Tình thu tiền chiến
- Thứ Bảy, 08 tháng Mười năm 2016 17:33
- Tác Giả: Hoài Dịu
Thu Hà Nội, nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ nhạc sĩ.flickr.com
Tháng Chín về, đất trời khẽ cựa mình. Đâu đó, từng cơn gió thoảng se lạnh, ẩm ướt. Những chiếc lá dần phai, lặng lẽ rơi. Thu sang.
Có chăng cái tiết trời lãng đãng, lả lơi ấy đã làm say lòng biết bao tâm hồn kẻ sĩ. Trong âm nhạc, nhất là dòng nhạc Tiền Chiến Việt Nam, tình yêu mùa thu của những chàng du ca chưa bao giờ đắm say và đong đầy đến vậy.
Mỗi ca khúc chở mang một mảnh tình riêng, được vẽ lên bằng vô vàn gam màu cảm xúc.
Thu Vàng của Cung Tiến, Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh hay Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong là những bức tranh thu như vậy.
Thu Vàng, Cung Tiến
Nghe nói rằng, giai điệu Thu Vàng được Cung Tiến sáng tác năm nhạc sĩ chỉ 15 tuổi. Chàng trai ở độ tuổi mộng mơ thuở ấy, không thể nào khỏi xốn xang khi thấy thiên nhiên chợt khoác lên mình màu áo «tơ vàng» vấn vương.
Không bâng khuâng sao được khi nghe hương thu đang về. Ngắm nhìn từng chiếc lá lìa cành, tâm hồn nhạy cảm của chàng nghệ sĩ bỗng thổn thức nỗi buồn xa xăm.
Giai điệu Thu Vàng được viết trên nền nhịp phân ba, cấu trúc vuông vắn, gợi về miền ký ức rộn rã ngày nào.
Đối với Cung Tiến, mùa thu không quá sầu não. Vì thế, Thu Vàng mang không khí của điệu trưởng trong sáng, hồn nhiên.
«Ðó là những bước chân tung tăng đuổi theo không chỉ những chiếc lá vàng rơi mà, còn đuổi theo cả một mùa thu thơ dại trên đường phố».
Thu Quyến Rũ, Đoàn Chuẩn - Từ Linh
Trong số những nghệ sĩ, giai đoạn âm nhạc trữ tình, lãng mạn Việt Nam, có lẽ Đoàn Chuẩn - Từ Linh là người si tình nhất.
Được mệnh danh là người tình của mùa thu, trong khoảng 10 tình khúc của ông, có tới 9 bài hát về mùa thu.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng nói: “Giời đất cho ta đủ cả bốn mùa, nhưng hình như chỉ có mùa thu là mùa của tình yêu, vì mùa hè thì oi bức, ồn ào quá; còn mùa đông lại giá lạnh, cô quạnh quá; mùa xuân thì vạn vật còn mải “rong chơi”…”
Đối với ông, hương thu gợi nhớ mùa tình ái, mùa uyên ương hẹn hò để rồi đợi mong, để rồi chia xa.
Vì thế trong Thu Quyến Rũ, ông có viết «Mây bay về đây, cưới trời. Mưa rơi làm rung lá vàng».
Vậy nên có những phiên bản ca sĩ đổi thành «cuối trời» hay «cuốn trời», đã vô tình làm nhạt nhòa cái tứ của câu hát.
Cũng như Thu Vàng của Cung Tiến, Thu Quyến Rũ mang nỗi buồn mênh mông, xao xác khi tiết trời heo may ùa về.
Một cách tự nhiên, điệu slow được nhạc sĩ đưa vào như thể đưa tiễn và tiếc nuối cho những chiếc «lá vàng từng cánh rơi từng cánh».
Có ý kiến cho rằng, Thu Quyến Rũ phải được nghe bằng giọng nam thì mới hay. Nhất là chất giọng ấm, mượt mà nhung lụa của Tuấn Ngọc thì lại càng «đắt».
Vì giai điệu phảng phất hương vị Blues ấy thay lời tán tỉnh vốn rất buông lơi của người con trai si tình, gửi theo mây gió, đến bóng hình « áo xanh» trong mơ của mình.
Giọt Mưa Thu, Đặng Thế Phong
Khác với cái buồn phảng phất, lãng đãng như mơ của Thu Quyến Rũ, cùng mang nỗi buồn ảo não, tái tê như trong Buồn Tàn Thu của Văn Cao, Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong là khúc niệm cuối cùng được nhạc sĩ viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh.
Gam màu thu ở đây đã chuyển dần sang xám lạnh, gửi gắm nỗi lòng cô đơn, sầu thảm vì biệt ly, vì cô quạnh. Cũng chính lẽ đó, bản nhạc ban đầu mang tên Vạn Cổ Sầu, sau theo ý một vài người bạn, Đặng Thế Phong đặt lại thành Giọt Mưa Thu để bớt não nề hơn.
Về âm nhạc, theo nhạc sĩ Phạm Duy «Trong bài Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu ngoài đời và trong đời mình.
Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền.
Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Giọt mưa thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm vói lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng».
Từ bao giờ, Giọt Mưa Thu mãi luôn là ca khúc vượt thời gian, và Đặng Thế Phong là nhạc sĩ tiên phong trong dòng «nhạc thu» của nền Tân nhạc Việt Nam.
Tác phẩm đã từng là nguồn gợi hứng dạt dào cho nhiều thế hệ nhạc sĩ về sau như ca khúc «Buồn Tàn Thu» của Văn Cao hay «Ướt Mi» của Trịnh Công Sơn.
Thu đi, thu trở lại, có chăng bởi vũ trụ chuyển xoay, vạn vật vô thường. Xúc cảm cũng thế.
Nhưng mỗi độ thu sang, nó luôn cho con người ta « cái cơ hội lãng mạn, có chút buồn nhưng luôn đẹp»( Trịnh Cung). Vậy nên, bất cứ ai trên trái đất này đều có một mối «tình thu» của riêng mình.