Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nổi cộm tại Thượng đỉnh ASEAN

 
SouthChinaSea
 
 
 
Hôm 20/4/2015, tướng Gregorio Pio Catapang Tư lệnh quân đội Philippine, giới thiệu các hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp đảo tranh chấp trong Biển Đông
REUTERS/Romeo Ranoco
 
 
Các lãnh đạo 10 nước ASEAN họp thượng đỉnh tại Malaysia vào ngày 27/04/2015 sẽ không tài nào tránh né được hồ sơ nổi cộm hiện nay là việc Bắc Kinh đang rầm rộ bồi đắp các rạn san hô và bãi ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông. 
 
Vấn đề lại càng gay gắt hơn nữa vì Bắc Kinh đang xây dựng trên đó hàng loạt công trình bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục tiêu quân sự, nhằm khống chế vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.
 
Quốc gia ASEAN đầu tiên cho biết là sẽ nêu bật vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh toàn khối là Philippines. 
 
Trong một bài phỏng vấn gần đây dành cho hãng tin Pháp AFP Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo rằng : « Phần còn lại của thế giới nên hãi sợ trước các hành động của Trung Quốc ».
 
Theo các quan chức Philippines, tại Malaysia, ông Aquino sẽ thúc giục toàn khối ASEAN ra một tuyên bố mạnh mẽ để bày tỏ mối quan ngại của mình.
Nước thứ hai được cho là sẽ nêu bật vấn đề này là Việt Nam, cho dù đến lúc này, Hà Nội không có những tuyên bố dứt khoát như Philippines.
Nước thứ ba cũng bị buộc phải lên tiếng là chủ nhà Malaysia. 
 
Vấn đề là Kuala Lumpur cho đến nay vẫn nổi tiếng là kín đáo, tránh đụng chạm Trung Quốc một cách trực diện, cho dù là Malaysia cũng là một bên tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa và cũng nhiều lần bị Bắc Kinh khiêu khích.
 
Một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ với hãng AFP rằng dự thảo ban đầu của bản Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này có đề cập đến Biển Đông, nhưng chỉ kêu gọi các bên « tự kiềm chế », không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, mà tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh.
 
Nội dung đó rất phù hợp với chủ trương ngoại giao kín đáo của Malaysia, nhưng giới quan sát đang chờ đợi xem là trong quá trình tranh luận tại Hội nghị Thượng đỉnh, liệu phe chủ trương có lập trường cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông có thành công trong việc nêu bật trong văn kiện của ASEAN tính chất nguy hại tiềm tàng mà các công trình của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra cho an ninh khu vực và thế giới hay không.
 
Phải nói rằng các hình ảnh vệ tinh mới được tiết lộ trong những tuần qua đã khiến rất nhiều nước quan tâm đến an ninh chung của khu vực, cũng như đến quyền tự do lưu thông tại Biển Đông lo ngại.
 
Từ cầu tàu đủ cho chiến hạm cập bờ, cho đến các phi đạo dài từ hai đến ba ngàn mét để chiến đấu cơ dễ dàng lên xuống, các công trình mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng trên gần một chục rạn san hô hay bãi ngầm ở cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa đã gióng lên những hồi chuông báo động.
 
Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông là « một sự leo thang rất đáng kể » 
Đối với chuyên gia này, các công trình xây dựng cơ sở quân sự và dân sự cũng như hạ tầng cơ sở mà Bắc Kinh đang tiến hành có một quy mô « chưa từng thấy từ trước đến nay ».
 
Đối với giới chuyên gia, công trình xây dựng tại Trường Sa, kèm theo những công việc tương tự là Bắc Kinh đã và cũng đang làm tại Hoàng Sa đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc tại vùng biển rất xa này, với khả năng dựa vào các tiền đồn đang xây dựng đó để khống chế toàn khu vực.
 
 
Switch mode views: