Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới kinh doanh đại học tư đồng loạt tháo chạy

 

VIỆT NAM (NV) - Sau giai đoạn nở rộ từ giữa cho đến cuối thập niên 2010, khu vực đào tạo đại học tư nhân ở Việt Nam đang bước vào thời kỳ lụi tàn.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, từ đầu năm 2013, hàng loạt trường đại học, cao đẳng và trung cấp tư nhân ở Việt Nam đồng loạt thay tên, đổi chủ.

Các nhà đầu tư tháo chạy, nại lý do bị Bộ Giáo Dục “ép” qui định tuyển sinh; vì nội bộ ăn chia lủng củng.
Có người cho biết, đầu tư ngành giáo dục bậc đại học chẳng khác gặm một khúc xương khó nuốt.

truong-dai-hocVN

Một trong các trường đại học vừa thay đổi Hội Ðồng Quản Trị. (Hình: Media-giadinhonline.vn)

Các nhà lãnh đạo trường Ðại Học Thái Bình Dương ở tỉnh Khánh Hòa nói rằng, hầu như không tuyển được sinh viên trong niên học 2012-2013.

Vào năm 2013, cố gắng lắm thì trường cũng chỉ tuyển được khoảng 100 sinh viên, nguồn thu không đủ để bù đắp chi phí cho hoạt động nhà trường.

Vì vậy mà đầu năm 2013, toàn bộ Hội Ðồng Quản Trị của trường này ra đi, nhường lại cho một ê kíp đầu tư hoàn toàn mới.
Ông Quách Ðình Liên, hiệu trưởng trường cho rằng, trong số các thành viên mới của tân Hội Ðồng Quản Trị có người làm ngân hàng, có người là cựu hiệu trưởng một trường đại học lớn ở Sài Gòn. Vì vậy, ông hy vọng tình hình hoạt động sẽ sáng sủa trở lại.

Cũng năm 2013, trường Ðại Học Phan Thiết sang nhượng cho nhà quản lý khác.
Ðồng thời, trường Ðại Học Công Nghệ Thông Tin Gia Ðịnh cũng bắt đầu bán cổ phần, để người khác trở thành “cổ đông chiến lược” của trường.

Trước đó vài tháng, trường Ðại Học Văn Hiến cũng thay tên, đổi chủ để “làm lại từ đầu.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một chủ đầu tư trường đại học xin được giấu tên nói rằng, việc quản trị một trường đại học hoàn toàn khác với việc điều hành một công ty.

 Theo ông, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của môi trường giáo dục hầu như vượt khỏi tầm với của cá nhân. Vì vậy, ông này đã không ngần ngại rút khỏi môi trường giáo dục, nại lý do “quá mệt mỏi.”

Còn theo ông Trần Chút, cựu phó hiệu trưởng trường Ðại Học Văn Hiến, trường có nhiều nhà đầu tư lẽ ra là tốt, nhưng lại trở thành cảnh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa, thế là trường nát bét.”

Năm 2012, nội bộ nhà trường lủng củng dẫn đến việc bị cấm tuyển sinh, chịu nhiều thiệt hại.
Ðó là chưa kể nhiều trường khác như Cao Ðẳng Kinh Tế Kỹ Thuật Sài Gòn, trường Trung Cấp Ðông Phương, Gia Ðịnh, Hồng Hà, Tây Bắc... cũng đổi chủ vì lý do “mâu thuẫn nội bộ kéo dài.”

Còn theo dư luận, hiện tượng nở rộ các trường đại học trong khu vực tư nhân thời gian qua nằm trong ý định kinh doanh kiếm lãi của các nhà đầu tư.
Có người cho rằng, nhà đầu tư chỉ biết thu học phí và chia lời, mà không chịu tái đầu tư.

Người ta tìm cách giảm nhẹ “chi phí hoạt động” bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn đòi hỏi ở người thầy, kể cả nội dung giảng dạy.
Ðội ngũ giảng sư không đạt tiêu chuẩn, cũng không đạt chuẩn mực đạo đức của một người thầy.

Cho đến nay, rất nhiều trường dù đã cố gắng cải thiện hoạt động, nhưng hầu như vẫn lâm vào tình trạng “bóc ngắn cắn dài.”
Nhiều người nói rằng, khu vực hoạt động của bậc đại học có vẻ như quay lưng với nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam thời gian qua.

Chính vì vậy, dư luận cũng không lạ gì trước tình hình thực tế, trên 72,000 người tốt nghiệp đại học-cao đẳng bị thất nghiệp dài dài, chiếm 3.6% số người tốt nghiệp đại học trong vòng 5 năm qua. (PL)

Switch mode views: