Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tại Mỹ, hệ thống phòng chống khủng bố bị chỉ trích gay gắt

USA Tamerlan Tsarnaev


Tamerlan Tsarnaev (đội nón kết đen) và em là Djokhar (nón trắng) trong ngày tiến hành khủng bố 18/04/2013.
REUTERS


Cuộc điều tra vụ nổ bom tại Boston cho thấy mạng lưới truy lùng, phòng chống khủng bố tại Hoa Kỳ hoạt động kém, không có hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, hệ thống này tổ chức chồng chéo, các cơ quan không phối hợp chặt, thậm chí còn cạnh tranh với nhau.

Khi Tamerlan Tsarnaev - một trong hai nghi phạm đã thiệt mạng khi bị cảnh sát truy đuổi - từ Mỹ sang Nga vào năm 2012, Cơ quan an ninh quốc nội Hoa Kỳ (DHS) đã phát hiện ra chuyến đi này, thế nhưng Cục điều trang liên bang FBI lại không hề biết.

Mặc dù an ninh Nga đã thông báo và theo yêu cầu của CIA, tên của Tamerlan được ghi vào danh sách cần theo dõi những kẻ có nguy cơ trở thành khủng bố, nhưng, không một cơ quan an ninh, tình báo nào của Mỹ để ý đến việc kẻ này quay lại Hoa Kỳ.

Ông Christian Beckner, phó giám đốc Viện Chính sách an ninh quốc gia tại đại học George Washington, giải thích vụ việc này với AFP :

Hệ thống theo dõi không hoạt động vì tên của đương sự viết khác. Người ta đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện ra một vụ khủng bố chỉ vì hệ thống quá phức tạp.

Trong khi đó, ông Michael German, cựu nhân viên FBI, hiện là chuyên gia chống khủng bố thuộc Hiệp hội bảo vệ các quyền tự do dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cho biết :
 « Vấn đề là không phải chỉ có một mà có nhiều danh sách » và các danh sách này lại có rất nhiều người vô tội với các thông tin sai lạc đến mức bản thân các cơ quan chức năng cũng không tin tưởng vào đó nữa.

Vẫn theo chuyên gia này, danh sách chính của Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NTC), có tới nửa triệu người.

 Ông nói : « Tôi cho rằng không một ai nghĩ một cách nghiêm túc là có tới nửa triệu kẻ khủng bố ».

Sự chồng chéo còn thể hiện qua việc FBI, DHS, hải quan Mỹ, mỗi cơ quan có danh sách riêng, thậm chí còn có danh sách cấm bay (No Fly List).

Chỉ cần một chút nghi ngờ, tên của đương sự sẽ nằm trong danh sách.

 Chuyên gia German mỉa mai, « nếu tên của bạn giống tên một kẻ khủng bố thật, thì chính phủ Mỹ lại quan tâm đến bạn thay vì để ý đến các mối đe dọa thực sự ».

Đó là chưa kể trường hợp những người có bí danh, tên tục, trùng nhân diện, tên viết giống nhau … tất cả những yếu tố này làm cho việc theo dõi trở nên rối bời, dẫn đến những đánh giá sai lầm.

Ông Jeffrey Addicott, giám đốc trung tâm pháp luật và chống khủng bố của St Mary’s University ở Texas chỉ trích, bất chấp những nỗ lực đồng nhất hệ thống theo dõi, chống khủng bố, sau biến cố 11/09 « vấn đề chính là thiếu phối hợp ».

 Các cơ quan an ninh, tình báo cạnh tranh với nhau để có được thông tin đầu tiên, để được khen ngợi là đã phát hiện, ngăn chặn được một âm mưu khủng bố nào đó.

Ông nhắc lại trường hợp Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria, trong vụ khủng bố không thành trên một chuyến bay vào dịp Giáng sinh 2009 : Người cha đã báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ biết con trai của ông có thể là một kẻ khủng bố, nhưng thông tin này không được chuyển cho các cơ quan chức năng khác.

 Kẻ này đã giấu thuốc nổ trong quần lót và lên được máy bay, nhưng không thực hiện được vụ khủng bố tự sát vì bị các hành khách trên chuyến bay Amsterdam-Detroit kịp thời phát hiện và vô hiệu hóa.

Một yếu tố khác khiến cho hoạt động phòng chống khủng bố không hiệu quả :
Mỗi cơ quan an ninh, tình báo đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá khác nhau để theo dõi một đối tượng. Đó là những tiêu chuẩn không rõ ràng, « chủ quan », bên này thì nhận định là có nguy cơ khủng bố, bên kia lại bảo không.

Năm 2010, báo cáo của cơ quan thanh tra Mỹ nhấn mạnh là trong danh sách những nhân vật khủng bố của FBI có cả tên của các nhà hoạt động, tranh đấu chính trị, những người không hề gây ra một mối đe dọa nào về an ninh đối với nước Mỹ.

Danh sách lại không được cập nhật, có những tên người được ghi không đúng lúc, trong khi đó, có những người, sau khi thẩm tra không có vấn đề gì, vẫn không được rút tên ra khỏi danh sách.

Theo giới chuyên gia, để có thể theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ khủng bố, truy lùng thủ phạm, phải chăng Hoa Kỳ nên có một hệ thống duy nhất, tập hợp các thông tin, nhân diện, làm chứng minh thư, giống như Pháp.


Switch mode views: