Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đại Hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc có gì để xem ?

china-interpol 3


Chủ tịch Tập Cận Bình, hình ảnh của Trung Quốc đầu thế kỷ 21.
Reuters

2.287 đại biểu Trung Quốc từ ngày 18/10/2017 tề tựu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại Hội Đảng Cộng Sản, bầu ra 205 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương.

Ban này đề cử bầu 25 ủy viên Bộ Chính Trị, cùng nhiều thành viên trong các tổ chức then chốt khác tại Bắc Kinh. Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc có gì mới ?

Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình:

"Các nhà Bắc Kinh Học" phải bói mới biết được gần 2.300 đại biểu Trung Quốc bàn thảo những gì nhân Đại Hội Đảng. Đối với ông Tập Cận Bình, Đại Hội lần này là dịp đầu tiên để thay đổi nhân sự : 5 trong số 7 ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu.

 Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ tịch Trung Quốc gài những người thân tín vào bộ phận then chốt này trong guồng máy Đảng.

Theo phân tích của nhà chính trị học Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), mục tiêu của ông Tập Cận Bình là nhằm xóa đi ảnh hưởng của phe phái, những người thân thuộc với Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập :

"Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm nữa quyền lực khi đưa những nhân vật thân tín vào Ban Thường Vụ.
Ông học tập được từ chính sách của Mao và tập trung quyền lực trong tay mình không thua gì Mao Trạch Đông.

Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã mặc nhiên bị ban lãnh đạo dưới thời ông ấy cầm quyền đẩy vào hàng thứ yếu.
Tập Cận Bình muốn tránh lập lại sai lầm của người tiền nhiệm"

Ai được "kết nạp" vào Bộ Chính Trị ?

Trong số những ngôi sao đang lên phải kể đến ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner). Mùa hè vừa qua, nhân vật này được cất nhắc vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thất sủng.

Một câu hỏi then chốt khác, liệu rằng Tập Cận Bình có giữ được nhân vật rất trung thành với ông là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đến tuổi phải về hưu hay không ?

Chính nhờ họ Vương, người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương mà Tập Cận Bình đã loại được những đối thủ chính trị nặng ký như Bạc Hi Lai (Bo Xilai), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang) và nhiều người khác nữa trong khuôn khổ chính sách bài tham nhũng, "đả hổ diệt ruồi".

Mặt trái của chiếc mề đay là ông Tập Cận Bình cũng có lắm kẻ thủ.

Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng, đây không phải là lúc để ông Tập hạ mức độ đề cao cảnh giác :
"Tập Cận Bình không thể thoái lui. Ông đã dằn mặt tất cả mọi thành phần, từ cánh trí thức có đường lối tự do cho tới bên các doanh nhân. Đâm lao phải theo lao.

Giải pháp duy nhất là phải tiếp tục tập trung tối đa quyền lực. Nếu như uy thế của ông bị suy yếu, Trung Quốc có nguy cơ bị chao đảo. Do vậy Tập Cận Bình phải kiểm soát tất cả và đảng Cộng Sản phải vững chắc".

Liệu Tập Cận Bình có kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Hiện tại ông đã là tổng bí thư, là chủ tịch nước, là tổng tư lệnh tối cao. Từ năm ngoái ông lại còn được tặng thêm danh hiệu là "hạt nhân-trung tâm" của đảng Cộng Sản Trung Quốc, một vinh dự mà tới nay chỉ dành cho cố chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên theo phân tích của nhà chính trị học David Kelly, Viện China Policy tại Bắc Kinh, trên con đường chinh phục quyền lực, ông Tập Cận Bình sẽ không dừng lại ở đây :

"Tập Cận Bình sẽ không chỉ hài lòng với danh hiệu "hạt nhân-trung tâm" của Đảng. Chúng ta sẽ còn nghe nói nhiều đến tư tưởng Tập Cận Bình, đến tư tưởng của ông về việc lãnh đạo một cường quốc.

Ở đây mọi người chú ý tới chính sách ngoại giao hung hăng của Tập Cận Bình. Đấy là chưa kể, ông đã tranh thủ lấp chỗ trống mà nước Anh và Mỹ để ngỏ sau Brexit, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã tự đặt mình vào tư thế của một vị cứu tinh cho cả thế giới".

Tập Cận Bình phải chăng là vị lãnh đạo mới của thế giới đang trên đà chinh phục phương Tây để thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" ? Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) phân tích :
" Xưa kia Mao Trạch Đông muốn xuất khẩu mô hình cách mạng, giờ đây ông Tập Cận Bình xuất khẩu tư bản Trung Quốc và đang xây mộng ngự trị trên một vương quốc đỏ : Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong thế giới toàn cầu hóa, và kinh tế Trung Quốc sẽ áp đảo thế giới, nhờ chiến lược Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21".

Putin hóa quyền lực

Người được mệnh danh là vị Hoàng Đế Đỏ dường như đã tìm được một giải pháp, để tiếp tục trụ lại nắm quyền khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì vào năm 2022. Chuyên gia Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) giải thích :

"Cương lĩnh của Đảng buộc Tập Cận Bình phải chỉ định người kế nhiệm, nhưng lãnh đạo Trung Quốc này lại đầy tham tham vọng và có nhiều khả năng là ông sẽ tìm cách áp đặt một thể chế tổng thống chế, toàn quyền định đoạt mọi việc. Tập Cận Bình sẽ theo gương Vladimir Putin và sẽ có nhiều mánh khóe để thay đổi luật chơi, kéo dài thời hạn cầm quyền".

Tập Cận Bình, Hoàng Đế Đỏ Trung Hoa

Là nhà lãnh đạo thế lực nhất tại Bắc Kinh trong 25 năm qua, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, đang thâu tóm quyền lực củng cố vai trò của Đảng tránh để Trung Quốc tan rã như Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbatchev.

Với khuôn mặt đầy đặn, vóc dáng chững chạc, ông Tập Cận Bình đang tập trung rất nhiều quyền lực trong tay. Nhà Trung Quốc học Jean Pierre Cabestan, đại học Hồng Kông cho rằng, ông Tập là hình ảnh của một đất nước Trung Quốc vững mạnh được trọng nể.

Giấc mơ tái sinh của cả một dân tộc, sau một thế kỷ bị thua kém phương Tây chính là chìa khóa giúp Tập Cận Bình củng cố vị thế trên chính trường.

Ông xuất hiện hầu như mỗi ngày trên đài truyền hình Nhà nước, khi thì trong tư cách chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo trên thế giới, lúc thì thăm hỏi thần dân, hay là những khi phát biểu tại các cung hội nghị trong tiếng hoan hô vang dậy.

Đấy là một sự dàn cảnh theo kiểu thời Liên Xô cũ với bộ máy tuyên truyền tinh vi. Bên cạnh hình ảnh đó là cả một mảng tối : từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013...

Chính sách đàn áp của Bắc Kinh trở nên lợi hại hơn. Nạn nhân của ông là những tiếng nói chống đối, là các diễn đàn trên mạng internet.

Nhà báo François Bougon, tác giả cuốn " Dans la tête de Xi Jinping, -Trong tâm tư Tập Cận Bình" -nhà xuất bản Actes Sud, đưa ra nhận định : tuy áp dụng chính sách tuyên truyền theo kiểu của Liên Xô, nhưng lãnh đạo Trung Quốc là một người trái ngược hẳn với lãnh đạo Liên bang Xô Viết cuối cùng, Mikhail Gorbatchev.

Ông Tập vẫn còn bị hình ảnh Liên Xô sụp đổ ám ảnh. Đó là động cơ khiến ông nắm chặt lấy quyền lực, và như ghi nhận của François Bougon đành rằng thân phụ của ông Tập Cận Bình có là nạn nhân của Đảng,

nhưng đương kim chủ tịch Trung Quốc "muốn khẳng định ông là người đem lại một làn gió mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không theo đuổi mục đích trả thù Đảng".

Switch mode views: