang phải nhún nhường trước hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận của Ankara khi tấn công vào trụ sở một tờ báo đối lập "Zaman" và đặt tờ báo dưới quyền kiểm soát của chính phủ.

Bruxelles chỉ công bố một bản thông cáo dè dặt nhắc lại cho Ankara những nghĩa vụ về quyền tự do ngôn luận và quy tắc tố tụng tư pháp mà các nước muốn gia nhập Liên Hiệp phải tôn trọng.

Chính vì vậy, nhật báo Libération trích lời của bộ trưởng Di Trú của Hy Lạp, nhấn mạnh : « Liên Hiệp Châu Âu phải yêu cầu những quyết định của định chế này phải được tôn trọng và áp dụng » tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài học từ hai vụ nổ hạt nhân Fukushima và Tchernobyl

Ngày 11/03 tới đây là kỷ niệm tròn 5 năm cơn sóng thần dẫn đến vụ nổ ba lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản). Ngày 26/04 cũng là ngày tròn 30 năm thảm họa Tchernobyl (Ukraina).

 Theo nhật báo Les Echos, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp giảm bớt mức ảnh hưởng của một tai nạn nguyên tử.
Một trong những hậu quả về lâu dài là bệnh ung thư. Sau vụ nổ tại nhà máy nguyên tử Tchernobyl, số lượng người bị mắc ung thư tuyến giáp lên tới 6.800 ca từ năm 1986 đến năm 2005.

Người dân Belarus và Ukraina sống xung quanh vùng xảy ra tai nạn đã không được chuẩn đoán hay điều trị bằng thuốc chứa iode, hoặc khuyến cáo không dùng thực phẩm (như sữa) bị nhiễm chất phóng xạ.

Vụ nổ tại Fukushima không nghiêm trọng bằng, nhưng chính phủ Nhật Bản đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn ngừa cần thiết để loại bỏ tối đa những nguồn lây nhiễm. 360.000 trẻ em từ 0 đến 18 tuổi sống tại vùng Fukushima được theo dõi thường xuyên.

Tiếp theo, chính phủ cũng cấm sản xuất và kinh doanh thực phẩm được khai thác trong khu vực. Dĩ nhiên, bản báo cáo trong giai đoạn 2011-2014 về tình hình tại Fukushima không thể đưa ra những kết luận cuối cùng vì bệnh ung thư tuyến giáp thường chỉ được phát hiện ba năm sau đó.

Cựu tổng thống Brazil Lula bị tư pháp sờ gáy

Vụ tai tiếng tham nhũng Petrobas liên quan tới cựu tổng thống Brazil Lula là chủ đề quốc tế chính được báo chí Pháp số ra hôm nay đề cập.
 Bên cạnh hình ảnh ông Lula phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi bị tạm giữ thẩm vấn được đăng trên trang nhất của Le Monde là dòng tựa : « Thần tượng Lula sụp đổ ».
Còn Les Echos và La Croix đều đưa tin : « Tại Brazil, cựu tổng thống Lula bị sờ gáy vì tai tiếng Petrobas ».

 

Switch mode views: