Afghanistan và Mỹ bất lực để Daech và Taliban hoành hành?
- Thứ Hai, 29 tháng Giêng năm 2018 21:25
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (G), cùng bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (P) và tư lệnh NATO Jens Stoltenberg họp báo tại Kabul, Afghanistan, 27/09/2017
REUTERS/Omar Sobhani
Ngày 29/01/2018, Kabul lại bị phiến quân thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tấn công, khiến ít nhất 11 binh sĩ Afghanistan tử trận.
Chỉ cách đấy hai hôm, một cuộc tấn công tự sát bằng xe có gài bom của lực lượng Taliban cũng xẩy ra ngay tại trung tâm thủ đô, khiến hơn 100 người chết.
Trong một tháng gần đây, hai lực lượng này đã dồn dập tấn công vào ngay thủ đô, trong sự bất lực của chính quyền Kabul. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả hậu thuẫn của Washington cho chính quyền Kabul.
Về hai tác giả những vụ tấn công, lực lượng tự nhận là thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech mới nổi lên từ năm 2014, sau khi Mỹ và NATO chính thức đình chỉ các nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan.
Còn Taliban là thành phần đã cai trị Afghanistan trước khi bị liên minh Mỹ-Afghanistan đánh đuổi sau loạt khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ.
Bị choáng váng lúc đầu, Tailiban đã tập hợp lại lực lượng và trong những năm gần đây, đã chiếm lại được một số khu vực trên lãnh thổ Afghanistan, và tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, chủ yếu nhắm vào lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.
Cả hai nhóm trên đều muốn lật đổ chính phủ Afghanistan và đuổi các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ…
Theo ông Andrew Wilder, phó chủ tịch Chương Trình Châu Á tại Học Viện Hòa Bình Mỹ, cả hai nhóm hy vọng là những cuộc tấn công của họ khiến chính quyền Kabul mất đi tính chính đáng và bị người dân xa lánh dần dần.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Kabul và lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan, được Mỹ hậu thuẫn và đào tạo, lại không ngăn chặn được các cuộc tấn công ?
Theo hãng tin Mỹ AP, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng này đã được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn đánh lại nhau.
Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại không bao nhiêu, nhiều binh sĩ đã được tung lên chiến tuyến sau không đầy hai tháng huấn luyện.
Điều nghiêm trọng hơn cả là với cơ chế tổ chức lỏng lẻo như trên, người của phe Taliban đã thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng Afghanistan, cho phép họ thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong, làm cho tình hình an ninh trở nên tệ hại hơn.
Chuyên gia Michael Kugelman, phó giám đốc Chương Trình Châu Á của Trung tâm Wilson Centre tại Hoa Kỳ nhận định : « Các biện pháp an ninh ở các thành phố của Afghanistan thường rất lỏng lẻo, khả năng thu thập thông tin tình báo của quân đội Afghanistan lại kém cỏi, trong lúc quân khủng bố lại có phần thông minh hơn. »
Còn theo chuyên gia Wilder, việc Taliban và Daech hoành hành dữ dội hơn tại Afghanistan trong thời gian gần đây, còn xuất phát từ việc Mỹ đã tái bố trí lực lượng tình báo, trinh sát và giám sát, chuyển từ Afghanistan qua việc chống lại Daech ở Irak và Syria, do đó không còn dự phòng tốt trước những vụ tấn công.
Chiến thắng gần đây tại Irak và Syria có thể cho phép đưa những phương tiện đó trở lại Afghanistan.
Điều đó lại càng chứng tỏ vai trò thiết yếu của Mỹ trong việc hỗ trợ chính quyền Kabul.
Tháng Tám vừa qua, tổng thống Donald Trump tuyên bố một chiến lược mới, dựa trên việc gửi nhiều quân đội hơn và gây áp lực lên Taliban để buộc họ phải đàm phán hòa bình với chính phủ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng gây áp lực trên Pakistan, loan báo cúp 2 tỷ đô la viện trợ cho Islamabad để buộc nước này ngừng nhắm mắt làm ngơ cho phe Taliban sử dụng phần lãnh thổ Pakistan ở vùng biên giới với Afghanistan để làm địa bàn đánh vào lực lượng Kabul.
Vấn đề cho đến lúc này là các tuyên bố và sức ép trên đây chưa thấy phát sinh tác dụng.
Theo giới phân tích để chiến thắng Taliban và Daech, chính quyền Kabul phải thuyết phục được người dân Afghanistan rằng chính phủ có thể bảo vệ dân và cho thấy là họ thực thụ điều hành việc nước.
Và đây không phải là một điều dễ dàng.
Tin mới
- Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi ‘làm sạch’ Cục Điều tra Liên bang - 31/01/2018 00:18
- Thổ Nhĩ Kỳ cấm mọi chỉ trích về chiến dịch tấn công người Kurdistan ở Syria - 30/01/2018 16:50
- Syria : Hoà đàm Sotchi bị tẩy chay - 30/01/2018 15:25
- Quân chính phủ Syria chạm súng với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idleb - 30/01/2018 15:18
- Thế Vận Hội 2018 : Bắc Triều Tiên hủy một sự kiện văn hóa chung với Hàn Quốc - 30/01/2018 15:11
- Mỹ công bố « danh sách đen » 210 đại gia Nga - 30/01/2018 15:04
- Donald Trump chỉ trích chính sách thương mại "bất công" của Liên Âu - 30/01/2018 03:41
- Một người Mỹ ở Hà Nội bị 'mời làm việc' vì 'xúc phạm' tướng Giáp - 30/01/2018 01:45
- Nghi án Nga : Hai TNS Mỹ khuyên Donald Trump “im lặng” về cuộc điều tra - 30/01/2018 00:55
- Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam và chương trình đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh khó khăn - 30/01/2018 00:46
Các tin khác
- Trung Quốc: Một luật sư bị buộc tội "lật đổ", vì kêu gọi bầu cử tự do - 29/01/2018 19:07
- Nga : Nhà đối lập Navalny được tự do nhưng vẫn bị truy tố - 29/01/2018 18:56
- Bảng vàng lễ trao giải âm nhạc Grammy Awards 2018 - 29/01/2018 17:25
- Little Saigon: Cháy nhà trong khu mobile home người cao tuổi - 29/01/2018 01:34
- Cam Bốt: Tỉnh trưởng Sihanoukville tố mafia Trung Quốc kiểm soát thành phố. - 28/01/2018 20:49
- Nhật kêu gọi Bắc Kinh hợp tác ngăn chặn hạt nhân Bắc Triều Tiên - 28/01/2018 20:09
- Cộng hoà Séc : Tổng thống Milos Zeman tái đắc cử với 51% - 28/01/2018 20:02
- Nga : Biểu tình trên cả nước phản đối bầu cử giả hiệu - 28/01/2018 19:40
- Hoa Kỳ : Điều tra vì sao yêu râu xanh Nassar có thể hoành hành - 28/01/2018 19:32
- Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ rút khỏi một khu vực bắc Syria - 28/01/2018 19:25