Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-08-2014
- Chúa Nhật, 31 tháng Tám năm 2014 02:35
- Tác Giả: Lê Vy
Không khí ngột ngạt trong làng bóng đá
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (P) và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (T) trong một buổi lễ nhân World Cup ở Brazil, ngày 2/ 6/2014.
REUTERS/Joedson Alves
Thời sự Châu Á khá vắng bóng trên các mặt báo Pháp ngày cuối tuần (30/08/2014). Nhật báo Le Monde có xã luận đáng chú ý dành cho những người hâm mộ bóng đá đề tựa: « Không khí ngột ngạt trong làng bóng đá ».
Theo xã luận của Le Monde, vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter có thể ăn ngon ngủ yên vì dường như chẳng ai có thể công kích được quyền lực của ông. Từ giờ cho đến vào tháng 5/2015, ông Blatter khi đó 79 tuổi nhưng vẫn còn tham vọng đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 trong cương vị lãnh đạo làng bóng đá thế giới .
Ông Michel Platini Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) cũng sớm hiểu được điều này nên đã tuyên bố sẽ không ra tranh cử với ông Sepp Blatter vào ngày 28/08. Cựu danh thủ « số 10 » của đội tuyển Pháp mong muốn một liên đoàn bóng đá thế giới « minh bạch, đoàn kết, hoạt động tốt hơn và được người hâm mộ bóng đá nể trọng hơn ».
Le Monde nhìn lại lịch sử của FIFA thì quả thật, hình ảnh của tổ chức này bị xấu đi nhiều ngay dưới thời Joao Havelange, người Brazil (1974-1998), rồi đến thời của Sepp Blatter người Thụy Sĩ cũng không khá hơn.
FIFA trở nên giàu sụ nhờ vào các giải bóng đá thế giới và việc bán bản quyền truyền hình các trận đấu. Từ đó, thu nhập của FIFA lên đến 1,4 tỷ đô la vào năm 2013 và việc quản lý khối tài sản này khá mập mờ.
Hơn nữa, sự bùng nổ tài chính trong làng bóng đá luôn đi kèm với các vụ bê bối và nghi ngờ tham nhũng cứ thế liên tiếp diễn ra.
Vào năm 2000, việc đối tác của FIFA là công ty chuyên kinh doanh và tiếp thị thể thao International Sport and Leisure (ISL) bị phá sản đã làm vấy bẩn danh dự của cựu Chủ tịch Havelange và buộc ông phải từ chức chủ tịch danh dự.
Từ năm 2010, không dưới 7 thành viên của Ủy ban hành pháp của FIFA đã bị đình chỉ công tác hoặc phải từ chức trong các vụ bê bối tham nhũng.
Theo Le Monde, vụ trao quyền đăng cai tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2018 cho Nga và vào năm 2022 cho Qatar giờ đây đang làm lung lay cả định chế quản lý bóng đá này. Trong đó đặc biệt có vụ bê bối là ông Mohammed Ben Hammam, người Qatar, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Á và phó Chủ tịch FIFA, bị tờ báo Anh Sunday Times cáo giác hối lộ 5 triệu đô la cho các thành viên FIFA để lấy phiếu bầu cho Qatar.
FIFA buộc phải mở điều tra và bản thân ông Sepp Blatter cũng bị đàm tiếu có dính líu ít nhiều vào những nghi ngờ tham nhũng đó. Tuy nhiên đến lúc này, ông vẫn không hề hấn gì do ông được sự hỗ trợ của 209 liên đoàn quốc gia.
Ông Blatter vẫn bình an vô sự nhưng cái giá phải trả là Liên đoàn bóng đá thế giới đang mấy uy tín nghiêm trọng.
Michel Platini, từng là cố vấn cho Sepp Blatter và là đương kim phó chủ tịch FIFA thốt lên một cách ngây thơ rằng : « Chúng ta cần một luồng gió mát cho FIFA » thế nhưng Le Monde nhận định, cái luồng gió ấy không thể có được trong ngày một ngày hai.
Nga tiến quân vào Ukraina, phương Tây bất lực
Trở lại với hồ sơ căng thẳng Ukraina kéo dài nhiều tháng, nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Ukraina : Nga can thiệp, phương Tây bất lực ».
Tổng thống Putin tiến quân vào miền Đông Ukraina, với nhiều xe bọc thép và hơn một nghìn binh sĩ Nga, theo đánh giá của NATO. Tổng thống Mỹ Obama loại trừ khả năng trả đũa quân sự nhưng muốn cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga. Đồng thời, ông hứa ủng hộ các quốc gia vùng Ban tích và Ba Lan là các đồng minh NATO.
Bên cạnh đó, trang nhất nhật báo Le Figaro chạy tựa : « Putin gia tăng mở rộng chi phối ảnh hưởng lên miền đông Ukraina ».
Theo tờ báo, chủ nhân điện Kremlin vẫn khăng khăng chối bỏ việc gửi quân Nga tràn vào lãnh thổ Ukraina nhưng đã hoan nghênh chiến thắng quân sự của phe ly khai. Đồng thời, Tổng thống Putin muốn « buộc » Kiev phải thương lượng về số phận những vùng đang tranh chấp.
Trang bên trong Le Figaro, tờ báo cho biết, đối với Tổng thống Putin, Ukraina và Nga « gần như là một dân tộc ». Trong khi đó Kiev vẫn liên tục lên án Nga « xâm lược » và kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự.
Xã luận của Le Figaro bình luận về chiến thuật của chủ nhân điện Kremlin đề tựa : « Một nghệ thuật chiến tranh mới ». Le Figaro đánh giá, phương Tây không theo kịp thời cuộc, luôn trễ hơn Nga một bước. Bộ mặt của chủ nhân điện Kremlin lộ dần.
Tổng thống Putin còn sử dụng chiêu tuyên truyền thông tin sai lệch. Ông cũng thừa biết, ý kiến công luận hay thay đổi. Do đó, khi cả thế giới đổ dồn công kích về phía ông, ngay lập tức, ông dừng lại, đợi cho làn sóng phẫn nộ qua đi và ông lại tiếp tục chiến thuật tấn công vào Ukraina. Đồng thời, ông cũng biết sử dụng ngón đòn kinh tế, như cấm nhập hoa quả dọa cắt khí đốt cho châu Âu.
Trước tình hình như vậy, châu Âu thì vẫn còn mải lo việc cỏn con là tìm kiếm một lãnh đạo ngoại giao mới còn Tổng thống Mỹ Obama đôi khi lại đổi hướng.
Trong một bài viết khác trên Libération đề tựa : « Châu Âu lưỡng lự giao vũ khí cho Ukraina ». Tờ báo nhận định, vấn đề cung cấp vũ khí khí tài cho Ukraina để đối phó với Nga đang gây chia rẽ các nước châu Âu, hôm nay có cuộc gặp thượng đỉnh tại Bruxelles.
Theo Libération, mặc dù đồng rúp có bị trượt giá, kinh tế Nga bên bờ vực suy thoái đi chăng nữa, các biện pháp trừng phạt vẫn còn nhiều giới hạn. Do đó, François Heisbourg, chuyên gia tư vấn cho chủ tịch Tổ chức nghiên cứu chiến lược phân tích : « Việc gửi vũ khí cho Ukraina hiệu quả, thông minh hơn và ít nguy hiểm hơn các biện pháp trừng phạt.
Các biện pháp này không làm mất uy tín của chủ nhân điện Kremlin. » Đồng thời, chuyên gia trên cũng nhấn mạnh : « Giao vũ khí cho một nhà nước đang bị tấn công và muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ như Ukraina không gây ra vấn đề gì về pháp luật và dù sao đi nữa cũng ít phiền toái hơn cung cấp vũ khí cho phe ly khai như Nga đang làm hiện nay ».
Obama thụ động
Nhìn sang thái độ của cường quốc thế giới Hoa Kỳ trên hồ sơ gai góc Ukraina, Libération bình luận, một lần nữa, sự bất lực của ông Obama trước các ý đồ chiến tranh của chủ nhân điện Kremlin lại bị chỉ trích.
Trong nhiều tháng nổ ra khủng hoảng Ukraina, chưa một lần nào, Tổng thống Obama làm cho người đồng nhiệm Nga lùi bước, ngược lại, Tổng thống Putin lại liên tục có thái độ thách thức.
Nhiều quan chức Lầu năm góc và ngành ngoại giao Mỹ đã lên tiếng yêu cầu cần kiên quyết hơn với Nga. Nhiều kịch bản đã được Nhà Trắng đưa ra. Nhiều quan chức khẳng định, cần « khẩn cấp » hỗ trợ Kiev và cung cấp vũ khí cho Ukraina để chống lại sự hỗ trợ của Nga dành cho phe ly khai.
Hôm qua, một số nhân vật thuộc đảng Dân chủ cho biết, đã đến lúc, ông Obama cần có một chính sách « cực kỳ năng động » đối với khủng hoảng Ukraina và hồ sơ Trung Đông.
Algeri : chính phủ tiêu tiền vô tội vạ
Liên quan đến thời sự tại Bắc Phi, tạp chí L’Express số ra tuần này quan tâm đến việc chính phủ Algeri tiêu tiền vô tội vạ để xoa dịu dân chúng.
Trước tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ngày càng cao, chế độ của Tổng thống Bouteflika tài trợ cho các dự án thành lập các doanh nghiệp nhỏ của thanh niên nhưng các công ty này không sinh nhiều lợi nhuận. Vốn tài trợ của chính phủ đến từ nguồn tài nguyên dầu hỏa nhưng nguồn lợi trời cho này sẽ dần cạn kiệt.
Theo tạp chí, trong một đất nước với 25 triệu dân (trong tổng số 38 triệu dân) dưới 35 tuổi, chính quyền già cỗi của ông Bouteflika không ngừng khuyến khích thanh niên vay tiền mở các doanh nghiệp nhỏ.
Cơ quan hỗ trợ việc làm cho thanh niên (Ansej) là một tổ chức nhà nước, cấp tín dụng cho người thất nghiệp thành lập công ty.
Từ ngày nổ ra mùa xuân Ả Rập vào năm 2011 và các cuộc biểu tình của người thất nghiệp tại miền Nam Algeri vào năm 2013, chính phủ Algeri liên tục cho thanh niên vay mượn hầu như với lãi suất là zéro.
Đây là biện pháp nhằm mua sự bình ổn xã hội, theo nhận định của Rachid Malaoui, chủ tịch một công đoàn độc lập. Người vay tín dụng được miễn đóng thuế trong vòng 3 năm ở miền Bắc và 10 năm ở miền Nam do tỷ lệ thất nghiệp ở đó cao hơn.
Nếu các con nợ không trả thì có một quỹ bảo đảm chi trả cho ngân hàng. Do đó, nhiều thanh niên lợi dụng mở công ty hàng loạt nhưng không mấy người nghĩ đến việc hoàn trả. Một số doanh nhân trẻ làm ăn chân chính, cật lực để trả nợ cho ngân hàng lại cảm thấy vô cùng bất công trong khi một số người lợi dụng biện pháp này của nhà nước để kiếm tiền dễ dàng.
Vấn đề đặt ra là các tiểu công ty mọc lên như nấm, đa số trong ngành dịch vụ và giao thông như không hề sinh lời, lại còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công. Thanh niên đầu tư rất ít vào ngành xây dựng, trong khi ngành nghề này tạo ra nhiều việc làm hơn.
L’Express ước tính, hiện giờ, chính phủ Algeri có thể tiêu xài thoải mái mà không quan tâm đến kết quả đạt được nhờ vào xuất khẩu dầu hỏa, cốt cũng chỉ để củng cố quyền lực, để tránh làm cho dân chúng xuống đường. Tuy nhiên, tài nguyên sẽ cạn kiệt, tính đến năm 2025-2030.
Sanofi nghiên cứu vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết
Trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo Le Monde quan tâm đến việc hãng dược phẩm Pháp là Sanofi đang tiến hành nghiên cứu vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết vì căn bệnh này có nguy cơ bùng phát trở lại tại một số nước.
Tokyo công bố vào ngày 28/08 vừa qua có 3 trường hợp bị nhiễm bệnh được truyền từ loại muỗi vằn, trong khi virus này đã biến mất khỏi xứ phù tang từ 70 năm nay. Không chỉ có Nhật, ngày 22/08, Pháp cũng phát hiện thấy một ca bị bệnh này tại tỉnh Var.
Người Mỹ cũng tập sống chung lại với loài virus này tại bang Florida và Texas, nơi mà người Mỹ đã tống khứ được con virus này cách nay nửa thập kỷ.
Loại virus này phát triển được là nhờ vào quá trình du lịch và sự đô thị hóa. Trước năm 1970, chỉ có 9 quốc gia phải đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết trong khi ngày nay có hơn 100 quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê hàng năm có từ 50-100 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới, chủ yếu tại Mỹ La Tinh và vùng Đông-Nam Á. Vấn đề là cho đến giờ phút này, không có lấy một biện pháp nào phòng tránh bệnh.
Các bác sĩ chỉ có thể chữa bệnh dựa trên triệu chứng. Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi trong vài năm tới vì vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết được Sanofi nghiên cứu từ 20 năm này sắp thành công.
Hãng dược phẩm Pháp sẽ tiến hành các ca thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và nếu mọi việc thuận lợi, các liều vaccin đầu tiên sẽ được bán ra trên thị trường vào cuối năm 2015.
Tin mới
- Biển Đông : Trung Quốc biến sáu bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhỏ - 02/09/2014 18:23
- Hai chục nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông bị bắt - 02/09/2014 15:49
- Mỹ nghỉ lễ Lao động - 01/09/2014 22:06
- Nguy cơ sự phát triển của hải quân Trung Quốc gây tổn hại cho thương mại thế giới - 01/09/2014 20:58
- Libya : Chính phủ không còn kiểm soát các bộ và cơ quan Nhà nước - 01/09/2014 20:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-09-2014 - 01/09/2014 20:20
- Đối lập Pakistan tấn công đài truyền hình quốc gia - 01/09/2014 19:40
- Hồng Kông : Các nhà hoạt động phản đối Bắc Kinh hạn chế quyền bầu cử - 01/09/2014 18:48
- Thủ tướng nước cộng sản cũ trở thành lãnh đạo chủ chốt của Châu Âu - 01/09/2014 02:35
- Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông - 01/09/2014 01:36
Các tin khác
- Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi liên minh toàn cầu chống Nhà nước Hồi giáo - 31/08/2014 02:12
- Đài Loan chi hàng tỷ đô la tăng cường phòng thủ đề phòng với Trung Quốc - 31/08/2014 01:36
- Anh quốc nâng mức báo động khủng bố - 30/08/2014 04:50
- Tàu chở dầu của người Kurd 'biến mất' ngoài khơi Texas - 29/08/2014 23:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-08-2014 - 29/08/2014 22:32
- Syria : Quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo thảm sát hàng trăm tù binh - 29/08/2014 22:07
- F-15 của Vệ Binh Quốc Gia Mỹ rớt ở Virginia - 28/08/2014 21:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-08-2014 - 28/08/2014 21:31
- Trung Quốc và Việt Nam tìm cách hàn gắn quan hệ sau vụ HD-981 - 28/08/2014 19:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-08-2014 - 27/08/2014 19:57