Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Trung : Bất đồng nhưng buộc phải hợp tác

usa-trump-china-xi

Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump.
REUTERS/Toby Melville/Lucas Jackson/File Photos



Tờ nhật báo kinh tế của Anh Financial Times hôm nay có bài nhận định về quan hệ Mỹ-Trung đứng về góc độ thương mại.

Khỏi nói thì ai cũng hiểu rằng tương lai của thế giới tùy thuộc phần lớn vào quan hệ giữa hai siêu cường quốc này.
Thế mà hai nước nay lại có quan điểm đối chọi nhau về nền kinh tế thế giới.

Tờ báo nhắc lại rằng, cách đây 40 năm, Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc với mục tiêu đạt đến tự cấp tự túc.
Tuy nhiên, đến năm 1978, người kế nhiệm ông là Đặng Tiểu Bình đã đề ra chính sách cải tổ và mở cửa.

Trong khi đó, Hoa Kỳ, quốc gia cha đẻ của tự do kinh tế toàn cầu thời hậu thế chiến thứ hai, nay lại bầu một lãnh đạo có quan điểm cho rằng chính sách kinh tế đó đi ngược lại với quyền lợi của nước Mỹ.

Điều trớ trêu hiện nay đó là thái độ trái ngược hẳn nhau của lãnh đạo hai nước Mỹ -Trung về nền kinh tế thế giới hiện nay, mà rõ rệt nhất là sự tương phản giữa bài diễn văn ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa mà chủ tịch Tập Cận Bình đọc tại Diễn đàn Kinh tế

Thế giới Davos tháng Giêng vừa qua, với tuyên bố của tổng thống Donald Trump vài ngày sau đó rằng « bảo hộ mậu dịch sẽ giúp cho đất nước chúng ta thịnh vượng và hùng mạnh ».

Thông cáo của cuộc họp các bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tại Đức tuần trước cũng đã bỏ đi cam kết « chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch ».
Hiện nay chưa biết là bảo hộ mậu dịch theo kiểu Trump sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là sẽ rất đáng ngại.
 Theo Financial Times, nền kinh tế thế giới còn đang gượng dậy khó mà chống đỡ được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Thế nhưng tờ báo này cho rằng, cho dù ông Trump vẫn tuyên bố « Nước Mỹ trên hết » và cho dù lãnh đạo Trung Quốc chỉ lo cho công dân nước họ, không bên nào có thể đưa ra những đòi hỏi mà không để ý đến quan điểm và lợi ích của bên kia.

 Điều đáng nói là giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có vẻ như hiểu điều đó hơn là lãnh đạo Mỹ.
Theo Financial Times, khi chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump gặp nhau lần đầu tiên vào tháng tới ở Mar-a-Lago, hai bên cần phải tìm ra một nền tảng cho hợp tác.

Nhưng hiện giờ chỉ toàn thấy những "điềm xấu". Ông Trump đã kịch liệt chỉ trích chính sách mậu dịch và hối đoái của Trung Quốc, thậm chí đã toan thách thức chính sách « một nước Trung Quốc duy nhất ».
 Thêm vào đó là sự cách biệt rất lớn về cá tính và kinh nghiệm giữa hai nhân vật này.

Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, theo Financial Times, trước hết, hai lãnh đạo cần phải thuyết phục nhau rằng sẽ không có bên nào đạt được mục tiêu của mình nếu xung đột với nhau, cho dù là chiến tranh thương mại, vì cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ hai, ông Tập Cận Bình phải nhấn mạnh với ông Donald Trump rằng quan điểm của ông về các chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc không còn đúng với thực tế nữa.

Từ tháng 06/2014 đến nay, Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để nâng giá đồng nhân dân tệ và từ 2006 đến 2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ 35% xuống còn 19% GDP, tức là nước này không còn là cỗ máy xuất khẩu hàng hoá tràn ngập thế giới.

Thứ ba, ông Trump cần nói với lãnh đạo họ Tập rằng Trung Quốc không thể cứ lập luận rằng họ là một quốc gia đang phát triển và họ cần phải nhận thức rằng, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế, các nước khác buộc phải quan tâm đến những gì Trung Quốc làm, chẳng hạn như trong vấn đề thặng dư thương mại.

Nhưng Finnancial Times đặt câu hỏi: “ Nếu ông Trump mặc kệ những hậu quả toàn cầu của những gì ông làm, tại sao Trung Quốc lại không được có thái độ như thế ? ».

Switch mode views: