Thượng đỉnh ASEAN: Khủng hoảng chồng chất dễ che lấp hồ sơ Biển Đông
- Thứ Sáu, 27 tháng Tư năm 2018 20:50
- Tác Giả: Trọng Thành
Trung Quốc tập trận rầm rộ tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 12/04/2018.
REUTERS
Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32, khởi sự ngày 25/04, sẽ kết thúc ngày 28/04/2018.
Đây là thượng đỉnh đầu tiên của khối các nước Đông Nam Á trong nhiệm kỳ Singapore làm chủ tịch luân phiên.
Hồ sơ Rohingya, nhưng đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung trong thương mại có nguy cơ « che lấp » vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng có khuynh hướng gia tăng, với các tham vọng chủ quyền « không có điểm dừng » của Trung Quốc, như ghi nhận của chuyên gia địa chính trị châu Á Bill Hayton, Viện Chatham House, Luân Đôn.
Hồ sơ chia rẽ sâu sắc ASEAN
« Khả năng kháng cự cao » và « cách tân » là hai chủ đề chính thức của thượng đỉnh ASEAN.
Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ (1), nhà địa chính trị học Bill Hayton nhấn mạnh đến thách thức hàng đầu tại hội nghị lần này :
« Do nhiều khủng hoảng bên trong và bên ngoài nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối mặt từ nhiều tháng nay, phần cơ bản của các việc trong thượng đỉnh này sẽ là nhằm chứng tỏ khả năng các quốc gia thành viên trực tiếp gánh vác các vấn đề chung, cùng lúc không xa rời khỏi nguyên tắc truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Rõ ràng là cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện chống lại thiểu số người Rohingya theo đạo Hồi và việc gần 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh là một trong các khủng hoảng nhân quyền lớn nhất mà khối các nước Đông Nam Á gặp phải, kể từ khi ra đời năm 1967.
Hồ sơ này chia rẽ sâu sắc ASEAN, với ba quốc gia thành viên có cư dân chủ yếu theo đạo Hồi, cụ thể là Brunei, Malaysia và Indonesia. Đây chính là các nước đã trực tiếp phê phán Miến Điện trong các thượng đỉnh trước.
Chắc chắn, do lo ngại một lần nữa bị lên án dữ dội mà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã không tham dự thượng đỉnh tại Singapore.
Về phần mình, chính quyền Miến Điện cũng rất không hài lòng và nhấn mạnh rằng Miến Điện là một quốc gia có chủ quyền, ASEAN không có sứ mạng gì để can thiệp vào công việc hoàn toàn nội bộ này ».
Kinh tế ASEAN có nguy cơ vạ lây
Trả lời câu hỏi về Bộ Quy Tắc Ứng Xử mà ASEAN đang xúc tiến để ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông (gọi tắt là COC), nhà nghiên cứu Bill Hayton nhận xét :
« Theo các nguồn tin của chúng tôi, việc biên soạn Bộ Quy Tắc Ứng Xử này đang đi đúng đường, nhưng chưa thể đúc kết được do các vấn đề được thảo luận rất phức tạp.
Tương lai nào cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông, để dùng làm căn cứ hải quân, là trở ngại chính đối với các thương lượng đang diễn ra.
Bên cạnh đó, tại Singapore, tôi cảm thấy các lo ngại do chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gia tăng có nguy cơ che lấp các đòi hỏi về vấn đề Biển Đông.
Các cạnh tranh thương mại giữa hai quốc gia này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á.
Một số quốc gia cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc, còn một số khác lắp ráp các sản phẩm do Trung Quốc xuất khẩu….
Nền công nghiệp điện tử có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu chính quyền Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với 100 tỉ hàng hóa bổ sung từ Trung Quốc ».
Đàm phán COC không diễn ra như dự kiến
Về hồ sơ Biển Đông, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền thông Đức Deutsche Welle mới đây (2), nhà nghiên cứu Bill Hayton lưu ý là các đàm phán về COC, dự kiến vào tháng 3/2018, như kế hoạch đề ra từ thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31, đã không diễn ra.
Tháng 03/2018 cũng là tháng mà các đe dọa trả đũa thương mại Mỹ - Trung bắt đầu lên đến đỉnh điểm, mở đầu với việc tổng thống Mỹ đe dọa áp thuế với 60 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Theo ông Bill Hayton, lo ngại lớn của nhiều nước Đông Nam Á là Bắc Kinh không chấp nhận tình thế « nguyên trạng » hiện nay, mà tìm mọi cách dần dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng, quá trình bành trướng diễn ra không có điểm dừng, với mục tiêu cuối cùng là độc chiếm việc khai thác các tài nguyên ở Biển Đông.
ASEAN chủ trương lập ra một bộ quy tắc COC với mục tiêu ngăn chặn các hành động bành trướng tiếp theo của Trung Quốc, đồng thời khẳng định hiệu lực của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) trên toàn bộ Biển Đông, theo đó các nước ven Biển Đông có toàn quyền khai thác các nguồn lợi dầu khí và hải sản ven bờ nước mình.
Tuy nhiên, « bất hạnh thay là Trung Quốc không chấp nhận cả hai điều này ». Đàm phán COC – được khởi động ngay từ năm 1995 - không biết đến khi nào có thể kết thúc.
Một điểm son : Cộng đồng kinh tế ASEAN vận hành đến 90%
Về triển vọng tương lai của khối ASEAN, vốn được coi là một tổ chức liên quốc gia lỏng lẻo, không có một chính sách đối ngoại thống nhất (ban thư ký của hiệp hội các nước Đông Nam Á rất ít thẩm quyền, khác hẳn với các định chế như Liên Hiệp Châu Âu), trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, nhà địa chính trị Bill Hayton lưu ý mức độ hội nhập kém về chính trị không cản trở 10 quốc gia này tiến nhanh trên con đường hội nhập kinh tế :
« ASEAN hiện nay đang nỗ lực cho sự ra đời của một cộng đồng kinh tế gắn bó kể từ 2025, với ‘‘một thị trường duy nhất và một nền tảng sản xuất mang tính hội nhập’’.
Mà trên thực tế, trong hiện tại, cộng đồng này đã vận hành được đến 90% ».
Điểm hạn chế hiện nay, theo Bill Hayton, là « các hàng rào mậu dịch phi thuế quan hay việc lưu thông dịch vụ và lao động tay nghề cao bị trở ngại ».
Vai trò Singapore với hồ sơ Biển Đông?
Nhà địa chính trị Bill Hayton khẳng định tin tưởng vào Singapore chủ tịch luân phiên của ASEAN, chủ nhà của thượng đỉnh lần thứ 32, là quốc gia « từng trải về ngoại giao », đi đầu trong phát triển kinh tế, giáo dục, hội nhập thương mại, đã thành công trong việc thúc đẩy định chế khu vực ASEAN đóng vai trò cân bằng giữa các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Washington và Bắc Kinh, « duy trì được các quan hệ kinh tế vững chắc với Hoa Kỳ, mà không xa lánh Trung Quốc ».
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong hồ sơ Biển Đông phức tạp nói trên, Singapore có thể đóng vai trò tích cực nào ?
Theo nguồn tin từ giới chuyên gia, các điều khoản liên quan đến Biển Đông trong dự thảo bản thông cáo chung của thượng đỉnh ASEAN, dự kiến công bố vào ngày mai 278/04, đang gây mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ ASEAN.
Một số quốc gia như Cam Bốt – nổi tiếng với quan điểm thân Trung Quốc – không chấp nhận đưa vấn đề « quân sự hóa » và « bồi đắp đảo nhân tạo » vào văn bản chính thức của khối.
----
(1) Bài «Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 : 5 câu hỏi với Bill Hayton », RFI Pháp ngữ, 25/04/2018.
(2) Bài mang tựa đề «Các nước ASEAN muốn kiểm soát ứng xử của Trung Quốc», Deutsche Welle, 30/03/2018.
Tin mới
- Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình tại biên giới hai nước. - 28/04/2018 17:24
- TT Philippines khẳng định không hề từ bỏ phán quyết quốc tế về Biển Đông - 28/04/2018 17:18
- Miến Điện: Bạo lực tái phát ở miền Bắc, hàng nghìn người chạy lánh nạn - 28/04/2018 14:43
- Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tìm giải pháp cho Syria ở Matxcơva - 28/04/2018 14:12
- Điện ảnh Mông Cổ : Dồi dào, nhưng còn mong manh - 28/04/2018 14:04
- Phụ nữ duy nhất trong thượng đỉnh liên Triều là ai? - 28/04/2018 01:28
- Thượng đỉnh Liên Triều : Những chi tiết tỉ mỉ đầy ý nghĩa biểu tượng - 28/04/2018 01:01
- Thượng đỉnh Liên Triều chưa thể giải quyết được vấn đề phi hạt nhân hóa - 27/04/2018 21:50
- Pháo đài bay Mỹ B-52 diễn tập gần Biển Đông - 27/04/2018 21:41
- Ngoại trưởng ASEAN họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh - 27/04/2018 20:57
Các tin khác
- Ấn Độ và Trung Quốc họp thượng đỉnh nhằm cải thiện quan hệ - 27/04/2018 20:28
- Tân ngoại trưởng Mỹ Pompeo đòi NATO tăng ngân sách quân sự - 27/04/2018 20:21
- Thủ tướng Đức đến Washington - 27/04/2018 16:44
- Thượng đỉnh Liên Triều : tình yêu âm nhạc, mẫu số chung của hai đệ nhất phu nhân - 27/04/2018 16:24
- Vì sao TQ nuôi sáu tỷ con gián? - 26/04/2018 21:01
- Hủy hiệp định hạt nhân là mở đường cho Iran trang bị bom nguyên tử. - 26/04/2018 20:26
- Trung Quốc gởi oanh tạc cơ hù dọa Đài Loan - 26/04/2018 19:36
- Pháp-Đức hợp tác sản xuất hệ thống không chiến tương lai - 26/04/2018 19:18
- Thổ Nhĩ Kỳ : 14 nhà báo bị kết án tù vì tội « trợ giúp khủng bố » - 26/04/2018 14:42
- Cộng Hòa Séc muốn dời sứ quán về Jerusalem - 26/04/2018 14:35