Việt Nam cố giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt
- Thứ Hai, 01 tháng Mười năm 2018 20:15
- Tác Giả: Thanh Phương
Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày 18/08/2014. Tiền mặt sẽ dần dần đươc thay thế bằng các phương tiện thanh toán khác ở Việt Nam.Reuters
Trong suốt nhiều thập niên qua, tại toàn bộ các nước châu Á, việc mua bán phần lớn thường vẫn là bằng tiền mặt.
Phương tiện thanh toán thay thế là thẻ tín dụng thì chỉ thật sự phổ biến tại những nước phát triển.
Nhưng nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và của điện thoại di động, các nước châu Á đang đồng loạt chuyển mình tiến đến một xã hội không sử dụng tiền mặt.
Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng đó. Vấn đề là phải có những chính sách như thế nào để thực hiện được mục tiêu đề ra.
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt, mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ ở mức thấp hơn 10%.
Mục tiêu tổng thể của kế hoạch này là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ.
Bên cạnh đó, kế hoạch này nhắm đến mục tiêu là nâng tỷ lệ người 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên ít nhất 70% vào cuối năm 2020.
Hiện giờ, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam.
Lượng giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều cho các nước trong khu vực (chỉ chiếm 4,3%, trong khi ở Malaysia là 89%, Thái Lan là 59,7%).
Nhưng trong hai năm trở lại đây, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc đã được ứng dụng một cách mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Ngân Hàng Nhà Nước, giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tăng 81%, giá trị giao dịch qua Internet cũng tăng 67% so với trước.
Tổ chức thẻ quốc tế Visa cũng vừa công bố các số liệu nghiên cứu cho thấy số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đang tăng cao với tốc độ 44% mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 07/2017 đến cuối tháng 05/2018.
Đây cũng là ghi nhận của ông Huỳnh Bửu Quang, tổng giám đốc ngân hàng Maritime Bank, trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ RFI ngày 09/07/2018 :
"Hình thức thanh toán trong hoạt động tiêu dùng của người dân chủ yếu vẫn là tiền mặt.
Tuy nhiên, trong 10 năm vừa qua, tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng lên rất nhiều, cụ thể là thanh toán bằng thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng), rồi thanh toán qua các phương tiện như mobile banking, internet banking đã trở nên phổ biến hơn nhiều.
Trong hai năm trở lại đây, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra những hình thức thanh toán không tiền mặt mới, ví dụ như thanh toán bằng QR code hay gần đây nhất là Samsung Pay.
Với sự phát triển đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng lên."
Cũng theo ông Huỳnh Bửu Quang, việc mua hàng trên mạng (E-Commerce) nay cũng ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tuy vẫn còn ít người thanh toán trước bằng thẻ:
« Mua bán trên E-Commerce cũng có tốc độ tăng trưởng khá là cao ở thị trường Việt Nam.
Thanh toán cho mua sắm trên mạng thì một mặt là thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Nhưng mặt khác vẫn có cái thực tế là người dân order (đặt mua) hàng bằng thẻ tín dụng, nhưng thanh toán bằng hình thức COD, tức là khi đơn vị cung ứng giao hàng đến tận nơi, người mua mới thanh toán bằng tiền.
Đó vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất với online shopping tại Việt Nam".
Hiện nay, trong tỷ trọng thanh toán hàng online, việc thanh toán trước bằng thẻ tín dụng chỉ chiếm phần nhỏ, còn phần lớn thì khi nhận hàng thì người ta mới thanh toán bằng tiền mặt.
Theo tôi, lý do chính là chỉ khi nhận hàng và thấy chất lượng hàng đó như thế nào, thì lúc đó người ta mới an tâm thanh toán. »
Sự phát triển nhanh chóng như trên không có gì là đáng ngạc nhiên với một quốc gia đông dân, dân số trẻ và có tỷ lệ người sử dụng Internet rất cao.
Dân số của Việt Nam tính đến đầu tháng 07/2018 là trên 95 triệu 500 ngàn người theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc.
Theo thống kê của mạng We are social thì số người sử dụng Internet ở Việt Nam nay đã lên đến 65 triệu.
Còn theo báo cáo Nielsen Vietnam 2017, tại Việt Nam hiện nay 95% dân số tại các thành phố lớn sử dụng điện thoại di động và 84% trong số đó sở hữu smartphone.
Nói chung điện thoại di động nay đã trở thành vật bất ly thân với hầu hết người sử dụng.
Nhiều người, nhất là những người trẻ, nay không còn ngại thử các ứng dụng thanh toán di động tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Maritime Bank Huỳnh Bửu Quang cũng tin tưởng là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng nhanh hơn nữa trong những năm tới:
« Tôi tin chắc là tỷ trọng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam trong tương lai sẽ tăng nhanh hơn do tác động của nhiều yếu tố.
Thứ nhất là chính sách rõ ràng và cũng là quyết tâm rất lớn của chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc phổ cập hóa việc mở tài khoản ngân hàng, tạo các hành lang pháp lý để phổ biến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ hai là các ngân hàng cũng liên tục đưa ra những dịch vụ mới, những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mới ngày càng tiện lợi hơn và bảo đảm tính an toàn cho người cho khách hàng.
Hai tác động đẩy này, cùng với số người sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ người sử dụng Internet rất là cao, và việc mua hàng online phổ biến ngày càng nhiều, cũng như sự tiếp nhận những công nghệ mới, sản phẩm dịch vụ mới của dân số trẻ Việt Nam, đó là những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.»
Đây rõ ràng là một thị trường đầy tiềm năng, cho nên nó đang thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính (FinTech – Financial Technology).
Theo báo cáo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY) thực hiện và công bố gần đây, hiện có đến 80 công ty công nghệ tài chính đang hoạt động ở Việt Nam và 47% trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán.
Theo lời bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, hiện cũng là Phó Chủ tịch CLB VietFinTech, các công ty FinTech ở Việt Nam hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này cũng còn hạn chế.
Tuy vậy, thị trường công nghệ tài chính đang trên đà tăng nhanh ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Solidiance, công ty tham vấn chuyên về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thị trường FinTech Việt Nam đã đạt 4,4 tỷ đôla năm 2017 và theo sẽ đạt 7,8 tỷ đôla vào năm 2020.
Trong báo cáo tiêu đề “Mở khóa tiềm năng phát triển FinTech của Việt Nam”, Solidiance cho rằng công nghệ tài chính Việt Nam phát triển nhờ những yếu tố như tỷ lệ phổ biến của Internet và điện thoại thông minh trong các trung tâm đô thị, ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập tăng, tiêu dùng tăng và lĩnh vực thương mại điện tử phát triển.
Solidiance nhận định nếu chính phủ Việt Nam thành công trong kế hoạch 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng trong hai năm tới, thị trường FinTech sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
Michael Sieburg, chuyên gia của Solidiance, cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào những hành động tiếp theo của chính phủ Việt Nam.
Trước mắt, chuyên gia của Solidiance ghi nhận là các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số có thể giúp thu hút những người khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở đường hướng đến một xã hội không tiền mặt hoặc ít tiền mặt.
Đây cũng là ý kiến của ông Huỳnh Bửu Quang, tổng giám đốc Maritime Bank:
« Tôi nghĩ mục tiêu đó là hoàn toàn khả thi. Để đạt được mục tiêu đó, một mặt chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện những hành lang pháp lý để cho các loại hình thanh toán không tiền mặt được phát triển hơn ở Việt Nam, kể cả công nghệ mới nhất là là blockchain (công nghệ truyền tải dữ liệu một cách an toàn).
Các quy định về bảo mật phải tuân thủ các chuẩn của quốc tế, ví dụ như bắt đầu 2020, tất cả các loại thẻ phải đều là thẻ chip, tấc cả các máy ATM (máy rút tiền tự động) cũng phải nhận thẻ chip, các máy POS (Point of Sale – máy thanh toán hóa đơn bằng thẻ ngân hàng) cũng phải đọc thẻ chip, cùng với nhiều quy định khác liên quan đến bảo mật thông tin cho người dùng, để người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt.
Đối với người tiêu dùng, với sự tham gia rất tích cực của các tổ chức tín dụng, cũng như của các công ty có chức năng trung gian thanh toán trong việc phổ cập các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như đưa ra những hình thức không dùng tiền mặt mới, tiện lợi hơn, an toàn hơn, chi phí thấp hơn cho người dùng, mục tiêu dưới 10% (dùng tiền mặt) hoàn toàn có thể thành hiện thực vào năm 2020.
Cộng với các yếu tố như thu nhập cũng tăng lên, trả lương qua tài khoản ngày càng phổ biến hơn rất nhiều, theo tôi nghĩ, việc đạt mục tiêu 70% dân số (trên 15 tuổi) có tài khoản vào năm 2020 là khả thi.
Điểm đặc biệt của Việt Nam là hình thức thanh toán bằng chèque chưa bao giờ là hình thức phổ biến cả, mà Việt Nam đi thẳng từ tiền giấy sang tiền plastic, rồi bây giờ qua các loại tiền điện tử, ví điện tử. »
Related news items:
Tin mới
- Việt Nam : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm chủ tịch nước - 03/10/2018 14:13
- Giá một đời người là bao nhiêu? - 02/10/2018 21:27
- Biển Đông : Tàu Trung Quốc bị tố gây nguy hiểm cho tàu Mỹ - 02/10/2018 17:28
- Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức - 02/10/2018 16:57
- Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên có 20-60 vũ khí hạt nhân - 02/10/2018 16:37
- Thương mại : Lãnh đạo Mỹ, Canada và Mêhicô ca ngợi hiệp định mới - 02/10/2018 16:19
- Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung : Biết dừng ở đâu ? - 02/10/2018 14:22
- Ông Đỗ Mười, cựu tổng bí thư CSVN được tuyên bố qua đời, thọ 101 tuổi - 01/10/2018 23:04
- Di dân bất hợp pháp Ấn Độ tăng vọt, bị Di Trú Mỹ bắt nhiều nhất - 01/10/2018 22:23
- Mỹ-Trung: Cuộc gặp cấp bộ trưởng Quốc Phòng “bị hủy” - 01/10/2018 20:57
Các tin khác
- Phải chăng tổng thống Mỹ đang làm kinh tế thế giới suy yếu? - 01/10/2018 18:41
- Liên Triều: Seoul loan báo gỡ mìn ở biên giới - 01/10/2018 18:32
- Tai tiếng Kavanaugh: Nhà Trắng khẳng định FBI "tự do hành động" - 01/10/2018 17:20
- TV Trung Quốc phát phóng sự chiến đấu cơ tập bắn đạn thật ở Biển Đông - 30/09/2018 22:13
- Tổng kết mới : 832 người chết do động đất và sóng thần ở Indonesia - 30/09/2018 21:54
- Indonesia : Một nhân viên kiểm soát không lưu trở thành anh hùng quốc gia - 30/09/2018 21:09
- Giáo Hội Pháp đối mặt với áp lực đòi điều tra độc lập về nạn ấu dâm - 30/09/2018 21:01
- Damas đòi Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi Syria - 30/09/2018 19:04
- Vùng tự trị Kurdistan-Irak bầu nghị viện - 30/09/2018 18:51
- Tin tặc tấn công Facebook, 50 triệu người sử dụng có thể bị ảnh hưởng - 29/09/2018 18:57