Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới xuất bản quốc tế chịu tự kiểm duyệt để vào được Trung Quốc

china-censorship-articles

Nhà xuất bản Cambridge University Press tại Hội chợ Sách Quốc tế ở Bắc Kinh, ngày 23/08/2017.
REUTERS/Thomas Peter

Vấn đề Trung Quốc kiểm duyệt ấn phẩm đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế với vụ nhà xuất bản khoa học nổi tiếng thế giới là Cambridge University Press, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã kiểm duyệt các công trình học thuật giới thiệu cho công chúng Trung Quốc, nhưng sau đó đã phải lùi bước khi bị cộng đồng các nhà nghiên cứu thế giới cực lực phản đối.

Tuy nhiên, đối với giới xuất bản đến từ khoảng 90 nước có mặt tại Chợ Sách Quốc Tế Bắc Kinh mở ra từ ngày 23/08/2017, viêc họ tự kiểm duyệt để có thể vào được thị trường Trung Quốc là điều không phải là hiếm hoi.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, Terry Phillips, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà xuất bản Anh Innova Press, không ngần ngại thừa nhận rằng cơ sở của ông đã thường xuyên « tự kiểm duyệt » để « thích ứng với các thị trường khác nhau », vì mỗi nước đều có những yêu cầu khác nhau về những gì thích hợp hay không thích hợp cho nước họ.

Tuy nhiên, nhân vật này cũng đồng ý rằng giới xuất bản « cũng có trách nhiệm giáo dục tinh thần công dân và nhân quyền thông qua các ấn phẩm ».

Ông John Lowe, giám đốc điều hành của nhà xuất bản giáo dục Mosaic8, trụ sở tại Tokyo, giải thích thêm là khó khăn chính của các nhà xuất bản quốc tế là làm sao có được phép xuất bản ở Trung Quốc, do đó các nhà xuất bản ngắm nghía thị trường Trung Quốc đã tránh công bố các nội dung có thể làm phật lòng chính quyền Bắc Kinh.

Vụ nhà xuất bản Cambridge University Press toan tính tự kiểm duyệt là một ví dụ cụ thể cho thấy những gì mà Bắc Kinh muốn kiểm duyệt : từ các vấn đề Thiên An Môn, Tây Tạng, cho đến các phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc hay hồ sơ Đài Loan.
Vấn đề đặt ra là dù chấp nhận tự kiểm duyệt, nhưng giới xuất bản nước ngoài không thể đoán trước được là chế độ Bắc Kinh sẽ đòi kiểm duyệt những gì khác nữa.

Một đại diện cho nhà xuất bản Wiley chuyên về các nội dung giáo dục, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thú nhận : « Hiện tại, chúng tôi không bị vấn đề gì. Nhưng tương lai ra sao thì chúng tôi không biết ».
Một đại diện cho một nhà xuất bản lớn của Mỹ, xin giấu tên, thừa nhận là bà rất lo ngại trước khả năng « các cơ quan Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi kiểm duyệt ».

Đối với một số nhà xuất bản, nhân tố kinh tế quan trọng hơn cả. Đại diện của một nhà xuất bản hàng đầu tại Hoa Kỳ, cũng xin giấu tên, đã cho rằng « tội gì mà phải xuất bản những quyển sách có khả năng bị cấm ở Trung Quốc ».

Đối với ông, « quả là phiền phức khi bỏ công dịch một cuốn sách từ tiếng Anh ra tiếng Hoa để rồi sau đó lại không thể xuất bản ».


Switch mode views: