Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-11-2014

Ukraina lại bị gặm nhấm thêm lần nữa

ukraine baucu



Quân nổi dậy thân Nga giám sát bầu cử tại Donetsk, 02/11/2014.
REUTERS/Maxim Zmeyev

Le Monde nhận định hôm Chủ nhật 02/11/2014 lãnh thổ Ukraina lại bị gặm nhấm lên lần nữa với việc thành lập hai vùng đất thân Nga ở miền đông của quốc gia vốn đã bị cắt mất Crimée hồi tháng Ba.

Đó là kết quả của « các cuộc bầu cử » được tổ chức tại hai « nước cộng hòa » tự tuyên bố Donetsk (RPD) và Louhansk (RPL), mà Nga vội vã công nhận.

Matxcơva đã bật đèn xanh cho một cuộc bầu cử đã « hợp pháp hóa » hành động của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina. Khi hoàn thành một cuộc chia tách mà mình đã tích cực xúi giục, điện Kremli đảm bảo được sự kiểm soát một mảnh của nước láng giềng, như đã từng thực hiện ở Gruzia và Moldavia.

Mô-típ thì luôn như nhau : trừng phạt các ý định xích gần lại phương Tây – có nghĩa là Liên hiệp châu Âu – của một nước chư hầu Liên Xô cũ mà Nga cho là vẫn phải tiếp tục thần phục mình.

Các lãnh đạo Ukraina cũng như Đức, Pháp, Mỹ, trong một loạt các cuộc điện đàm với Vladimir Putin đã khuyến cáo Tổng thống Nga không nên công nhận cuộc bầu cử trên.

Họ nhấn mạnh, một cách rất có lý, sự kiện này vi phạm thỏa thuận ngưng bắn hôm 5/9 giữa phe ly khai, Kiev và Matxcơva. Thỏa thuận dự kiến cùng tổ chức bầu cử địa phương trên toàn lãnh thổ và phù hợp với luật Ukraina.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa rồi không hề theo luật lệ nào cả, mà từ đầu đến cuối do lực lượng dân quân vũ trang kiểm soát.

Không có ai kiểm tra danh sách cử tri. Kiev chưa bao giờ được tham vấn. Chỉ có các ứng cử viên được các nhóm vũ trang đồng ý mới được ra tranh cử.

Chỉ một phần ba số phòng phiếu mở cửa, tiếp đón những cử tri đúng là cũng khá đông – chủ yếu là những người già, đã mỏi mệt với bảy tháng xung đột, đến bỏ phiếu để nhận được một gói thực phẩm phát không.

Thế là hai thủ lãnh quân sự địa phương : Alexandre Zakhartchenko của RPD và Igor Plotniski của RPL, thoải mái lên đứng đầu « nước cộng hòa » của họ, cũng có lẽ là do những lá phiếu thực sự của cử tri.

Nhưng kiểu bầu cử này hoàn toàn không giống như cuộc bầu cử hôm 26/10 vừa qua tại phần còn lại của Ukraina. Các đảng cánh trung và thân châu Âu đã giành chiến thắng, đè bẹp phe cực tả và cực hữu.

Sự ủng hộ của Matxcơva đối với các « nước cộng hòa » nổi dậy đã đặt thỏa thuận ngưng bắn hôm 5/9 trước thử thách lớn lao. Ông Zakhartchenko không giấu diếm ý định tung các dân quân – được Nga vũ trang và chỉ huy – tấn công vào Marioupol ở miền đông nam Ukraina…

Thực tế thì các vụ đấu pháo chưa bao giờ ngưng giữa quân đội Ukraina và quân ly khai. Quân chính phủ không ngần ngại sử dụng các quả đạn súng cối sát thương ngay trong khu đô thị, như một báo cáo mới đây của Human Rights Watch đã tiết lộ. Còn phe nổi dậy trả đũa với các hỏa tiễn Graad, cũng không phân biệt mục tiêu.

Những tuần lễ sắp tới sẽ là thử nghiệm cho các ý định của Putin : muốn hòa dịu với Kiev khi nay đã nắm dao đằng cán, hay tiếp tục ủng hộ ý đồ chiến tranh của phe ly khai. Không thể loại ra được giả thiết tệ hại nhất.

Hồng Kông : Một đất nước, một chế độ ?

Liên quan đến Hồng Kông, Libération đăng bài viết của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) nhận định Occupy Central (Chiếm lĩnh Trung Hoàn), phong trào dân chủ mới được khởi động đúng một tháng tại Hồng Kông đã khiến thế giới chú ý đến vùng đất này.

Tuy vậy ý muốn nói lên tiếng nói của mình không hề là một ngạc nhiên đối với những ai đã và đang sống tại Hồng Kông. Đó là phản ánh một sự độc lập cao độ về tinh thần của đại đa số 7,5 triệu dân cựu thuộc địa Anh.

Điều hành lãnh thổ này từ 150 năm qua, chính quyền thuộc địa đã đối phó với nhiều cuộc biểu tình trong đó có phong trào cánh tả được một Trung Quốc mao-ít hỗ trợ vào mùa xuân 1967. Phong trào bạo động này đã gây ra khoảng năm chục nạn nhân.

Trưởng đại diện đầu tiên của Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa được Bắc Kinh bổ nhiệm năm 1997, năm nay đã 77 tuổi bất ngờ tái xuất hiện, kêu gọi « trở lại yên tĩnh », « đã đến lúc chấm dứt việc chiếm đóng ».

Nay là Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, cơ quan tương đương Thượng viện mà ông là đại diện của Hồng Kông, Đổng Kiến Hoa xuất thân từ một gia đình Thượng Hải định cư ở Hồng Kông năm 1949, đã xây dựng nên cơ nghiệp với tập đoàn hàng hải OOCL.

Nhiệm kỳ của ông từ 1997 đến 2005 là một chuỗi thất bại liên tiếp, từ việc quản lý (dịch cúm gà, kinh tế) cho đến quan hệ với dân chúng, vốn rất lo ngại về quyền tự trị trước Bắc Kinh. Người kế nhiệm ông là Donald Tsang, bị gọi bằng biệt danh Donald Duck tức vịt Donald, cũng không nổi bật mấy dưới mắt người Hồng Kông.

Từ năm 2012, Lương Chấn Anh lên nắm quyền. Nhân vật 60 tuổi này lại còn quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh từ lúc còn trẻ. Người ta đồn rằng thậm chí ông ta còn là đảng viên bí mật hoạt động tại Hồng Kông trong thập niên 70.

Điều mỉa mai là nay Lương Chấn Anh đang đứng ở đầu sóng ngọn gió, đối mặt với sinh viên.

Một nhà tài phiệt, một quan chức thuộc địa cũ, một người thân cộng. Đó là ba nhân vật đại diện cho ba phe phái đã điều hành Hồng Kông từ năm 1949. Cùng với những người thân tín, họ nắm quyền với giới ăn trên ngồi trước về chính trị và kinh tế.

Từ năm mươi năm qua, Hồng Kông vẫn dành ưu đãi cho giới kinh doanh. Giới làm ăn luôn đứng về phía chính quyền, để bảo vệ quyền lợi của mình tại đặc khu cũng như ở Hoa lục.

Thế nhưng tương lại của Hồng Kông khó thể rạng rỡ như trong phát biểu của các lãnh đạo hay đại gia. Từ 20 năm qua, tại Trung Quốc đã nổi lên nhiều thành phố hay tỉnh lớn như Quảng Đông, Thâm Quyến, Thành Đô, Trùng Khánh, Đại Liên, Hàng Châu, Nam Kinh, và nhất là Thượng Hải.

Trong khi Bắc Kinh điều hành về chính trị, Thượng Hải đang trở thành thủ đô kinh tế và tài chính của châu Á.

Với dân số 24 triệu người, cơ sở kỹ nghệ, dịch vụ trên tất cả lãnh vực, sự nhạy bén thương mại, Thượng Hải trở thành người cạnh tranh đáng sợ đối với Hồng Kông đã bị mất đi độc quyền.

Bên cạnh nỗi lo về tương lai, người Hồng Kông cũng không muốn trở thành một « Thượng Hải phương nam », như cách đây hai chục năm, người ta nói về « Hồng Kông phương bắc ».

Phong trào dân chủ là cơ hội cho Hồng Kông, giúp vùng đất này tìm lại linh hồn của mình và tiến vào tương lai.

« Xưởng sản xuất em bé » ở Thái Lan sắp hết thời ?

Cũng về châu Á, Le Monde có bài điều tra về « Xưởng sản xuất trẻ sơ sinh đầy tai tiếng của Thái Lan ».

Đặc phái viên của tờ báo tại Bangkok cho biết, hai xì-căng-đan lớn gần đây đã buộc chính quyền Thái Lan phải chấm dứt dịch vụ đẻ thuê rất phát đạt tại đây.

Trước hết là vụ Pattaramon Chanbua, một người phụ nữ đẻ thuê đã quyết định giữ lại đứa bé mắc bệnh bẩm sinh mà một cặp vợ chồng Úc, , người đã thuê cô không muốn giữ lại. Cô bán hàng 21 tuổi mà gia đình đang mắc món nợ lên đến 200.000 bath (5.000 euro), tuy rất cần tiền nhưng không nỡ phá thai, nhất là đứa bé cô mang trong bụng đã được bảy tháng.

Vụ thứ hai là khi một người trung gian ở Bangkok phát hiện người thuê hai phụ nữ sinh con, là Mitsutoki Shigeta, con trai một nhà công nghiệp Nhật giàu có, đã thuê đến 11 phụ nữ Thái Lan sinh hộ.

Sau một loạt tai tiếng được cả thế giới biết đến như thế, tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chánh ngày 22/5 bắt đầu quan tâm đến việc mang thai hộ.

Đến giữa tháng Tám, chính quyền loan báo ý định đặt dịch vụ mang thai hộ ra ngoài vòng pháp luật. Một dự luật đang được thảo luận nhằm cấm việc thương mại hóa : người phụ nữ làm dịch vụ và các trung gian không được nhận thù lao, kể cả tự nguyện mang thai giúp cho các cặp không hôn thú và đồng tính luyến ái cũng sẽ bị cấm đoán.

Hiện nay hàng mấy chục người phụ nữ sinh hộ ở Thái Lan, hầu hết là người nghèo, đang sống trong nỗi lo âu, vì đạo luật cấm mang thai hộ sẽ được thông qua trong những tuần lễ tới.

Hai anh em tỉ phú Mỹ chống đối Obama

Nhìn sang nước Mỹ, phụ trang kinh tế của Le Monde viết về « David và Charles Koch, hai tỉ phú chống Obama ». Hai anh em tỉ phú ở Kansas chủ trương tự do tối đa, đã không tiếc tiền cho việc vận động nhằm đánh bại phe Dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 4/11 vừa qua.

David và Charles Koch đứng đầu Koch Industries, tập đoàn lớn thứ hai ở Hoa Kỳ không lên sàn chứng khoán, chỉ sau Cargill. Tập đoàn thu dụng 60.000 nhân viên ở 60 nước trong nhiều lãnh vực đa dạng, từ lọc dầu, ống dẫn dầu, hóa chất, phân bón cho đến tã trẻ em, giấy vệ sinh, sản phẩm tài chính…

Doanh số năm 2013 lên đến 115 tỉ đô la, hai anh em Koch mỗi người sở hữu 42% vốn của tập đoàn, và như vậy cả hai là tỉ phú đứng thứ năm nước Mỹ.

Cho rằng phúc lợi xã hội tạo ra « cách sống chùm gởi », hai anh em tỉ phú này đã tài trợ đến trên 4.000 nghiên cứu nhằm chỉ ra rằng cần phải hủy bỏ chế độ lương tối thiểu, để kinh tế thị trường tự do hoạt động.

Năm 2012, một trong các quỹ của họ là American for Prosperity đã chi ra 110 triệu đô la nhưng vẫn không ngăn trở được ông Obama đắc cử. Còn lần này, quỹ American for Prosperity chi 125 triệu đô la.

Các tổ chức khác trong mạng lưới của hai anh em Koch đã phân phát đến 43.900 truyền đơn vận động bầu cử, từ 01/01/2013 đến 31/08/2014, chiếm đến 1/10 tổng số tài liệu vận động của toàn chiến dịch.

Tăng trưởng kinh tế : Quan tâm chính của báo Pháp

Vấn đề tăng trưởng là mối quan tâm chính của các nhật báo Pháp hôm nay.

Le Monde chạy tựa « Tăng trưởng : Bruxelles không tin vào dự báo của Pháp năm 2015 ». Trang nhất tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận định « Tăng trưởng, thâm hụt : Kịch bản màu hồng của ông Hollande không được Bruxelles tán thành ».

Còn nhật báo Libération phân tích « Châu Âu đã phá vỡ tăng trưởng như thế nào ».

Nhật báo kinh tế Les Echos thì lại chú ý đến « Tim nhân tạo : Thành tựu khoa học đáng kinh ngạc của hãng Pháp Carmat ».

La Croix đặt câu hỏi « Ai hưởng lợi khi giá dầu giảm ? ».

Riêng nhật báo cộng sản L’Humanité dành trang nhất cho bài phóng sự « Trên những chiếc tàu truy tìm người nhập cư ».

Switch mode views: