Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ô nhiễm không khí : Trung Quốc trả giá đắt


CHINA-POLLUTION-HEBEI
Tại nhiều thành phố Trung Quốc, các nhà máy gây ô nhiễm cao độ gây phẫn nộ cho người dân.
REUTERS/Kim Kyung-Hoon


Bảy triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí. Đây cũng là nguyên nhân cướp đi nửa triệu mạng sống và từ 100 đến 300 tỉ đô la của Trung Quốc hàng năm.
Ô nhiễm môi trường ngày càng đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê vừa công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất.

Châu Âu bị thiệt hại hơn 100 tỉ euro một năm do tác động của nạn ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên.

Châu Á : 5,9 triệu nạn nhân

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà máy khổng lồ, hệ thống sưởi và lượng xe máy ngày càng đông là nguyên nhân gây ô nhiễm và qua đó tấn công vào hệ hô hấp.

Trên tổng số 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vì ô nhiễm không khí trong cả năm 2012, có gần 6 triệu nạn nhân Á châu, qua đời vì các chứng bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh về đường hô hấp, xuyễn …

Trung Quốc, công xưởng của thế giới là nơi bị nặng nhất : 70 % điện lực Trung Quốc được sản xuất từ than đá. 1000 nhà máy điện của quốc gia này tiêu thụ đến 50 % tổng sản lượng than được của toàn cầu hàng năm. Thêm vào đó cứ hai giây đồng hồ, trên đất nước Trung Hoa lại có thêm một chiếc xe hơi được phép lưu hành.

Trong 7 năm từ 2005 tới 2011, khối lượng xe hơi tại Trung Quốc đã được nhân lên gấp ba. Theo chuẩn mực quốc tế, mức độ ô nhiễm tối đa có thể chấp nhận được là 25 microgram hạt bụi siêu nhỏ/ m3 thì chỉ số này tại thành phố Bắc Kinh lại thường xuyên ở từ 500 cho đến 1000 microgram.

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh đi sâu hơn vào chi tiết về cái giá mà Trung Quốc phải trả :

« Theo lời một cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc hàng năm có tới 500.000 người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí. Nạn ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguồn gốc gây ra nhiều bệnh đường hô hấp trong ngắn và dài hạn.

Cụ thể hơn, các chuyên gia lo ngại tới năm 2025, tại Trung Quốc sẽ có tới gần 1 triệu người bị ung thư phổi.

Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới, năm 2011 để khắc phục hậu quả do nạn ô nhiễm không khí gây nên, Trung Quốc đã phải chi ra một khoản tiền tương đương với hơn 3,5 % GDP.

Tiến trình phát triển đô thị và tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua đã tàn phá môi trường và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này.

Chống ô nhiễm mô trường hiện là ưu tiên hàng đầu của thủ đô Bắc Kinh.

Năm ngoái, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố đã hứa chi ra hơn 15 tỉ nhân dân tệ, tức là hơn 2 tỉ đô la để khắc phục hậu quả.

Ngoài Bắc Kinh, Quảng Đông, Thượng Hải, Hàng Châu, những thành phố với hơn 9 triệu dân cư của Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với nạn ô nhiễm. Tại đây chính quyền đã giới hạn việc cấp giấy phép cho tư nhân mua xe hơi.

Cốt lõi của vấn đề ô nhiễm không khí của Trung Quốc chủ yếu do quốc gia này sử dụng đến 70 % than đá để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ và sản xuất.

Bắc Kinh đang đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ phụ thuộc vào than đá từ 70 % xuống còn 65 % trong 5 năm sắp tới ».

Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới được công bố vào năm 2011 vấn đề ô nhiễm không khí tại Trung Quốc không chỉ thuần túy liên quan tới ngành y tế mà còn là một thách thức kinh tế đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.

Nghiên cứu của đại học MIT Hoa Kỳ « Health Damages from Air Pollution in China » được công bố trên tạp chí Global Environmental Change năm 2011 đưa ra những kết luận như sau : vào năm 2005, tình trạng ô nhiệm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc gây thiệt hại 112 tỉ đô la cho nước này.

Khoản thất thu đó cao hơn gấp 5 lần so với thời đểm của năm 1975.

Về phần Viện nghiên cứu môi trường của Trung Quốc tại Bắc Kinh đưa ra con số 220 tỉ đô la thiệt hại cho năm 2009. Chỉ riêng trong năm 2011 tại Trung Quốc đã xảy ra 542 tai nạn nghiêm trọng đối với môi trường gây nhiều thiệt hại về phương diện kinh tế cũng như đối với sức khỏe con người.

Khi nói tới khoản thiệt hại từ 100 đến 300 tỉ đô la, Viện nghiên cứu Môi trường Trung Quốc bao gồm những tốn kém để điều trị các chứng bệnh về đường hô hấp và tim mạch, những khoản thất thu vì nhân công phải nghỉ việc và nhất là do môi trường bị xuống cấp.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 toàn cầu và được mệnh danh là công xưởng của thế giới, nhưng cái giả phải trả là Trung Quốc đã đạt luôn danh hiệu vô địch về ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu y tế Mỹ Health Effect Institut, năm 2010 đã có khoảng 1,2 triệu nguời dân Trung Quốc chết sớm vì hít thở khí bẩn và bụi bặm ô nhiễm không khí. Thống kê này như vậy cao hơn so với dự báo của Ngân Hàng Thế Giới.

Ngoài ra chất lượng về không khí tại 90 % các thành phố của Trung Quốc đều bị coi là ở mức « không trong lành ». Môi truờng của Trung Quốc bị xuống cấp là yếu tố cướp đi từ 3 đến 5 % tổng sản phẩm nội địa của nước này hàng năm.

Tuy nhiên cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc lẫn quốc tế đều ghi nhận, trên thực tế mức thiệt hại còn cao hơn nhiều so với các con số được nêu trên. Do nhiều tỉnh thành không cung cấp các con số một cách trung thực.

Bắc Kinh bắt tay vào việc

Vào đầu tháng 3/2014, dân cư Bắc Kinh đã một lần nữa sống trong khói mù và được kêu gọi giới hạn đi lại trên đường phố.

Hình ảnh những tòa nhà cao ốc ở thủ đô Trung Quốc chìm trong sương mù bụi bặm làm mọi người nhớ lại vào tháng 1/2013 Bắc Kinh đã trải qua cảnh này trong 10 tuần lễ liên tiếp và tỉ lệ bụi siêu nhỏ trong 1 mét khối không khí có lúc đã lên tới 993 microgram thay vì 25 như quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Có một khác biệt cần được lưu ý là từ một năm qua, chính quyền Trung Quốc đã « công khai hóa » vấn đề : thường xuyên cho công bố chỉ số về chất lượng không khí tại hơn 190 thành phố.

Trong khi đó mới chỉ năm 2012 đây hãy còn là một đề tài « cấm kỵ » : khi đó Trung Quốc đã « mạnh mẽ » chỉ trích Tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đã cảnh cáo về nguy cơ ô nhiễm môi trường và không khí tại thành phố với hơn 20 triệu dân này.

Cũng từ năm ngoái, ô nhiễm không khí trở thành ưu tư đứng hàng thứ 4 trong số những mối đau đầu của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Các nhà cầm quyền Trung Quốc đã nêu đích danh hai thủ phạm : xe hơi và than đá. Tháng 9/2013 Trung Quốc đã thông qua một « kế hoạch 5 năm » để làm sạch môi trường với những mục tiêu cụ thể như là giảm 25 % lượng bụi siêu nhỏ tại ba thành phố lớn là Bắc Kinh, Hà Bắc, Thiên Tân trước năm 2025; giảm 20 % lượng này tại thành phố Thượng Hải và 15 % ở Quảng Đông, Hồng Kông.

Bên cạnh đó thành phố Bắc Kinh đã mạnh dạn cấm xây thêm các nhà máy điện sử dụng than trong phạm vi thủ đô và ngoài thành ; đóng cửa gần 300 nhà máy không đáp ứng chuẩn mực an toàn vệ sinh, gây ô nhiễm cho thành phố ; chính quyền ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kinh cũng đã giúp cho khoảng 44.000 hộ gia đình trang bị lò sưởi điện để thay thế cho các lò sưởi chạy bằng than.

Trong mắt các nhà bảo vệ môi trường những nỗ lực được thông báo trên đây của thành phố Bắc Kinh chỉ là một giọt nước trong đại dương nhưng đấy cũng là những bước đầu đáng khích lệ.

Vấn đề chính của Trung Quốc vẫn là mô hình hành chính bất cập giữa một bên là trung ương và bên kia cấp địa phương.

Một đại diện của tổ chức Greenpeace tại Bắc Kinh đánh giá : chính sách môi trường của Trung Quốc sẽ không thể có hiệu quả nếu như các quan chức địa phương vẫn nhắm mắt để cho các nhà máy thải nhiều khí carbon.

Và trước mắt không có gì bảo đảm là một chính quyền ở làng, cấp huyện hay thành phố thi hành nghiêm túc các chỉ thị của trung ương.

Bên cạnh việc các nhà sản xuất dùng tiền mua chuộc các quan chức thì phải hiểu rằng, không một thành phố nào, không một tỉnh nào muốn trông thấy các hoạt động kinh tế trong vùng bị chựng lại. Một nhà nghiên cứu mỉa mai : « Trung Quốc còn lâu lắm mới hết bị cái bệnh ‘thành tích’ ám ảnh.

Mặt khác thử hỏi trong tình huống kinh tế khó khăn hiện tại ai là người dám lấy trách nhiệm bắt các công ty, nhà máy đóng cửa để bảo đảm về chất lượng không khí được trong lành » ?

Giáo sư kinh tế Trần Ngọc Vũ giảng dậy tại đại học Bắc Kinh và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về ô nhiễm không khí lưu ý : trong nhiều năm qua, từng bước Trung Quốc đã đẩy các nhà máy gây ô nhiễm nhiều nhất về các thành phố khác, như là Hà Bắc chẳng hạn nhưng đó không phải là một giải pháp thích hợp bởi vì bụi bẩn trong khí quyển không bao giờ dừng lại ở biên giới giữa các thành phố, vùng miền.

Một nghiên cứu do hai viện đại học của Trung Quốc và Mỹ cùng thực hiện được đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ trích dẫn vào cuối tháng 1/2014 đã chứng minh được rằng bụi siêu nhỏ của Trung Quốc bay qua được cả Thái Bình Dương và có khoảng từ 12 đến 24 % chất hạt siêu nhỏ của hóa chất sunfat trên tiểu bang California là « sản phẩm » nhập từ Trung Quốc !


Switch mode views: