Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sở di trú ngày càng mạnh tay trong việc bắt di dân lậu người Việt

Di-Tru

(Hình minh họa: ROBYN BECK/AFP/Getty Images)

WESTMINSTER, California (NV) – Quan tâm về việc cảnh sát di trú (ICE) ngày càng bắt giữ (với mục đích trục xuất) nhiều người Mỹ gốc Việt, ba tổ chức APIROC (Asians Pacific Islanders Re Entry of Orange County), SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center) và Vietlead, vừa gửi chung một thông cáo báo chí để báo động về tình trạng này, cũng như cung cấp một số điện thoại khẩn cho những ai bị ảnh hưởng.

Trong thông cáo báo chí gửi đi ngày 11 Tháng Tư, ba tổ chức này cho biết “chỉ trong hai tuần đầu tiên của Tháng Ba, gần 100 người Việt đã bị bắt và đang bị giam giữ, phần lớn là trại giam York County ở Pennsylvania và tạm giam Krome ở Florida.”

Vẫn theo thông cáo báo chí này, bà Jessica Shullruff Schneider, một luật sư luật di trú và giám thị chương trình “Detention Watch” của tổ chức American for Immigrant Justice ở Miami, Florida, đã nói chuyện với một số người vừa mới bị giam tại cơ sở tạm giam Krome.

Bà nhận xét: “Rõ ràng là hầu hết những người bị giam lớn lên và ăn học ở Hoa Kỳ, có gia đình, có công ăn việc làm.
Những thành viên của cộng đồng người Việt đang bị giam đa số là vì những lầm lỗi từ nhiều năm trước. Khi luật di trú khắc nghiệt được thi hành mù quáng như thế này, thì thường dẫn đến các hậu quả bất công.”

Tiếp xúc với nhật báo Người Việt, bà Nancy Dung Nguyễn, giám đốc điều hành của Vietlead, cho biết: “Chúng tôi gửi ra thông cáo báo chí này để báo động cho cộng đồng Việt Nam về việc ICE, vì đang được khuyến khích, đang giam giữ (trong khi chờ đợi trục xuất) ngày càng nhiều người Việt Nam có tiền án – ngay cả khi ai cũng biết rằng chính phủ Việt Nam sẽ không nhận những người này trở về.

Điều này có nghĩa là nhiều gia đình sẽ ly tán, và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt bị giam cầm trong nhiều tháng liền mà không có lý do.
Ngoài ra, thông cáo báo chí cũng có mục đích thu nhận sự hỗ trợ của quần chúng để ICE giảm thiểu những hành động đe dọa cộng đồng chúng ta.”

Vietlead là một tổ chức được thành lập cách đây bảy năm tại Pennsylvania, và quy tụ nhiều người Mỹ gốc Việt, nhất là người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, với mục đích cổ súy và phục vụ cho quyền lợi của cộng đồng người Việt.

Phát biểu qua thông cáo báo chí, bà Nancy nhận định: “Do các điều khoản cụ thể trong bản thoả thuận về trục xuất với Việt Nam, cộng đồng chúng ta cứ đinh ninh là mình sẽ được bảo vệ.

Nhưng chính quyền mới đã cho ICE thêm quyền hạn để giam cầm và giám sát di dân, và kết quả là sự gia tăng một cách đáng ngại các vụ giam cầm mới, thậm chí đối với những cá nhân mà theo bản thoả thuận giữa Mỹ và Việt Nam là không thể bị trục xuất được.”

Giải thích tiến trình hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ trong thập niên 1980 và 1990, thông cáo báo chí viết:
“Tương tự như các cộng đồng Đông Nam Á khác, người tị nạn Việt Nam phần lớn tái định cư tại các khu vực không có đầy đủ phương tiện trong nước Mỹ.
Hậu quả là họ phải đối mặt với đói nghèo cùng cực và kỳ thị chủng tộc trong cộng đồng mới, khiến nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề và có cảm giác bị cô lập.

Sự trỗi dậy của hệ thống công nghiệp nhà tù vào những năm 1980 và 1990 dẫn đến cầm tù và buộc tội hàng loạt, khiến cho nhiều người Việt tị nạn và di dân trẻ bị sa vào hệ thống công lý hình sự.”

Ông Tùng Nguyễn, sáng lập viên của APIROC, tổ chức đấu tranh cho sự tái hoà nhập của những người Châu Á Thái Bình Dương từng bị cầm tù tại Orange County, từng bị cầm tù 18 năm, nhận định rằng: “Người Việt dính vào hệ thống công lý hình sự nhiều hơn bất kỳ cộng đồng Đông Nam Á nào khác.”

Ông giải thích: “Vẫn còn nhiều định kiến trong cộng đồng mình [về những người từng bị cầm tù], những định kiến này khiến cho chúng ta tiếp tục giữ im lặng về tình trạng những người bị bắt giữ.”

Đơn cử cụ thể một số trường hợp người Việt trước đây lâm vòng lao lý đang bị ICE giam giữ, thông cáo báo chí nói về một trường hợp:
 “Ông Vinh Lý sinh ra trong một trại tị nạn năm 1982, ông đến Mỹ vào năm 1989 cùng gia đình. Ông bị dính líu trong một vụ án liên quan đến ma tuý vào năm 2002 khi ông mới 20 tuổi.
Ông Vinh, bị cầm tù vào năm 2002, đến trụ sở của ICE để trình diện hàng năm sau đó.

 Ông sinh nghi khi một nhân viên ICE yêu cầu ông trình diện sớm hơn hạn định, và ông đã liên lạc những người tổ chức lân cận từ 1Love Movement và Vietlead.
Theo ông Vinh cho hay, ‘Tôi cảm thấy lạc lõng và sợ hãi và không nghĩ là điều này sẽ lại xảy ra với tôi vì tôi không phù hợp với các điều khoản dưới bản thoả thuận giữa Mỹ và Việt Nam.’”

Nhờ phản ứng nhanh từ những người biện hộ, những người tổ chức, cùng những người ủng hộ mình, ông Vinh được ICE thả ra khỏi trại giam trong vòng 24 tiếng, nhưng ngay sau đó lại bị còng tay lại và đưa lên một chiếc xe buýt từ Philadelphia đến trại giam ở York County.
“Khi được thả ra, việc đầu tiên mà tôi muốn làm là về nhà với gia đình,” ông Vinh nói với cơ quan Vietlead, thông cáo báo chí trích dẫn.

Tình cảnh của ông Vinh Lý không phải là trường hợp duy nhất đang được theo dõi và giúp đỡ.
 Bà Quyên Đinh, giám đốc điều hành SEARAC, cho hay “các gia đình người Mỹ gốc Việt đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất cần được biết là họ không đơn độc.”

“Chúng tôi khuyến khích những người bị ảnh hưởng trực tiếp nên tìm sự giúp đỡ thay vì giữ im lặng. Luật di trú và công lý hình sự hiện thời không công bằng và chúng ta cần vận động để chấm dứt vấn nạn này trong cộng đồng chúng ta,” thông cáo báo chí kêu gọi.

Bà Nancy Dung Nguyễn khoe, “thông cáo báo chí mới phổ biến được vài hôm, nhưng điện thoại khẩn của ba tổ chức dân sự này đã nhận được rất nhiều điện thoại của những người có thân nhân bị cơ quan ICE bắt giữ từ khắp nước Mỹ. Nhưng chúng tôi biết vẫn còn nhiều người khác cần được giúp đỡ.”

Quý vị hay người thân đang bị hay có nguy cơ bị ICE lùng bắt, xin gọi số 856-320-6668 để được hỗ trợ.

Switch mode views: