« Cuộc chiến bánh mì » dữ dội ở Venezuela
- Thứ Ba, 28 tháng Ba năm 2017 02:14
- Tác Giả: Thụy My
Dân quân giám sát trước một tiệm bánh mì ở Caracas, Venezuela, ngày 17/03/2017.
REUTERS/Marco Bello
Với sự hỗ trợ của dân quân, các thanh tra giám sát những ổ bánh mì mới ra lò.
Trong đất nước Venezuela đang khủng hoảng, tổng thống Nicolas Maduro lao vào cuộc chiến chống lại « âm mưu » của các chủ lò bánh nhằm tạo ra tình trạng khan hiếm loại thực phẩm căn bản này.
AFP cho biết, chính quyền xã hội chủ nghĩa vốn độc quyền kiểm soát ngoại tệ nhập khẩu thực phẩm, muốn rằng 90% lượng bột mì do Nhà nước bán cho các lò bánh mì với giá bao cấp phải dùng để làm bánh mì theo giá quy định, thay vì làm bánh mì ngọt hay bánh ngọt được bán giá tự do, tức là đắt hơn rất nhiều.
Kết quả là những kệ « canilla » hay « francès », tức bánh mì baguette thường xuyên trống rỗng, còn những kệ bánh ngọt thì đầy bánh.
Tại Venezuela, các mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm đến 68%, và lạm phát không thể kiểm soát nổi (Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lên đến 1.660% vào cuối năm 2017).
Dòng người xếp hàng thường xuyên thấy trước các siêu thị hay nhà thuốc tây, nay kéo dài ra trước các tiệm bánh mì.
Trên mặt trận « cuộc chiến bánh mì » - như tổng thống đã gọi, ông Nicolas Maduro tung vào các cơ quan chức năng như Sundde, một tổ chức phụ trách bảo vệ các quyền kinh tế xã hội, đã từng bắt giữ bốn người và tịch biên hai tiệm bánh mì ở Caracas.
Cả hai tiệm này bị cáo buộc là vi phạm « luật về bình ổn giá », đã bị giao lại cho các ủy ban công dân được gọi là Clap, chuyên phân phối các thực phẩm trợ giá cho các khu vực bình dân.
Tuần trước, tổng thống đã đe dọa các chủ tiệm bánh « giấu bánh mì không bán cho nhân dân », và ra lệnh cho lực lượng an ninh, quân đội và dân quân – gồm những người ủng hộ ông Maduro - đi thanh tra.
Trong số khoảng hai chục tiệm bánh tại thủ đô Caracas mà AFP ghé qua, có rất ít tiệm bày bán bánh mì. Tiệm nào có thì chỉ bán nhỏ giọt, giới hạn số lượng bánh mà mỗi khách hàng được mua.
Sau khi tìm được thực phẩm căn bản này tại trung tâm Caracas, Arilluri Rodriguez, một nhà tạo mẫu 50 tuổi, hoan nghênh biện pháp của chính phủ.
Bà nói : « Chính là các tiệm bánh đã giấu đi bột mì mà họ độc quyền ».
Những người khác thì cho rằng các biện pháp mang tính cưỡng bức này không làm thay đổi được gì. Alexis Mendez, giáo viên 68 tuổi đã về hưu nói với AFP, trước một tiệm bánh ở khu phố bình dân Catia : « Sẽ chẳng đi đến đâu. Không thể có nhiều bánh mì hơn nếu chính phủ không cung cấp nhiều bột mì hơn.
Họ tiến hành chiến dịch để đưa lên ti-vi, làm ra vẻ giải quyết được vấn đề ».
Theo Fevipan, liên đoàn tập hợp 8.000 tiệm bánh trên toàn quốc, họ cần 120.000 tấn lúa mì mỗi tháng để đáp ứng được nhu cầu.
Thế nhưng chính quyền chỉ phân phối có 30.000 tấn.
Fran Suero, 41 tuổi, làm việc tại một tiệm bánh mì ở phía đông Caracas giải thích : « Khi có được bột mì, chúng tôi sẽ bán ra bánh mì, nhưng họ chỉ giao bột mỗi 15 hay 20 ngày. Họ phân phối 20 bao (loại 50 ký), nhưng trong điều kiện bình thường chúng tôi cần đến 8 bao mỗi ngày ».
Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc gia Cipriana Ramos nhận định : « Người ta đánh vào hậu quả chứ không phải nguyên nhân : không có nguyên vật liệu thì không thể làm ra bánh mì được ». Các nhà sản xuất tố cáo giá bán được quy định thấp hơn giá thành.
Trong một video do Sundde công bố, có thể thấy người đứng đầu cơ quan này là Williams Contreras đi kiểm tra đột xuất.
« Có người sẽ bị bắt tại đây » - ông ta nói, khi thấy không có bánh mì bày bán. Sau đó cảnh sát bắt chủ tiệm đưa đi.
Ông Contreras biện minh : « Có một tấm bảng ghi ‘Không có bánh mì cho đến khi có lệnh mới’, thế nhưng khi chúng tôi vào trong thì thấy đến 100 bao bột mì ».
Không khí hoảng sợ bao trùm lên các tiệm bánh.
Mario, một người chủ tiệm nói với AFP : « Phía sau là ý đồ xấu, đó là tịch biên cửa hàng.
Ở đây, Sundde kiểm soát một cách đầy đe dọa. Họ nói với tôi sẽ tống tôi vào tù nếu có bột mà không có bánh mì.
Khi họ đến, chúng tôi vừa mới cho ra lò mẻ bánh nên họ không làm được gì cả ».
Tin mới
- Năng lượng, khí hậu : Trump muốn xóa dấu ấn của Obama - 29/03/2017 18:27
- Trung Quốc xác nhận vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan - 29/03/2017 17:26
- Công du Indonesia, tổng thống Pháp ca ngợi Hồi Giáo “bao dung” - 29/03/2017 17:20
- Biển Đông : Manila và Bắc Kinh sẽ đàm phán trực tiếp vào tháng Năm - 29/03/2017 17:10
- Bắc Kinh yêu cầu Paris bảo vệ công dân Trung Quốc - 29/03/2017 17:04
- Miến Điện: Năm cầm quyền đầu tiên đầy khó khăn của Aung San Suu Kyi - 29/03/2017 16:16
- Liên Hiệp Anh bay vào vùng gió lốc - 29/03/2017 03:43
- Trung Quốc sẽ tăng lực lượng hải quân lên 100.000 người - 29/03/2017 02:31
- Malaysia muốn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp - 29/03/2017 02:24
- AMTI :Trung Quốc sẵn sàng bố trí chiến đấu cơ tại Trường Sa - 29/03/2017 02:01
Các tin khác
- Nga kết án tù nhà đối lập Navalny vì biểu tình chống tham nhũng - 28/03/2017 01:45
- Mỹ : Do đâu chính quyền Trump không khai tử được Obamacare ? - 28/03/2017 01:36
- Bầu cử tổng thống Pháp : Ứng viên Xã Hội kêu " bị đâm sau lưng" - 28/03/2017 00:54
- Chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Đệ nhị thế chiến sẽ thăm Philippines - 28/03/2017 00:45
- Tổng thống Hollande đặt nền móng cho chiến lược mới của Pháp với Châu Á - 27/03/2017 16:52
- Miến Điện : Tư lệnh quân đội biện minh cho chiến dịch ở Rakhine - 27/03/2017 16:43
- New Zealand và Trung Quốc : Sẽ mở rộng tự do mậu dịch - 27/03/2017 16:37
- Bầu cử cấp vùng tại Đức, bài trắc nghiệm cho thủ tướng Merkel - 27/03/2017 03:00
- Đông Timor: Một biểu tượng phong trào kháng chiến đắc cử tổng thống - 27/03/2017 02:49
- Một người Việt thiệt mạng trong một trung tâm di trú Nhật Bản - 27/03/2017 01:31