Bị ngược đãi nhất trên hành tinh!
- Thứ Năm, 10 tháng Mười Một năm 2016 19:48
- Tác Giả: Lữ Giang
Hôm 4.11.2016, khi đến thăm Tokyo, bà Aung San Suu Kyi nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đã bắt đầu cuộc điều tra để tìm hiểu tình hình ở bang Rakhine, nơi các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc binh sĩ Miến tội giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, và đốt nhà của người Hồi Giáo Rohingya.
Hoa Kỳ, Anh quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ đã bày tỏ quan ngại về các vụ bạo động này.
Ngoại trưởng Anh William Hague trên Twitter cho biết rất «kinh tởm» trước việc sát hại phụ nữ và trẻ em.
Human Rights Watch nói rằng nhận được thông tin cho biết cảnh sát được phép bắt giữ tất cả nam giới người Rohingya trên 10 tuổi trong khu vực này.
Khoảng 800.000 người Rohingya sống tại miền tây bang Rakhine được Liên Hiệp Quốc coi là một trong những dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất trên hành tinh.
969: CƠN ÁC MỘNG CỦA HỒI GIÁO
Tháng 3/2013, các nhóm Phật giáo cực đoan tại Miến Điện đã tấn công dữ dội vào người Hồi giáo ở các thành phố miền Trung và miền Đông nam, giết hại hàng chục người và phá hủy nhiều khu phố và đền thờ Hồi giáo.
Như trong các cuộc đụng độ năm ngoái, lực lượng an ninh đã không can thiệp, thậm chí còn giúp những kẻ tấn công.
Arnaud Dubus, thông tín viên RFI tại khu vực Đông Nam Á, cho biết phong trào mang tên 969 là một trong những động lực của chiến dịch chống người Hồi giáo này.
Con số 969 là một chuỗi số tương ứng với Tam bảo của đạo Phật là PHẬT, PHÁP (tức là lời dạy của Đức Phật), TĂNG (tức là cộng đồng tu sĩ).
Đối với người Miến Điện vốn rất mê tín và đam mê số học, con số 969 được dùng để đối kháng với con số 786 của Hồi giáo mà theo họ, phản ánh ý chí của người Hồi giáo là thống trị thế giới trong thế kỷ XXI.
Phong trào 969 đã được hình thành vào đầu năm 2013, ngay sau các vụ bạo động tại bang Rakkhine.
Lãnh đạo phong trào là một số nhà sư theo xu hướng dân tộc cực đoan là tu sĩ Wiratu nổi tiếng, có trụ sở tại Mandalay.
Hệ tư tưởng của phong trào này nói rằng người Hồi giáo muốn kiểm soát Miến Điện, kể cả thông qua kinh tế.
Ngày 22.4.2013 Human Rights Watch đã ban hành một bản báo cáo mang tên "Tất cả những gì mà bạn có thể làm là cầu nguyện: Tội ác chống nhân loại và thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.
" Báo cáo cho biết các lực lượng an ninh và các tổ chức Phật giáo địa phương đã tham gia vào các vụ thảm sát người Hồi giáo. (RFI ngày 19.5.2013).
NẠN DIỆT CHỦNG VỚI DÂN TỘC ROHINGYA?
Tờ Times Asia Online ngày 23.1.2014 cho biết các báo cáo viên chuyên trách của LHQ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những thông tin về “các cấp độ bạo lực đáng báo động” chống lại dân tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Ba giờ sáng ngày hôm đó, một nhóm binh sĩ cùng cảnh sát và các lực lượng an ninh khác của Myanmar đã đột kích ngôi làng, phong tỏa lối vào làng và xả súng bừa bãi vào những người đàn ông, những người phụ nữ cũng như những đứa trẻ đang tìm cách chạy trốn.
Ít nhất 40 người đã thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương. Những người dân làng còn lại đã bị vây bắt và bị tống lên hai chiếc xe tải. Họ bị đưa đến một địa điểm bí mật. Sau đó, nhà chức trách đã tuyên bố ngôi làng này là một “khu vực cấm xâm nhập.”
Ông Jim Della-Giacoma thuộc tổ chức International Crisis Group cho biết các khu dân cư đã bị tảo thanh một cách có hệ thống, cho thấy rõ ràng có một sự chuẩn bị nào đó từ những thành phần cực đoan.
Một bộ phận lãnh đạo Phật giáo, sau nhiều thập niên đi tiên phong trong phong trào đấu tranh dân chủ, nay lại cổ xúy cho xu hướng cực đoan bài Hồi giáo, chủ trương là các Phật tử chỉ kết hôn và làm ăn với nhau mà thôi.
Người Hồi Giáo không có quyền tự do đi lại, và phải chịu nhiều uất ức trong quan hệ với các công chức Miến Điện về các vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai v.v ... Nhiều xe taxi và cửa hàng của người Phật giáo nay dứt khoát không đón khách và bán hàng cho người Hồi giáo.
Bắt đầu từ tháng 6/2012, dân Rohingya đã bị thiệt hại đến 90% gồm số người thiệt mạng và nhà cửa bị phá hủy, có làng và vài vùng phụ cận bị tàn phá hoàn toàn. Người Rohingya đang lâm vào tình huống của những con người vô tổ quốc mà chính phủ Miến Điện áp đặt cho họ.
Các đợt bạo động giữa người Hồi giáo và Phật giáo xảy ra tại bang Rakhine từ năm 2012 đến nay đã làm ít nhất 250 người chết và 140.000 người phải di tản, chủ yếu là người Rohingya.
Bang Rakhine trước đây có tên là Nhà nước Arakan, và chỉ mới được sát nhập vào Miến Điện vào năm 1785.
Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Arakan là một vương quốc Hồi giáo, được các vị vua mang tước hiệu Hồi giáo Shah cai trị.
Cư dân vương quốc này gồm cả người theo đạo Phật lẫn đạo Hồi và họ chung sống với nhau một cách tương đối hài hòa.
NHÌN VỀ PHẬT GIÁO MIẾN ĐIỆN
Trong bài “Buddhist Nationalism in Burma” (Chủ nghĩa Dân Tộc Phật Giáo ở Miến Điện) đăng trên tạp chí Tricycle vào mùa xuân 2013, Tiến sĩ Maung Zarni. người sáng lập tổ chức Liên minh Tự do Miến Điện đã nhận định rằng “hệ thống hóa sự kỳ thị chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya đã dẫn Miến Điện tới con đường diệt chủng”.
Ông viết:
“Ở bên ngoài Miến Điện, hình ảnh những nhà sư Theravada Miến qua cuộc “Cách Mạng Áo Vàng” (Saffron Revolution) năm 2007, vẫn còn tươi màu… Những vị sư chân trần can trường chống đối sự cai trị quân phiệt, là hình ảnh tuyệt vời của Phật Giáo dấn thân…
Thế mà trong năm ngoái, thế giới sững sờ trước hình ảnh những nhà sư cũng chiếc áo vàng ngày trước, biểu tình chống đối các nước Hồi Giáo phân phối thực phẩm cứu trợ cho dân đói vùng Rohingya, phải di cư đến những trại tị nạn ngay trên quê hương của họ, sau khi bị những người Phật Giáo Rakhine tấn công…
“Những điều hung ác ấy được nhân danh Chủ nghĩa Dân tộc Phật Giáo Miến Điện, vốn không thể nào kết nối được với lý tưởng của tâm-từ-bi (tiếng Pali: metta).
Người Phật tử Rakhine đã ném những đứa bé Rohingya vào trong những đám lửa cháy ngay chính căn nhà của chúng trước mắt những người thân trong gia đình.
Vào ngày 3 tháng Sáu, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương, đã bị kéo lôi ra khỏi xe bus ở phố Rakhine, Taunggoke, chừng 200 dặm về phía tây Rangoon (thủ đô cũ), và họ bị đánh đập cho tới chết bởi một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử.
Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương…
“Tinh thần Đông phương về Phật Giáo đã được tô-hồng quá đậm đối với người phương Tây, làm cho họ sẽ vô cùng kinh ngạc khi nghe nói sự tàn ác xuất phát từ một quần chúng Phật Giáo võ trang, hay một chế độ chính trị nào đó hỗ trợ hay xui khiển Phật Giáo như là công cụ ý thức hệ…”
(Thuvienhoasen.org ngày 7.4.2013)
Trong thực tế, những diều hung ác ấy cũng đã từng xảy ra ở Nam Việt Nam từ 1963 đến 1968 khi Phật Giáo bị Mỹ biến thành công cụ (xem Tâm Thư của Hòa Thượng Tâm Châu).
“Chủ nghĩa Phận Giáo Dân Tộc” (Buddhist Nationalism) của các nhóm Phật Giáo cực đoan đã đưa tới đòi hỏi Phật Giáo phải nắm chính quyền, gây ra những biến loạn liên tục tại miền Nam Việt Nam.
Do chủ trương dùng Vọng Ngữ kích động lòng hận thù Công Giáo làm động lực đấu tranh, nhóm Phật Giáo quá kích đã đốt trại Thanh Bồ - Đức Lợi năm 1964, bắt các viên chức công giáo tại Đà Nẵng giam ở chùa Phổ Đà khi cướp chính quyền tại Đà Năng và Huế năm 1966.
Sau khi bị Mỹ đạp văng ra, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, các tên lãnh đạo Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế chạy vào chiến khu theo Việt Cộng.
Năm 1968, trong biến cố Tết Mậu Thân, hai tên Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh đã quay trở về, đến khu nhà thờ Phủ Cam tìm và tàn sát những người công giáo và các viên chức chính quyền tại đây.
Nhưng “Chủ nghĩa Phận Giáo Dân Tộc” không thành ở công Việt Nam vì không được nhiều tông phái Phật Giáo ủng hộ.
SỐNG CHẾT MẶC BÂY!
Trong buổi diễn thuyết với công chúng ở Brunei vào ngày 2.12.2012, Giáo sư Ekmeleddin Ihsanoglu nói: Bà Suu Kyi “chỉ quan tâm đến nhân quyền cho người Phật Giáo, bởi vì họ là con người, còn Hồi Giáo thì không.”
Trong bài diễn văn tại trung tâm Liên minh Tác hợp Dân Chủ, bà Suu Kyi cảnh báo người dân Miến Điến phải biết dựa vào chính mình, nếu muốn biến giấc mộng một quốc gia tự do và phú cường trở thành hiện thực.
Bà nói: “Đừng bao giờ mong đợi một vị cứu tinh.”
Trong một bài báo đăng trên tờ Huffington Post năm ngoái, bà thanh minh:
"Tôi không im lặng bởi những toan tính chính trị. Tôi im lặng vì, bất cứ tôi đứng bên nào thì cũng sẽ có nhiều đổ máu hơn.
Nếu tôi lên tiếng cho nhân quyền, họ (những người Rohingya) sẽ chỉ phải chịu đau khổ. Máu sẽ đổ xuống nhiều hơn."
Theo Giáo sư Ekmeleddin Ihsanoglu, Suu Kyi nhà lãnh đạo với 25 năm của phong trào nhân quyền Miến Điện, giờ đây nói bằng ngôn ngữ của an ninh quốc gia, chủ quyền tuyệt đối, và nhân quyền có điều kiện, vang vọng thứ ngôn ngữ và ý tưởng của những kẻ từng bắt giam bà – bọn quân phiệt.
Còn Mỹ thì sao?
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21.3.2016 cho biết Mỹ quan ngại về tình hình bức hại người Hồi giáo Rohingya của chính quyền Myanmar, nhưng vụ việc chưa đến mức là hành vi diệt chủng như các cáo buộc gửi cho Quốc hội Mỹ.
Thật ra Mỹ sợ nếu làm áp lực mạnh, Miến Điện có thể tuyên bố đứng hẳn về phía Trung Quốc như Philippine và Malaysia đã làm.
Mỹ bao giờ cũng đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên dân chủ và nhân quyền và thường dùng dân chủ và nhân quyền như một chiêu bài để biến quốc gia đối tác thành công cụ của Mỹ và phục vụ quyền lợi của Mỹ.
VNCH là một thí dụ điển hình. Số phận của người Hồi giáo Rohingya cũng thế thôi: Sống chết mặc bây!
Tin mới
- Việt Nam có vẻ thất vọng khi ông Trump đắc cử - 11/11/2016 02:02
- Luật Sư Kim Nguyễn đắc cử chánh án Los Angeles County - 11/11/2016 01:09
- Chiến thắng Trump ảnh hưởng Canada ra sao? - 11/11/2016 00:58
- Cộng Hòa có triển vọng tiếp tục kiểm soát Hạ Viện - 11/11/2016 00:47
- Đầu não Daech đã ra lệnh tấn công Paris và Bruxelles năm 2015 - 10/11/2016 22:50
- Nhật Bản lo ngại bị nước Mỹ của Donald Trump bỏ rơi - 10/11/2016 22:42
- Donald Trump khiến các đồng minh châu Á lo lắng, Bắc Kinh hoài nghi - 10/11/2016 22:35
- Châu Âu "mài gươm" chống thép tránh thuế của Trung Quốc - 10/11/2016 22:25
- Cuba thông báo tập trận trước khi chúc mừng Donald Trump đắc cử - 10/11/2016 21:28
- Donald Trump đắc cử : Việt Nam thận trọng, Philippines và Malaysia hài lòng - 10/11/2016 21:20
Các tin khác
- Vui mừng của ông Trump là nỗi đau của ông Obama - 10/11/2016 02:46
- Ông Trump thắng cử, nhiều nghệ sĩ sẽ dọn sang nước khác - 10/11/2016 02:34
- Lãnh đạo thế giới ngỡ ngàng trước thay đổi chính trị ở Mỹ - 10/11/2016 00:23
- Chiến thắng của D. Trump : Quốc tế chúc mừng, nhưng thận trọng - 09/11/2016 19:44
- Châu Âu điều tra về vụ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam - 09/11/2016 19:16
- Biển Đông : Báo Trung Quốc đe Ấn Độ sẽ tổn thất nặng nếu theo Nhật - 09/11/2016 18:57
- Philippines : Bắc Kinh đã tuân thủ phán quyết về Biển Đông - 09/11/2016 18:26
- Trump đắc cử, thế giới trở nên vô định - 09/11/2016 18:18
- Việt Nam đón 1.000 thanh niên Trung Quốc sang dự liên hoan - 09/11/2016 02:15
- Hàng trăm triệu đôla cá cược bầu cử tổng thống Mỹ - 09/11/2016 02:07