Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp : Kimono cổ truyền tại bảo tàng Guimet

matsuzakaya-ueno-street



Cửa hàng lớn Matsuzakaya tại góc phố Ueno, Nhật Bản, vào năm 1915
http://www.mfa.org

Matsuzakaya là tên gọi một trong những cửa hàng lớn lâu đời nhất trên thế giới.
Tọa lạc gần công viên Ueno ở Tokyo, cửa hàng nổi tiếng này từng được khánh thành tại thủ đô Nhật Bản vào năm 1768, nhưng thật ra chỉ là một chi nhánh.

Công ty Matsuzakaya có trụ sở tại Nagoya, được thành lập từ năm 1611 và ban đầu là một cửa hàng chuyên bán kimono và đồ sơn mài.

Với thời gian, công ty Matsuzakaya đã gầy dựng một trong những bộ sưu tập kimono quý hiếm nhất xứ hoa anh đào. Đó là những gì bạn có thể tìm hiểu được khi đi xem cuộc triển lãm về nghệ thuật kimono tại Viện bảo tàng châu Á Guimet, ở Paris quận 16.

Triển lãm tại bảo tàng Guimet, kéo dài cho tới ngày 22/05/2017 giới thiệu với công chúng 150 bộ áo kimono, trong đó có nhiều kiểu áo (đi kèm với phụ kiện và trang sức) tiêu biểu của hai triều đại Giang Hộ (thời kỳ Edo 1603-1867) và Minh Trị Duy Tân (thời kỳ Meiji 1868-1912).

kimono guimet

kimono Kosode à motifs de prunier, quadrillage et coquillages, soie damassée rinzu rouge, première moitié du XVIIIe siècle / Kosode à motif de camélia fond en satin de soie shusu blanc, première moitié du XVIIIe siècle, Collection Matsuzakaya
J. Front Retailing Archives Foundation Inc./Nagoya City Museum

Điểm đáng ghi nhận ở đây là công ty Matsuzakaya lần đầu tiên cho một viện bảo tàng Pháp mượn rất nhiều ‘‘bộ trang phục gia truyền’’ để đem ra trưng bày ở nước ngoài.

 Số lượng kimono khá cao, không gian triển lãm có giới hạn cho nên bộ sưu tập được trưng bày xen kẽ theo nhiều đợt, chứ không phải là cùng một lúc.

Trong toàn bộ sưu tập Matsuzakaya, Viện bảo tàng Guimet đã tuyển chọn phần lớn các kiểu áo kimono dành cho phái nữ (furisode, hitoe, kosode, houmongi, katabira, shiromaku, tomesode, tsukesage …..) chủ yếu cũng vì phụ nữ mặc kimono thường xuyên hơn, các kiểu áo kimono của họ cũng phong phú hơn về màu sắc, họa tiết cũng như là hoa văn.
Chính cũng vì vậy mà cuộc triển lãm này có nhan đề là ‘‘Kimono : Au Bonheur des Dames’’.

kimono guimet 2


kimono Furisode avec feuilles jaunes & rouges de l’automne, début XIXe siècle/ Kosode à motifs de cascades & éventails, crêpe de soie chirimen bleu, fin XVIIIe /Collection Matsuzakaya
J. Front Retailing Archives Foundation Inc./Nagoya City Museum

Một trong những kiểu đẹp nhất là bộ áo kosode có từ triều đại Edo (đầu thế kỷ XVIII). Bộ kimono may bằng lụa màu xanh dương đậm có thêm viền cam nhờ lớp vải mỏng may ở bên trong.
Toàn bộ chiếc áo giống như một bức tranh phong cảnh vẽ một ngọn thác đổ từ trên phía bờ vai trái xuống tận phía chân bên phải.

Thác đổ từ trên cao biến thành một con suối, dòng nước trôi chảy có vẻ tĩnh lặng hơn, dọc hai bên bờ là những khóm trúc mai và những cánh quạt xòe tựa như những cánh bướm.

Tùy theo thời tiết, gia cảnh, địa vị xã hội, hay sinh hoạt nếp sống (thanh nữ may áo cho ngày cưới, phụ nữ đã có chồng chuẩn bị đón năm mới với gia đình, đi dự lễ hội hoa đào đầu xuân), người Nhật dường như lúc nào cũng có thể tìm thấy cho mình một kiểu áo thích hợp.

Những đường nét tối thiểu, lối thiết kế tỉnh lược do lối thiết kế kimono đơn thuần là một chữ T, thế nhưng bộ trang phục này nhưng lại dễ thích nghi với vóc dáng của người mặc : những yếu tố đó có thể giải thích vì sao kimono đã trở nên biểu tượng của văn hóa Nhật Bản gợi hứng sáng tác cho hàng loạt tên tuổi của làng thời trang kể cả Nhật Bản hay Âu Mỹ, trong đó có Issey Miyake, Kenzo Takada, Yves Saint Laurent, Jean Paul Gaultier hay Christian Lacroix ......

kimono guimet 3

Kimono, crêpe de laine et fourrure, 2006 Kenzo Takada / Kimono, Oiran Collection, soie et polyester, 2009 Junko Koshino
Photo Thierry Ollivier & Photo Yutaka Mori


Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng Guimet đối chiếu những kiểu áo cổ truyền có từ thế kỷ XVII với những kiểu áo bắt mắt của các nhà thiết kế thời nay như bà Junko Koshino theo xu hướng ‘‘cách tân’’.

Bên cạnh đó còn có những gương mặt tiêu biểu như ông Kunihiro Moriguchi, một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhờ nỗ lực ‘‘bảo tồn’’ văn hóa kimono.

Từ một trang phục truyền thống, kimono từ lâu đã được nâng lên hàng nghệ thuật.
 Cái hay của Matsuzakaya là ngoài lãnh vực kinh doanh mua bán, công ty này đã ý thức (từ đầu những năm 1900) về công việc sưu tầm và bảo tồn.

 Kho lưu trữ của Matsuzakaya bao gồm những cổ vật có từ hơn 400 năm nay và nhờ vậy mà người xem có thể xem các bước phát triển của nghệ thuật kimono : màu sắc cũng như họa tiết (hồ điệp, bạch yến, hồng hạc …..) trở thành một thứ ‘‘ngôn ngữ’’ hình tượng mà tinh tế, chính cũng vì ngôn ngữ này có bộ từ vựng đa dạng phong phú, cho nên nó không bị ràng buộc gò bó bởi quy ước truyền thống, cú pháp cổ điển.

Switch mode views: