Sau Brexit, Biển Đông vẫn là ưu tiên của Anh Quốc
- Thứ Hai, 21 tháng Giêng năm 2019 17:50
- Tác Giả: Thanh Hà
Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Anh và Úc trong cuộc họp báo tại Sydney, Úc ngày 27/07/2017
PETER PARKS / AFP
Mất điểm tựa là châu Âu, Anh Quốc lại càng phải thiết tha hơn với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với vùng Biển Đông, nơi "12 % tổng kim ngạch mậu dịch" của vương quốc Anh phải đi qua.
Trên đây là nhận định được chuyên gia Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, đăng trên tạp chí The Diplomat trong ấn bản ngày 17/01/2019.
Vào lúc nguy cơ không đạt được thỏa thuận ly dị với Liên Hiệp Châu Âu càng lúc càng cận kề, nguy cơ Anh Quốc mất hết những lợi thế kinh tế, thương mại và có thể là cả về mặt chiến lược với các đồng minh cũ ngày càng lớn, thiệt hại đối với nền kinh tế xứ này chưa biết đâu mà lường, thì câu hỏi đặt ra là trong giai đoạn hậu Brexit, liệu rằng nước Anh có còn đủ sức củng cố vai trò tại vùng Viễn Đông như điều đã thấy từ hơn hai năm qua hay không ?
Trong bài viết, giáo sư Thayer điểm lại chiến lược Viễn Đông của Luân Đôn từ năm 2016, sau khi đa số người dân Anh đòi từ giã mái nhà chung châu Âu.
Năm 2016 thủ tướng Theresa May và ngoại trưởng Boris Johnson bắt đầu phác họa ra chính sách Global Britain, với tầm nhìn toàn cầu, đặc biệt là tăng cường vai trò của vương quốc Anh ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, một cụm từ từng được chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump sử dụng.
Chiến lược này chú trọng vào hai vế : kinh tế và quốc phòng.
Theo giới chuyên gia, Luân Đôn đặc biệt muốn "thành lập một liên minh với Hải Quân tại các nền dân chủ trong khu vực như Úc, New Zealand, Nhật Bản Hàn Quốc và Singapore".
Một năm sau đó, cũng ngoại trưởng Johnson trong một chuyến công du Úc thông báo kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và chiếc HMS Prince of Wales đến Biển Đông vào năm 2020 nhân danh quyền tự do lưu thông trên biển và trên không.
Vào những ngày cuối của năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Gavin Williamson, tiết lộ kế hoạch mở căn cứ quân sự trong vùng Viễn Đông trong vòng "hai năm sắp tới" và rất có thể Luân Đôn sẽ chọn Singapore hoặc Brunei làm địa bàn.
Trong mắt chuyên gia Học Viện Quốc Phòng Úc Carl Thayer, đây là một dấu hiệu mới cho thấy trong vế an ninh, Luân Đôn "trong thời gian gần đây, ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Đông Nam Á".
Vẫn theo ông Thayer, Anh Quốc cũng đã tìm cách hâm nóng lại thỏa thuận mang tên "Five Power Defence Arrangements" (FPDA) từng ký kết với 5 thành viên trong vùng hồi năm 1971.
Năm quốc gia đó gồm Anh Quốc, Úc, Malaysia, New Zealand, và Singapore. Các nước này đều là thành viên Khối Thịnh Vượng Chung.
Nhưng trước 1001 thách thức đang đặt ra trước ngày chia tay Liên Hiệp Châu Âu, liệu rằng Anh Quốc có đủ sức để tiếp tục theo đuổi chiến lược đông tiến nữa hay không ?
Chuyên gia Úc Carl Thayer nêu ra ba lý do giải thích rằng, chẳng những Luân Đôn phải tiếp tục chiến lược đó mà còn phải "nỗ lực hơn nữa" trong chính sách về Viễn Đông.
Thứ nhất là về mặt an ninh, do không còn bị ràng buộc vì chính sách chung của châu Âu, Anh Quốc sau này sẽ dễ dàng tham gia, và đóng góp duy trì ổn định, an ninh cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Không nên quên là khoảng 12 % tổng trao đổi mậu dịch của nước Anh được vận chuyển qua Biển Đông.
Lý do thứ hai là các nước trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương sẽ trở thành một điểm tựa kinh tế và thương mại của nước Anh trong thời kỳ hậu Brexit.
Chuyên gia Carl Thayer cho rằng Luân Đôn cần nhanh chóng đàm phán về một hiệp định tự do thương mại với từ Úc đến Việt Nam ... và nhất là cần tham gia CPTPP – Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương.
Cuối cùng, chuyên gia Học Viện Quốc Phòng Úc nhắc lại rằng, Hải Quân vương quốc Anh là một trong những lực lượng tinh nhuệ và lợi hại nhất thế giới. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để nước Anh trở thành một đối tác có uy tín với các đối tác trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, Anh là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ sáu trên thế giới. Cách nay hai năm, Luân Đôn đã ký một hợp đồng quân sự với Indonesia trị giá hơn 11 tỷ đô la.
Năm ngoái, đến lượt Canberra đặt mua 26 tỷ đô la trang thiết bị quân sự của Anh cho Hải Quân Úc.
Khó có thể tin rằng, trước ngần ấy những lợi thế, Luân Đôn vì một lý do này hay một lý do khác, sẽ kém vồn vã hơn với các đối tác châu Á trong thời hậu Brexit.
Tin mới
- Chiến đấu cơ Trung Quốc lại bay sát Đài Loan - 23/01/2019 16:55
- Chủ tịch Huawei cảnh báo sẽ thôi luôn 'đối tác toàn cầu' - 23/01/2019 04:01
- Lợi thế của Việt Nam để đón thượng đỉnh Kim-Trump ? - 23/01/2019 03:18
- Quần đảo Kuril : Trọng tâm cuộc gặp Abe-Putin tại Matxcơva - 23/01/2019 02:31
- Các nhà cựu ngoại giao kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho 2 công dân Canada - 23/01/2019 01:01
- Pháp - Đức ký hiệp định tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị - 23/01/2019 00:32
- Thế giới bất trắc, Paris-Berlin cần nhau hơn bao giờ hết - 22/01/2019 21:09
- Paris phản đối phó thủ tướng Ý cáo buộc Pháp "làm nghèo châu Phi" - 22/01/2019 20:26
- Hoa Kỳ: "Shutdown" bước sang tháng thứ hai - 22/01/2019 17:18
- Liên Hiệp Quốc kiểm điểm định kỳ về nhân quyền Việt Nam - 22/01/2019 17:02
Các tin khác
- Philippines : Trưng cầu dân ý về vùng tự trị ở miền nam Hồi Giáo - 21/01/2019 17:12
- Brexit : Thủ tướng Theresa May trình nghị viện phương án B - 21/01/2019 17:02
- Nga : Biểu tình chống trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản - 21/01/2019 16:47
- Giuliani : Thương lượng về tháp Trump ở Matxcơva tiếp diễn sau 06/2016 - 21/01/2019 16:38
- Nếu thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam: Thành phố nào sẽ được chọn ? - 21/01/2019 15:34
- Colombia : Lực lượng du kích mác-xít nhận là thủ phạm vụ xe gài bom - 21/01/2019 15:22
- Mỹ: Donald Trump đánh đổi số phận người nhập cư với bức tường - 20/01/2019 23:37
- Asian Cup 2019: Việt Nam qua vòng bảng nhờ nỗ lực và may mắn - 20/01/2019 22:49
- Thảm họa ống dẫn dầu phát nổ ở Mêhicô: Ít nhất 73 người chết - 20/01/2019 19:11
- Pháp: Áo Vàng vẫn xuống đường nhưng trật tự hơn - 20/01/2019 15:10