Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-10-2014

Hồng Kông : Sự hóa thân mới nhất của phong trào Occupy

Hongkong-hoathan
Cuộc xuống đường đòi dân chủ ở Hồng Kông, tối 10/10/2014.Reuters

Hồng Kông vẫn là chủ đề thời sự Châu Á nóng trên một số tờ báo lớn của Pháp hôm nay 14/10/2014. Để dập tắt phong trào biểu tình, Bắc Kinh dường như không ngần ngại sử dụng mafia để « quấy rối » người biểu tình.

« Tại Hồng Kông, chính quyền muốn áp đặt » và « Tại Hồng Kông, Bắc Kinh tấn công vào những rào cản » lần lượt là những tựa đề các bài viết trên Le Figaro và Libération. Nhưng đối với Le Monde, « Hồng Kông là một sự hóa thân mới của phong trào Occupy ».

Vào ngày 13/10/2014, sau khi cho cảnh sát đến phá dỡ các rào cản, ngay sau đó có khoảng 100 người đeo khẩu trang, đôi khi được trang bị cả dao đến tìm cách gỡ bỏ những hàng rào do sinh viên dựng lên và đã xảy ra đụng độ xô xát.

Người biểu tình nghi ngờ những kẻ giấu mặt đó là những thành viên của Hội Tam Hoàng, một tổ chức mafia Trung Quốc.

Báo Libération còn cho hay những người tấn công vào người biểu tình nói tiếng phổ thông, tiếng nói được sử dụng phổ biến tại Hoa lục, chứ không phải là tiếng Quảng Đông, được sử dụng tại Hồng Kông.

Theo quan sát của hai tờ báo hiện chính quyền đang tìm cách lấy lại lợi thế, khi đánh cược vào sự ngán ngẩm của người dân do biểu tình kéo dài và sự hụt hơi từ từ của phong trào. Nhưng, Le Figaro cũng lưu ý chỉ cần một tia lửa nhỏ có nguy cơ làm bùng lại phong trào phản kháng.

Hồng Kông : một sự hóa thân mới của cuộc cách mạng dân chủ

Thế nhưng, nếu nhìn lại các phong trào phản đối bộc phát từ năm 2011, Le Monde nhận thấy Hồng Kông thật sự là một hóa thân mới nhất của phong trào Occupy.

Một phong trào đã làm biến đổi hoàn toàn khái niệm « cách mạng dân chủ ». Nhận định này được tờ báo trình bày cặn kẽ trên mục Tranh luận, qua bài viết có tựa đề « Phong trào Occupy được toàn cầu hóa ».

Cứ mỗi lần tuyên bố chấm dứt phong trào Occupy, thì nó lại trỗi dậy ở đâu đó : Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Bosnia …Gần đây nhất là Hồng Kông, nảy sinh vào năm 2011. Phong trào Occupy đã chiếm lĩnh trụ sở Ngân hàng HSBC, làm tê liệt thành phố trong vòng một tuần, nhằm biểu thị tình đoàn kết với Occupy ở Hoa Kỳ, diễn ra tại Zuccotti Park, New York.

Nhưng phong trào Occupy bắt đầu từ Bắc Phi, chứ không phải tại Hoa Kỳ. Rồi từ đó lan dần sang các quốc gia thuộc khu vực biển Địa Trung Hải như Hy Lạp và Tây Ban Nha. Chỉ đến khi nó làm chấn động trung tâm chủ nghĩa tư bản, Wall Street, phong trào mới được nhân rộng sang các nước khác từ Achentina cho đến Nam Phi…

Theo bài viết, những gì xảy ra cho đến ngày hôm nay, ta có thể xem Occupy như là một cuộc cách mạng dân chủ. Điểm đặc trưng của phong trào cách mạng này là không nhằm chiếm lấy quyền lực như nhiều cuộc cách mạng trong quá khứ.

Nếu như đa số các phong trào Occupy trên thế giới đều bị phá vỡ, Hồng Kông lại là một trong những phong trào giữ được hơi lửa lâu nhất, kéo dài từ tháng 10/2011-08/2012.

Đến năm 2013, ngọn lửa đó lại bùng lên dưới sự lãnh đạo của hai vị giáo sư và một linh mục, với một cái tên mới là Occupy Central with Love and Peace (OCLP). Thế nhưng, chính hai nghiệp đoàn sinh viên-học sinh, quá mệt mỏi vì sự chần chừ của lãnh đạo OCLP về việc ấn định ngày biểu tình, đã đi trước một bước, quy tụ đến hơn 50.000 người.

Tầm mức quan trọng của phong trào đã gây bất ngờ trên toàn thế giới, kể cả những người chủ xướng phong trào OCLP.

Theo giải thích của tờ báo nguyên nhân kinh tế là những động cơ chính của người biểu tình Hồng Kông. Ngược dòng thời gian, Hồng Kông của những năm 1960 bị xem như là một « thành phố nghèo và khốn khổ ».

Nhưng những chương trình cải cách được thực hiện trong những năm 1970-1980, biến Hồng Kông thành thí điểm cho chính sách tự do mậu dịch mới, đã mang đến cho xứ thuộc địa này một sự trỗi dậy kinh tế thần kỳ. Thu nhập bình quân đầu người tại Hồng Kông còn cao hơn cả mẫu quốc, Vương quốc Anh.

Hồng Kông dành ra 15% - 20% ngân sách cho văn hóa, giáo dục và dịch vụ công khác (tại Anh quốc là gần 50%).

Kể từ khi bị trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bắt đầu nảy sinh. Hồng Kông triển khai một mô hình kinh tế tự do mới theo cách riêng lai tạp với kiểu chủ nghĩa chuyên chế thị trường. Làn sóng ồ ạt du khách Trung Quốc đổ vào, biến khu thuộc địa cũ thành một kiểu siêu thị hạng sang.

Sự trỗi dậy của một lớp tư sản làm chết dần chết mòn các tiểu thương địa phương, các khu phố bình dân và làm dội giá thị trường bất động sản.

Những trùm bất động sản mới lấn chiếm các vùng nông thôn để mở rộng đô thị nhưng lại không chú trọng đến việc xây nhà xã hội. Trong khi giới trẻ bị buộc phải sống trong cảnh túng quẫn.

Cuối cùng là nạn tham nhũng. Tình trạng móc ngoặc giữa quan chức cao cấp chính phủ và các nhà đầu tư diễn ra ở mọi cấp độ, không chừa một ai, kể cả Ủy ban độc lập chống tham nhũng.

Kết quả là vào năm 2013, trên tổng số 7 triệu cư dân, có đến khoảng 1,63 triệu người (hơn 23% dân số) sống dưới ngưỡng nghèo. Cộng đồng Occupy Central đã được sinh ra từ việc nhận thức được rằng : chính quyền bù nhìn này đang làm tay sai cho chế độ cộng sản và giới doanh nhân Hồng Kông tạo thành một lũ vô hại duy nhất và như nhau. Do đó, cần phải bứng bỏ đi.

Đó chính xác cũng là loại sâu bọ mà phong trào Occupy tại Hoa Kỳ từng ý định tố cáo dưới danh nghĩa « 99% » và buộc tội số « 1% ».

Nó không chỉ đơn giản vấn đề phân phối phúc lợi, bất công xã hội, mà vì còn vấn đề quyền lực giai tầng. Bởi vì, « 1% » là tỷ lệ những người đã dùng sự giàu có của mình để gây ảnh hưởng chính trị, để rồi ngược trở lại, nó cho phép họ được làm giàu hơn nữa.

Từ đó cho thấy các phong trào khác ở nhiều quốc gia khác nhau đều có cùng một ghi nhận. Tùy theo từng bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội mà mỗi phong trào tại mỗi quốc gia có những kết quả khác nhau.

Hiện, tại Hồng Kông, lối thoát chính trị vẫn nằm trong ngõ cụt. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện trong thế khó xử. Một sự thỏa thuận cũng có thể khuyến khích các sự kiện tương tự xảy ra tại Hoa lục.

Trong khi đó người biểu tình Hồng Kông quan ngại một Thiên An Môn sẽ lặp lại và đang tìm cách vận động công luận quốc tế. Ý nguyện thiết lập một cuộc bầu cử dân chủ chỉ mới là bước khởi đầu một làn sóng rộng lớn hơn chống lại sự cai trị theo chủ nghĩa tự do chuyên chế mới.

Một dân tộc, đã từng được nếm hương vị nền dân chủ trực tiếp, đào tạo về sự đồng thuận và tự tổ chức, sẽ là một cơn ác mộng tồi tệ cho chính phủ tương lai.
Đương nhiên Hồng Kông có nguy cơ trở nên kém « sinh lợi » hơn, nhưng nó cũng có thể thổi đến một làn gió mới cho nền dân chủ tại Trung Quốc, tờ báo kết luận.

Kobané : Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thách thức Hoa Kỳ

Tình hình Trung Cận Đông vẫn là mối bận tâm hàng đầu trên mục Quốc tế của các báo Pháp. Liên minh quốc tế phương Tây hầu như bất lực không cản được đà tấn công của quân thánh chiến djihad.

Le Figaro phải kêu lên thảng thốt trên trang nhất : « Thổ Nhĩ Kỳ để cho quân thánh chiến xâm chiếm Kobané ».

Ankara kiên quyết bịt tai, không nghe lời kêu gọi nằn nì của liên minh, mở một hành lang để đến hỗ trợ cho những người đang chiến đấu bảo vệ thành phố Syria, đang bị Daech tấn công.

« Trận chiến Kobané đang khơi dậy sự giận dữ của người Kurdistan » là hàng tựa nhận định trên trang hai. Thế nhưng, tờ báo cũng nhận thấy cuộc chiến này kém hiệu quả là do « Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo thiếu người chủ xướng » và cũng là vì dù « Ngày càng bị cô lập, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gây căng thẳng với Hoa Kỳ ».

« Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » là những gì đang diễn ra giữa Washington và Ankara. Hôm qua, Hoa Kỳ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ sử dụng các khu căn cứ quân sự, nhất là căn cứ Incirlik, cho các chiến đấu cơ của liên quân để chống EI.

Nhưng hôm nay, phía Ankara đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định rằng chỉ cho phép sử dụng khu căn cứ trên nhằm mục đích nhân đạo và hậu cần. Bất chấp những lời kêu gọi khẩn thiết của người dân Kurdistan và của liên minh, quân đội Thổ NHĩ Kỳ vẫn cắm chân tại chỗ ở biên giới, ngắm nhìn xung đột diễn ra tại Kobané từ xa.

Bởi vì, nỗi ám ảnh duy nhất của Ankara hiện nay : trước hết phải lật đổ thành công chế độ Bachar al-Assad tại Syria. Tiếp đến là ngăn chặn bằng mọi giá sự hình thành khu tự trị người Kurdistan tại Syria.

Trước sự bất động của Thổ Nhĩ Kỳ, đảng PKK và lãnh tụ của đảng này hiện đang bị giam tù đã đe dọa sẽ phá vỡ tiến trình hòa bình và sẽ lại cầm súng nếu như Kobané thất thủ.

Để thoát khỏi bế tắc, tổng thống Erdogan dường như đang tiến hành một chiến lược khá mạo hiểm. Đó là : để cho Kobané rơi vào tay quân thánh chiến và sẽ đặt mình vào vị thế người « cứu rỗi ».

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó sẽ được triển khai một cách chính thức để quét sạch quân thánh chiến, nhưng cũng đồng thời để thiết lập ở đó « vùng an toàn » nổi tiếng của mình, đặt dấu chấm hết giấc mơ một khu tự trị Kurdistan tại Syria.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đang tính toán nước cờ « một mũi tên trúng hai con nhạn của mình » thì « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang âm thầm len lỏi vào Palestine », theo như tựa đề nhận định trên Libération.

Theo tờ báo thì phong trào thánh chiến đang âm thầm tuyển dụng hàng chục người tại dải Gaza, ở Cisjordani và nhiều người Israel, gốc Ả Rập để tham chiến tại Irak và Syria.

Phụ nữ : mục tiêu tấn công trong chiến tranh

Báo La Croix thì chú ý đến sự kiện trên góc độ nhân đạo. Tờ báo cho hay « Daech minh chứng việc áp dụng chế độ nô lệ đối với phụ nữ Yazidi ».

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Ei hay còn gọi là Daech khẳng định trong tạp chí số thứ 4 của mình những phụ nữ tộc Yazidi, bị bắt cùng với con cái của họ tại Sinjar hồi đầu tháng 08/2014, đã được « phân phát » cho các chiến binh như là « nô lệ tình dục ».

Bài viết chứng minh « sự trở lại chế độ nô lệ » đó được dựa trên cách diễn giải việc áp dụng « khum », có hiệu lực vào đầu « thời kỳ Hồi giáo ». Theo đó, một phần năm chiến lợi phẩm thu được sẽ được dành riêng cho nhà tiên tri Mohammed.

Người Hồi giáo sẽ phải giải thích cho thượng đế hay về sự tồn tại của người Yazidi và cho rằng chỉ có chế độ nô lệ mới có thể buộc họ từ bỏ bản sắc của họ và cải theo đạo Hồi.

« Nô lệ tình dục » giúp cho đàn ông tránh được « cám dỗ tội lỗi ». Nói cách khác những quan hệ tình dục bị đạo luật charia cấm đoán, kể cả với những người phụ nữ giúp việc, sống trong cùng nhà.

Trong số những người không phải là Hồi giáo, Daech phân biệt rõ ba nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm những người Do Thái và Công giáo. Những người này được quyền hưởng sự bảo trợ của quân thánh chiến với điều kiện phải đóng thuế.

Nhóm thứ hai, nhóm phản đạo (những người đạo Hồi không thuộc hệ phái Sunni : shia, alawite, druze và ismaili). Phụ nữ nhóm này chỉ có hai chọn lựa, hoặc phải cải theo hệ phái sunni, hoặc bị giết.

Cuối cùng là những nhóm như người Yazidi (theo hệ phái đa thần). Phụ nữ của nhóm này phải chấp nhận chế độ nô lệ.

Trong một báo cáo, Tổ chức Quan sát Nhân quyền HRW lên án hành động đối xử tàn bạo của quân thánh chiến với con tin tộc Yazidi. Daech tách rời một cách hệ thống phụ nữ trẻ và thiếu nữ ra khỏi gia đình, buộc nhiều người trong số họ phải kết hôn với quân thánh chiến.

Theo các nhân chứng mà HRW thuật lại trong báo cáo của HRW, ngoài việc cưỡng hôn, còn có cả việc bán các con tin phụ nữ và bé gái tại Irak và Syria, hãm hiếp và nạn nô lệ tình dục… nhiều hành động tàn bạo khác có thể cấu thành « những tội ác chiến tranh » và « tội ác chống nhân loại ».

Ebola : Ấn Độ, một mắt xích yếu tại Châu Á

Một chủ đề khác cũng đang hâm nóng làng báo Pháp từ nhiều ngày qua là dịch bệnh Ebola. Nhưng đáng chú ý nhất là bài viết trên báo phát miễn phí 20 Minutes đề tựa « Ấn Độ, nạn nhân kế tiếp của virus ? »

Trả lời phỏng vấn cho tờ báo Anh The Guardian, nam tước và cũng là là vi sinh học Peter Piot tỏ ra quan ngại cho Ấn Độ. Quốc gia này có đông công dân làm việc tại Tây Phi, khoảng 45.000 người, làm việc tại bốn quốc gia đang có dịch bệnh.

Theo ông, « chỉ cần có một người mang mầm bệnh, lên máy bay về thăm gia đình trong thời gian ủ bệnh. Và một khi cơn bệnh bộc phát, phải nhập viện », nhất là vào thời điểm này, có rất nhiều lễ hội tôn giáo, cơ hội du lịch rất là đông nữa.

Mặc dù, chính quyền New Dehli tuyên bố đề ra các biện pháp phòng ngừa tại các sân bay quốc tế, nhưng chính thói quen của các nhân viên y tế Ấn Độ mới là điều đáng lo. Ông nói : « Tại Ấn Độ, bác sĩ và y tá thường không hay đeo găng bảo hộ. Họ sẽ rất dễ dàng bị nhiễm bệnh và lây bệnh rất nhanh ».

Tờ báo trích lại một thông tin đăng trên tờ Les Echos cho biết các bệnh viện lớn khẳng định chưa nhận được các chỉ thị từ Bộ Y tế về cách xử lý thích hợp trong trường hợp có ca bệnh.

Về phần các cơ sở y tế nói chung, Nhật báo New Indian Express của Ấn Độ còn tỏ ra nghi ngờ về khả năng đối đầu dịch bệnh của các bệnh viện tại Ấn Độ, trong khi mà hiện nay họ luôn trong tình trạng quá tải.
Hiện trong trước mắt Ấn Độ còn có thể tự hào là chưa phát hiện một ca bệnh Ebola nghiêm trọng nào.

 

Switch mode views: