Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Căng thẳng ngoại giao Mỹ-Ấn tiếp diễn dù lãnh sự Ấn đã được hồi hương

Devyani Khobragade

Phó lãnh sự Ấn Độ Devyani Khobragade, ảnh chụp tại New York, ngày 8/12/ 2013.
Reuters


Theo hãng thông tấn Press Trust of India, hôm nay 10/01/2014 Ấn Độ lên tiếng đòi hỏi Hoa Kỳ phải rút đi một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ ở New Delhi.

Đây là một bước mới trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Ấn, sau khi phó lãnh sự Ấn Độ từng bị câu lưu tại New York đã về nước hôm nay.

New Delhi yêu cầu Washington phải rút về nước một nhà ngoại giao « ngang cấp » với bà Devyani Khobragade, phó lãnh sự Ấn Độ tại New York, bị bắt hôm 12/12 và bị câu lưu 48 giờ.

 Tư pháp Mỹ cáo buộc bà đã bóc lột một phụ nữ giúp việc người Ân tên là Sangeeta Richards, cũng như đã khai dối và làm giấy tờ giả để người giúp việc này xin được visa có quyền làm việc.

Việc bà Khobragade bị bắt lúc đưa hai con đến trường, bị khám người thô bạo đã gây phẫn nộ cho chính quyền Ấn Độ, vì cho rằng bà được quyền miễn trừ ngoại giao.

Tư pháp Mỹ không chấp nhận điều này, và New Delhi đã đề nghị Washington cấp cho bà visa G1 dành cho các nhà ngoại giao hoạt động tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, bà Khobragade đã được cấp visa G1 và được đưa về nước. Còn Reuters nói rằng Hoa Kỳ cho biết sẽ không cấp visa cho bà trong tương lai, và còn có nguy cơ bị bắt nếu quay lại Mỹ.

Từ nhiều tuần qua, vụ này đã gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước.
Ân Độ đã cho dỡ hàng rào an ninh trước đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, đòi xuất trình hợp đồng lao động của những người giúp việc cho các nhà ngoại giao Mỹ, phong tỏa các loại rượu được đại sứ quán Mỹ nhập về.

Tất cả các cuộc viếng thăm của các chính khách Mỹ đều bị phía Ấn Độ hủy bỏ.

AFP nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Bà Khobragade được người trong nước coi là nạn nhân bị cảnh sát Mỹ đối xử thô bạo, đối với Ân Độ là một sự sỉ nhục.

Có rất ít người giúp việc tại Ân Độ có được hợp đồng lao động, và thường bị bạc đãi.

Ngược lại, người Mỹ không thể chấp nhận việc bóc lột người giúp việc, và việc khai gian lương bổng để đem người này sang Mỹ.

 Phó lãnh sự Ấn bị cáo buộc khi xin visa cho người làm công đã khai trả lương tháng 4.500 đô la, trong khi thực tế chỉ trả 30.000 rupi (573 đô la), rất thấp so với lương tối thiểu hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Người giúp việc này còn phải làm việc trên 100 giờ/ tuần và không có ngày nghỉ, nên đã bỏ trốn vào tháng 6/2013.


Switch mode views: