Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử tổng thống: Lao động Pháp phân tán lực lượng trước đảng cực hữu

may-day-france

Công đoàn Pháp CGT tuần hành tại Paris, nhân Ngày Quốc Tế Lao Động, 01/05/2017
REUTERS

Thay vì đoàn kết thành một khối như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 để cản đường đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, lần này giới công đoàn Pháp lại chia năm xẻ bảy trước một rủi ro cao gấp đôi.

Người thì kêu gọi « đánh bại » Marine Le Pen, kẻ thì muốn dồn phiếu cho Emmanuel Macron, trong khi một bộ phận khác thì đòi… tẩy chay cả hai ứng cử viên. Vì sao nên nỗi ?

Vòng hai bầu tổng thống Pháp với trận đấu quyết định diễn ra trong sáu ngày tới, Chủ Nhật 07 tháng 05.
Ngày Quốc Tế Lao Động 01 tháng 05 lẽ ra là cơ hội để tất cả công đoàn tỏ tình đoàn kết, như cách nay 15 năm, biểu dương lực lượng, chống lại Mặt Trận Quốc Gia cùng ứng cử viên Jean Marie Le Pen bị xem là « kẻ thù » của nền dân chủ và chế độ cộng hoà.
Hơn một triệu người đã xuống đường vào thời điểm đó.

Cũng như mọi năm, Ngày Quốc Tế Lao Động năm nay cũng có tuần hành trên khắp nước Pháp, nhưng tại thủ đô Paris, hình ảnh chia rẽ lộ rõ hơn hết.
Ứng cử viên Marine Le Pen, tuy vẫn bị xem là nguy hiểm và nguy hiểm hơn người cha, thế nhưng phản xạ chống phát-xít trong giới công đoàn lao động không còn vũ bão như cách nay 15 năm.

Trong phe hữu, đã có lãnh đạo hai đảng nhỏ « vượt rào đạo đức », một người kêu gọi ủng hộ bà Le Pen, một người ký thỏa hiệp để lấy ghế thủ tướng.
Thế mà, lực lượng công đoàn, nòng cốt chống chính trị cực đoan, lại đối nghịch nhau.

Trong lực lượng công nhân, Liên Đoàn Dân Chủ Lao Động Pháp CFDT, thân với đảng Xã Hội và Tổng Liên Đoàn Lao Động CGT có xu hướng cộng sản, là hai công đoàn lớn nhất. CFDT còn được xem là « phe cải cách » trong khi CGT được gọi là « phản kháng ».

Tại Paris, đoàn tuần hành thứ nhất do hai nghiệp đoàn CFDT, Unsa và Liên Hội Sinh Viên Paris ủng hộ ứng cử viên trung tả Emmanuel Macron, xuất hành lúc 11 giờ sáng.

Đoàn thứ hai, gồm CGT, FSU, Solidaires và FO khởi hành từ một địa điểm khác vào lúc 14 giờ 30. Nhóm này kêu gọi « cản đường Marine Le Pen », nhưng không dứt khoát kêu gọi thành viên bầu cho Emmanuel Macron.

« Khẩu hiệu bất đồng » là lý do được hai bên đưa ra để giải thích vì sao không tuần hành chung. Với nhận định Mặt Trận Quốc Gia là một tổ chức có quan điểm « phản động và kỳ thị », CFDT kêu gọi bầu cho Macron.

Lãnh đạo CFDT lý giải, bầu cho Macron không phải là chấp nhận toàn bộ chương trình hành động của ứng cử viên trung tả.
Lực lượng công đoàn sẽ tranh đấu, không muộn, khi có bất đồng với chính sách của điện Elysée.

Mặt Trận Quốc Gia xâm nhập giới lao động

CGT bác bỏ phân tích này vì cho rằng chính « tình trạng suy thoái về xã hội » mà cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron cũng có phần trách nhiệm, đã dọn đường cho Mặt Trận Quốc Gia lên điểm.

Thật ra, từ khi đảng Cộng Sản Pháp suy yếu, không còn đóng vai trò lá chắn bảo vệ người lao động, phe cực hữu bài ngoại rộng đường xâm nhập giới công nhân với lập luận đơn giản : dân nhập cư chiếm việc làm của người Pháp.
Hệ quả là 15% trong số 680.000 thành viên của CGT trở thành « cảm tình viên » của Mặt Trận Quốc Gia.

Ý thức thái độ lưng chừng của CGT, không chỉ đạo bầu cho Macron vì có thể làm mất uy tín của tổ chức, tổng thư ký Philippe Martinez vội vàng lên tiếng, « CGT dứt khoát chống cực hữu, không một phiếu cho Marine Le Pen, Mặt Trận Quốc Gia là đảng phát-xít, kỳ thị, khinh phụ nữ và chống quyền lợi người lao động ».

Tình trạng « khó xử » của giới công đoàn Pháp một phần vì hai ứng cử viên vào chung kết nằm ngoài dự kiến của họ.
Theo nhà sử học Stéphane Sirot, một chuyên gia về phong trào công đoàn, thì hiện tượng chia rẽ này cũng không khác chi tình trạng phân hóa trong giới chính trị.

Cho dù thời thế đã đổi thay, một bộ phận dân Phá kể cả công đoàn và đảng phái, trước nguy cơ cực hữu nắm quyền, vẫn « không chấp nhận được một giải pháp mới » thay thế lối mòn tả hữu truyền thống.


Switch mode views: