Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-05-2014
- Thứ Sáu, 30 tháng Năm năm 2014 21:49
- Tác Giả: Thu Hằng
Chính sách ngoại giao của Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Học viên quân sự West Point, New York, ngày 28/05/2014
REUTERS/Kevin Lamarque
Từ việc bán đảo Crimée thuộc về Nga, đụng độ đẫm máu tại Donets, miền đông Ukraina đều có bàn tay tham gia của Nga, đến việc Trung Quốc đang giương oai ở biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời gây hấn với các nước đang có vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Mỹ Obama bị chỉ trích thiếu năng động trong chính sách đối ngoại liên quan tới các sự kiện trên.
Báo Le Monde phân tích vấn đề này thông qua bài xã luận « Giáo sư Obama và những khác biệt của mình ».
Tổng thống Obama chọn Viện quân sự West Point nổi tiếng để đáp trả những chỉ trích gần đây từ đảng đối lập và thậm chí ngay trong đảng của mình cho rằng ông không tỏ ra năng động can thiệp vào các chính biến gần đây trên thế giới. Họ cho rằng vì thế mà cả Nga và Trung Quốc đang hưởng lợi.
Tác giả bài xã luận phân tích hình ảnh Tổng thống Mỹ trên hai khía cạnh. Thứ nhất, hành động như một giáo sư, Tổng thống Mỹ đang rút ra những bài học trong quá khứ.
Cuộc chiến tranh tại Irak đã gây ra chấn động lớn mà Trung Đông vẫn đang phải trả giá. Hay cuộc chiến tại Afghanistan không mang lại thắng lợi mà cũng chẳng thất bại. Thậm chí, cuộc can thiệp vào Libya vừa qua cũng để lại những kết quả mơ hồ.
Tổng thống Obama cân nhắc những hạn chế của một cuộc can thiệp quân sự. Ông nhận xét : « Từ Thế chiến thứ 2, một số sai lầm lớn nhất của chúng ta không phải do chúng ta kiềm chế, mà do chúng ta quá nóng vội lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự mà không nghĩ tới hậu quả ».
Thứ hai, Tổng thống Obama hành động theo phong cách riêng của mình, đó là kiềm chế. Ông đã từng nhận định rằng : « Hoa Kỳ là một quốc gia cần thiết » cho sự bình ổn cân bằng chiến lược.
Tác giả bài xã luận đặt câu hỏi liệu chủ nghĩa can thiệp mới của Mátxcơva tới các nước láng giềng và hoạt động tích cực của Trung Quốc tại Thái Bình Dương có đe dọa cân bằng chiến lược này không ?
Ông Obama đang đưa ra hình ảnh trốn chạy khỏi những khó khăn mà ông đang phải đối đầu. Nhưng, trong vấn đề ngoại giao, phong cách cũng đáng được tính đến như hành động.
Trang « Quốc tế » của Le Monde phân tích rõ hơn chính sách ngoại giao của Mỹ trong bài : « Ông Obama bảo vệ chủ nghĩa can thiệp thận trọng ».
Tổng thống Mỹ đã công bố những điểm chính trong chính sách đối ngoại của mình, cũng như những điều kiện để Hoa Kỳ can thiệp quân sự.
Thứ nhất, khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Hoa Kỳ sẽ không do dự đánh trả kẻ thù, thậm chí đơn phương chiến đấu nếu cần thiết.
Thứ hai, nếu lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng, ngay cả khi cuộc khủng hoảng đó làm lung lay tâm trí của người Mỹ, và nếu cần phải can thiệp quân sự, thì nước Mỹ sẽ không đơn phương thực hiện mà phải có sự tham gia của các quốc gia khác.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, thay vì đi xâm chiếm các quốc gia chứa chấp lực lượng này như người tiền nhiệm đã làm, ông Obama đề xuất ký hợp định đối tác với các quốc gia phải đối đầu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thông qua quỹ đối tác chống khủng bố, với ngân sách lên tới 5 tỉ đô la (khoảng 3,7 tỉ euro).
Ý chính cuối cùng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama là nước Mỹ sẽ phải làm gương trong một số lĩnh vực.
Làm sao đòi hỏi được các quốc gia gây ô nhiễm khác phải cố gắng trong khi các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ lại phủ nhận thực tế biến đổi khí hậu ? Làm sao có thể yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp ngoài khơi theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong khi Thượng viện Mỹ từ chối phê chuẩn ?
Tổng thống Obama khẳng định, dân Mỹ là những người đặc biệt, không phải bởi khả năng thách thức các chuẩn mực quốc tế, mà chính là khả năng áp dụng chúng thông qua các hành động thực tế của mình.
Đó chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ khẳng định lần nữa quyết tâm đóng cửa nhà tù Guantanamo, vì « giá trị của nước Mỹ và các truyền thống pháp lý không cho phép việc giam giữ vô thời hạn những cá nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia ».
Tổng thống Putin phô trương chiến lược Âu-Á
Trái ngược với chính sách đối ngoại hạn chế của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga không ngừng tăng cường mức ảnh hưởng của Nga tới các nước láng giềng.
Sự kiện Tổng thống Nga khai mạc « Liên hiệp kinh tế Âu-Á » ngày hôm qua tại Astana, thủ đô nước Kazakhstan, là tâm điểm của báo chí Pháp trong số ra ngày hôm nay.
Tờ Les Echos đưa tin : « Nga, Belarus và Kazakhstan tạo thị trường duy nhất với 170 triệu dân ». Các lĩnh vực được chú trọng trong hiệp ước bao gồm năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp và giao thông.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần phải đảm bảo tự do trao đổi sản phẩm, vốn, người lao động và dịch vụ. Họ dựa theo mô hình của Liên Hiệp Châu Âu nhưng tránh các sai lầm của tổ chức này.
Dưới tựa đề : « Tổng thống Putin phô trương chiến lược Âu-Á », tờ Le Monde phân tích, đằng sau hình ảnh thống nhất, mỗi nhà lãnh đạo đều có ý đồ riêng.
Tổng thống Nga không khỏi thất vọng vì Ukraina, quốc gia trọng điểm với 45 triệu dân, không tham gia vào Liên hiệp.
Nước Belarus lọc dầu của Nga trước khi tái xuất khẩu sang nước láng giềng phía đông và phải trả 4 tỉ đô la thuế xuất khẩu. Belarus muốn lấy lại khoản tiền này sau khi ký hiệp ước.
Trong khi đó, với nguồn dầu mỏ dồi dào, Kazakhstan theo đuổi một mục tiêu duy nhất là tham gia vào hệ thống đường ống dẫn dầu của Nga để mở rộng lượng khách hàng, trong đó có cả khách hàng Châu Âu.
Như vậy, quốc gia này sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, số lượng người gốc Nga sống tại quốc gia này khá lớn. Họ tỏ ra rất nhiệt tình với việc sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga. Khẩu hiệu « hỗ trợ dân tộc Nga » do Kremlin đề xướng cũng khiến giới lãnh đạo Kazakhstan lo ngại.
Trong bài : « Vladimir Putin tổ chức Liên hiệp kinh tế Âu-Á », báo La Croix nhận xét việc ký kết Liên hiệp này nhằm gián tiếp gửi thông điệp tới Bruxelles và 28 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Một đại sứ phương Tây có mặt tại buổi lễ đánh giá : « Việc này có lợi cho Trung Quốc tranh thủ được thị trường chung nằm sát sườn này. Và điều này lại bất lợi cho Liên Hiệp Châu Âu vì mất ảnh hưởng tới ba quốc gia trên ».
Ấn Độ, cường quốc trên đường tìm kiếm mô hình riêng
Trong buổi nhậm chức ngày thứ 2 vừa qua, tân Thủ tướng Ấn Độ hứa hẹn « một nước Ấn Độ hùng mạnh ».
Trọng trách của ông là chứng minh khả năng áp đặt những tham vọng của Ấn Độ trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ đang tìm cách xác định tiêu chuẩn cho mình.
Báo L’Humanité phân tích rõ hơn chiến lược của quốc gia này dưới tựa đề : «Ấn Độ, cường quốc trên đường tìm kiếm mô hình riêng ».
Tác giả bài báo nhận định rằng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ đang làm tăng căng thẳng trong khu vực. Với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế từ 7-8%, Ấn Độ đã áp đặt được cho thế giới những tham vọng của một sức mạnh đang lên.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Ấn Độ đã đạt tới hàng các cường quốc nguyên tử. Việc Ấn Độ và Pakistan, một quốc gia phát triển nguyên tử khác, mở ra đối thoại cũng gây lo lắng trong khu vực.
Dù bắt tay với Liên Xô trong thời kì chiến tranh lạnh, nhưng những năm gần đây, quốc gia Nam Á này đã tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Dưới thời các đời Tổng thống Hoa Kỳ, Clinton và Bush, hai quốc gia này có những mối quan ngại chung, trong đó có việc Trung Quốc trỗi dậy và vấn đề an ninh tại Ấn Độ Dương. Tiếp theo, trong những năm 2000, Ấn Độ hợp tác với Washington trong vai trò cố vấn khu vực và hoạt động chống khủng bố.
Trong bối cảnh quân đội NATO sẽ rút khỏi Afghanistan, Kabul đã tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ để giảm bớt sự lệ thuộc vào Pakistan.
Tư cách đối tác chiến lược với Hoa Kỳ cũng cho phép Ấn Độ tăng cường mạng lưới phòng thủ chống tên lửa và các ngành công nghệ trọng điểm (như vũ trụ và nguyên tử dân dụng) nhờ việc chuyển giao công nghệ.
Việc Ấn Độ xích gần lại Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải nhẩy vào cuộc và thắt chặt các mối quan hệ với nước láng giềng. Chính vì vậy, gần đây Ấn Độ công nhận quyền tối cao của Trung Quốc tại vùng Tây Tạng.
Ngược lại, Bắc Kinh công nhận quyền của Ấn Độ tại vùng Sikkim. Ngoài ra, trao đổi kinh tế giữa hai nước đã tăng từ 5 tỉ đô la vào năm 2002 lên tới 66 tỉ đô la vào năm 2012.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng không ngừng mở rộng cạnh tranh với Trung Quốc, thông qua chính sách « Nhìn về phía đông ». Ấn Độ ký kết rất nhiều hợp đồng thương mại với Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia hay Malaysia.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tăng cường trao đổi quân sự và hàng hải với các quốc gia đáng lo ngại đối với người láng giềng Trung Quốc, như Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản.
Dù gây được ảnh hưởng về kinh tế, công nghệ, ngoại giao và quân sự, Ấn Độ vẫn đang vất vả hình thành cho mình một hình mẫu riêng, trái ngược với Bắc Kinh hay Washington.
Nhân danh những người con của Thiên An Môn
Những người mẹ có con bị giết trong sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 tiếp tục đấu tranh giành lại công lý.
Báo Le Figaro đăng bài phóng sự : «Nhân danh những người con của Thiên An Môn » nhân dịp kỉ niệm 25 năm sự kiện này.
Tác giả bài phóng sự phỏng vấn một số người mẹ có con bị giết trong sự kiện này. Rất nhiều gia đình không biết người thân của mình mất tích như thế nào hay không dám nói do sợ bị trừng phạt.
Thế nhưng, họ không muốn trả thù, mà chỉ mong sự kiện này không bị rơi vào quên lãng. Mong sự thật và công lý về sự kiện Thiên An Môn được sáng tỏ, họ trình bày ba yêu cầu : Tiến hành một cuộc điều tra ; trả lại công lý và xét xử những người chịu trách nhiệm ; và bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Tổ chức « Các Bà mẹ Thiên An Môn » nhận dạng chính thức được 202 người. Con số thực tế có thể lên tới từ 1000 đến 3000 người.
Chỉ có chính phủ mới có danh sách cụ thể. Thế nhưng, từ năm 1989, đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh tay cấm mọi thông tin liên quan đến cuộc tàn sát mùa xuân Bắc Kinh trên các phương tiện truyền thông chính thức, mạng internet và trong sách vở, đến mức đại đa số thanh niên Trung Quốc hiện nay không biết tới sự kiện ngày 03 và 04 tháng 6. Sắp tới ngày kỷ niệm, chính quyền còn thắt chặt hơn, lo ngại rằng sự thật có thể sẽ làm lung lay chế độ.
Một bà mẹ cho biết : « Hàng năm, mỗi khi chúng tôi bước về những nghĩa trang chôn cất chồng con của mình, lực lượng cảnh sát còn đông đảo hơn người thân ».
Gần 1/3 nhân loại bị quá cân hoặc béo phì
Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố ngày 29/05 vừa qua trên tạp chí sức khỏe The Lancet.
Báo Le Monde đưa thêm chi tiết về tình hình này trong số ra ngày hôm nay.
Đại dịch này không loại trừ quốc gia nào. Nó ảnh hưởng từ các nước giầu tới các nước đang phát triển.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, không một quốc gia nào đẩy lùi được nạn này. 2/3 dân sống tại các quốc gia phát triển bị thừa cân hay béo phì. Các quốc gia đang phát triển cũng không tránh được nạn này. Hơn một nửa số người bị thừa cân hay béo phì sống tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Mêhico, Ai Cập, Pakistan và Indonesia.
Tại Tây Âu, tỷ lệ đàn ông bị béo phì là 20,5% và phụ nữ là 21%. Còn tại Pháp, trung bình khoảng 50% người bị thừa cân, trong đó khoảng 20% béo phì.
Hàng năm, bệnh béo phì là nguyên nhân dẫn tới tử vong cho 3,4 triệu người trên toàn thế giới (theo con số thống kê năm 2010). Nó gây ra rất nhiều bệnh như tiểu đường loại 2, rối loạn tim mạch, huyết áp cao và viêm xương khớp.
Bệnh này là kết quả của bất cân bằng giữa nạp và tiêu hao năng lượng và có nhiều nguyên nhân, như : chế độ ăn uống không tốt, thiếu hoạt động, áp lực… hay do các yếu tố môi trường như : ô nhiễm, một số thuốc men, virus… và cũng do yếu tố di truyền.
Tin mới
- Nhật Bản đình chỉ viện trợ phát triển cho Việt Nam - 04/06/2014 00:52
- Tướng Thanh đưa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thế việt vị tại Biển Đông - 02/06/2014 22:31
- Qatar hối lộ FIFA để giành quyền đăng cai Cúp Bóng đá Thế giới 2022 ? - 02/06/2014 20:42
- Washington thả 5 quân taliban đổi một tù binh Mỹ - 02/06/2014 20:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-06-2014 - 02/06/2014 20:11
- Biển Đông : Trung Quốc đề nghị Việt Nam không kiện lên tòa án quốc tế - 02/06/2014 19:36
- Nữ tử tù ở Sudan sinh con - 31/05/2014 18:25
- Đức Giáo Hoàng : Syria là nạn nhân của "sự vô cảm toàn cầu hóa" - 31/05/2014 15:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-05-2014 - 31/05/2014 15:17
- Chương trình Lương thực thế giới: Thiếu lương thực trầm trọng ở Yemen - 31/05/2014 06:04
Các tin khác
- Vi phạm cấm vận : Mỹ phạt ngân hàng BNP Paribas hơn 10 tỷ đô la - 30/05/2014 21:27
- Phạm Chí Dũng : Trung Quốc có tấn công Việt Nam vào thời điểm này ? - 30/05/2014 19:38
- TT Obama: Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới nhưng cần biết kiềm chế - 29/05/2014 22:40
- Khủng hoảng gia tăng tại Libya, hai chính phủ tồn tại song song - 29/05/2014 22:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-05-2014 - 29/05/2014 20:05
- Thống chế Al – Sissi đắc cử Tổng thống Ai Cập - 29/05/2014 19:37
- Vụ giàn khoan HD–981 : Hà Nội tố cáo tàu hải quân Trung Quốc chĩa súng đe dọa tàu Việt Nam - 29/05/2014 19:16
- Tòa Bạch Ốc để lộ tên của sếp CIA ở Afghanistan - 28/05/2014 21:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-05-2014 - 28/05/2014 20:51
- Biển Đông: Trung Quốc triển khai 3 tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân - 28/05/2014 19:39