Quan hệ Trung-Miến : Bắc Kinh dùng Suu Kyi để dằn mặt Thein Sein
- Thứ Năm, 11 tháng Sáu năm 2015 15:55
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi chụp hình chung trong buổi gặp mặt tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 11/06/ 2015.
REUTERS/China Daily
Một điều khó tin nhưng có thực đang diễn ra tại Trung Quốc : lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đang được Trung Quốc trải thảm đỏ nghênh tiếp.
Đây quả là một nghịch lý vì Đảng Cộng sản Trung Quốc chào đón một biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ, trong lúc mà họ đang ra sức dập tắt bất kỳ nguyện vọng tương tự bên trong lãnh thổ của mình.
Đối với giới phân tích, đằng sau sự kiện này, chính là ý đồ của Bắc Kinh, muốn dùng bà Aung San Suu Kyi để « dằn mặt » chính quyền Miến Điện hiện tại đang có dấu hiệu thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong một bài phân tích công bố hôm qua, 10/06/2015, nhân ngày công du Trung Quốc đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, một chuyến thăm kéo dài 5 ngày, hãng tin Mỹ AP đã cho rằng việc Bắc Kinh nghênh tiếp lãnh tụ đối lập phản ánh quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với chính quyền dân sự đang cầm quyền tại Miến Điện.
Sự kiện này đồng thời là một bước mới trong chiến lược của Bắc Kinh muốn ngăn chặn không cho Washington mở rộng ảnh hưởng tại vùng Đông Nam Á.
Phải nói là dưới thời tập đoàn quân sự trước đây, Miến Điện hầu như chỉ có Trung Quốc là chỗ dựa về mặt ngoại giao cho nên đã giành cho Bắc Kinh mọi ưu đãi về mặt kinh tế, thương mại.
Miến Điện dần dần trở thành một láng giềng có một tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, vừa là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho nền kinh tế Trung Quốc, từ khoáng sản cho đến gỗ hay dầu mỏ, vừa là cửa ngõ giúp Trung Quốc mở đường ra Ấn Độ Dương.
Đề án mang tính chiến lược chẳng hạn, chính là đường ống dẫn dầu khí xuyên ngang Miến Điện để cung cấp cho miền Vân Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khi tập đoàn quân sự nhường chỗ cho một chính quyền dân sự tại Miến Điện, tình hình đã có thay đổi, với những cải cách dân chủ được Tổng thống Thein Sein thận trọng tiến hành.
Trong quan hệ đối ngoại, tân chính quyền Miến Điện không che giấu ý định giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Chính quyền của ông Thein Sein đã không ngần ngại đình chỉ hai dự án của Trung Quốc bị dân Miến Điện phản đối. Đó là công trình xây đập thủy điện Myitsone và một công trình khai thác mỏ đồng.
Ngoài các hồ sơ kinh tế, mới nổi cộm gần đây là vấn đề biên giới, với việc quân đội Miến Điện tấn công vào lực lượng nổi dậy Kokang ở vùng giáp giới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Đây là một hồ sơ phức tạp vì lẽ phiến quân Kokang có gốc tích là dân tộc Hán, và trước năm 1897, vùng của người Kokang thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Sự cố đã nẩy sinh với việc 5 người Trung Quốc thiệt mạng vì trúng bom của quân đội Miến Điện.
Để phản ứng, Bắc Kinh đã cho tập trận bắn đạn thật gần vùng biên giới.
Chính trong bối cảnh như kể trên mà Trung Quốc quyết định dùng đến « lá bài » Aung San Suu Kyi.
Theo hãng AP, đánh giá của Bắc Kinh là đảng đối lập hiện nay của bà có thể thắng nhân cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và cho dù không được làm Tổng thống, bà vẫn có một vai trò quan trọng trên chính trường Miến Điện.
Một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã xác định với hãng AP rằng : « Tôi nghĩ rằng khi mời bà Suu Kyi, Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới chính phủ Miến Điện », để nhắc nhở rằng họ muốn có quan hệ thân thiện hơn và một giải pháp cho vấn đề biên giới.
Đối với chuyên gia này, Trung Quốc hy vọng là bà Aung San Suu Kyi có thể góp phần vào việc cải thiện trở lại bang giao Miến Trung.
Trong thời gian gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã có những đánh giá rất thân thiện về Trung Quốc, xem Bắc Kinh là một láng giềng quan trọng và một nguồn đầu tư to lớn giúp Miến Điện.
Bên cạnh đó, khi nghênh tiếp lãnh đạo của phe đối lập, rõ ràng là chính quyền Trung Quốc muốn biểu lộ thái độ bực bội, mất kiên nhẫn của mình đối với chính quyền Miến Điện.
Tin mới
- Biển Đông : Vì sao Trung Quốc dịu giọng ? - 23/06/2015 15:03
- Đối mặt với làn sóng di dân, Liên Hiệp Châu Âu ngăn đường chận biển - 22/06/2015 18:46
- Hồng Kông : Trung Quốc dùng « quần chúng » để chống phe Dân chủ - 20/06/2015 15:45
- Châu Âu đau đầu vì thanh niên tham gia thánh chiến - 18/06/2015 14:57
- Đọc Báo Mỹ - 17/06/2015 16:06
- Biển Đông sẽ lại khuấy động hợp tác Việt-Trung - 16/06/2015 22:15
- Giải trừ hạt nhân nhưng canh tân vũ khí - 15/06/2015 18:16
- Du lịch Trường Sa : Sáng kiến thận trọng nhưng hàm chứa rủi ro - 15/06/2015 16:12
- Bỏ tù Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình thêm thù bớt bạn - 12/06/2015 16:08
- Bà Hillary Gặp Nạn - 11/06/2015 22:43
Các tin khác
- Nga : Tương lai đen tối của các tổ chức phi chính phủ - 06/06/2015 17:08
- Việt Nam kín đáo hiện đại hóa không lực để bớt lệ thuộc Nga - 06/06/2015 02:42
- Tranh chấp Biển Đông sẽ làm bùng nổ Thế chiến Thứ ba? - 05/06/2015 00:51
- FIFA: Đã đến lúc phải cải tổ cơ chế - 04/06/2015 17:59
- Kẻ mê tiền, người ham quyền, hình ảnh FIFA tan vỡ - 31/05/2015 23:53
- Khủng hoảng thuyền nhân, khủng hoảng ASEAN ? - 31/05/2015 23:06
- Hình ảnh Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA tan vỡ - 30/05/2015 14:35
- Quốc tế thất vọng về Aung San Suu Kyi trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya - 29/05/2015 18:40
- Smartphone và Facebook: Những cách dùng sai lệch của thiếu niên - 27/05/2015 16:35
- Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh - 27/05/2015 16:16