Tàu ngầm Nhật khuấy động Biển Đông
- Thứ Năm, 17 tháng Ba năm 2016 18:46
- Tác Giả: Thanh Phương
Sĩ quan Hải Quân Nhật trên một chiếc tàu ngầm lớp Soryu. Ảnh chụp tại Vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, ngày 15/10/2015,
REUTERS/Thomas Peter/Files
Theo thông báo của Hải Quân Nhật Bản, lần đầu tiên từ 15 năm nay, một tàu ngầm của nước này, mang tên Oyashio, sẽ ghé thăm cảng Subic của Philippines vào cuối tuần này.
Sau đó các tàu hộ tống tàu ngầm Oyashio cũng sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam lần đầu tiên vào cuối tháng 4.
Về mặt chính thức, Oyashio được mô tả là một tàu ngầm « huấn luyện », nhưng hộ tống tàu ngầm này là hai khu trục hạm.
Ba chiếc tàu của Nhật được mời đến tham gia các cuộc tập trận chung với Hải Quân Philippines, kéo dài từ ngày 19/03 đến ngày 27/04.
Các cuộc tập trận này một lần nữa đánh dấu việc Tokyo quay trở lại Biển Đông, sau khi Manila vào tuần trước vừa loan báo sẽ thuê 5 phi cơ của Nhật để hỗ trợ việc tuần tra trên vùng biển mà Philippines đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Sau khi tập trận xong với hải quân Philippines, hai khu trục hạm hộ tống tàu ngầm Nhật Oyashio lần đầu tiên sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, cũng là một quốc gia đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trên đường đi đến vịnh Subic, tàu ngầm Oyashio và hai khu trục hạm Nhật rất có thể sẽ đi ngang qua khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn từ năm 1974.
Hành trình của đội tàu Nhật Bản cũng sẽ không xa đảo Scarborough, mà Philippines khẳng định chủ quyền, nhưng cũng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Việc quay trở lại vùng Biển Đông nằm trong bối cảnh là từ khi Hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi, quân đội nước này, tên chính thức vẫn là Lực lượng Phòng vệ, kể từ nay có thể ứng cứu các đồng minh trong trường hợp những nước này bị tấn công.
Việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản cũng chính là điều mà đồng minh Hoa Kỳ yêu cầu từ lâu.
Washington đã tuyên bố sẽ đưa ngày càng nhiều chiếm hạm đi ngang qua các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông.
Như tuyên bố của tư lệnh lực lượng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vào cuối tháng 2 vừa qua : « Chúng tôi sẽ tiếp tục đi trên biển, bay trên không và hoạt động ở tất cả những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép ».
Trong việc ngăn chận tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ rất cần sự hỗ trợ của những đồng minh như Nhật Bản.
Thật ra khi quay trở lại Biển Đông, Tokyo tỏ ra khá kín đáo vì không muốn gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh.
Nhưng không chỉ tập trận chung với Philippines, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, một tàu ngầm của nước này, chiếc Soryu, cũng với hai khu trục hạm hộ tống, vào tháng tới sẽ đến Sydney để tham gia tập trận chung với Hải Quân Úc, đúng vào lúc mà Nhật đang tranh với Đức và Pháp một hợp đồng cung cấp các tàu ngầm mới cho Úc, thay thế đội tàu ngầm hiện nay.
Như vậy, có thể nói, tàu ngầm Nhật Bản đang trở thành gần như là biểu tượng cho sự liên kết với các quốc gia mà trước đây từng là đối thủ của Nhật trong thời đệ nhị thế chiến.
Những nước này sẽ hợp lực để tăng cường tuần tra ở Biển Đông, giám sát các hoạt động của Trung Quốc và nói chung là ngăn chận Bắc Kinh xác lập vĩnh viễn chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển này.
Tin mới
- Nhật Bản tăng cường giám sát Biển Hoa Đông - 18/03/2016 17:03
- Kẻ trộm kim cương $20 triệu nay thành nhà sư ở Thái Lan - 18/03/2016 02:44
- Nhà Trắng công bố lịch trình chuyến thăm Cuba của tổng thống Mỹ - 18/03/2016 02:35
- Liên Hiệp Châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ: Thượng đỉnh khó khăn - 18/03/2016 02:29
- Brazil : Biểu tình phản đối cựu tổng thống Lula vào chính phủ - 18/03/2016 02:21
- Thổ Nhĩ Kỳ: Một nhóm Kurdistan nhận trách nhiệm vụ khủng bố ở thủ đô - 18/03/2016 02:05
- Nhật Bản nỗ lực làm sống lại Vòng Cung Dân Chủ - 17/03/2016 20:26
- Miến Điện: Chính phủ mới sẽ có bộ đặc trách sắc tộc thiểu số - 17/03/2016 19:51
- Nhật Bản và Đông Timor hết sức quan ngại về tình hình Biển Đông - 17/03/2016 18:58
- Obama ban hành những trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên - 17/03/2016 18:52
Các tin khác
- Hiện Tượng Lý Chánh Trung - 17/03/2016 18:29
- Syria : Tiếp tục đàm phán tại Genève - 16/03/2016 21:54
- Hungary : Biểu tình phản đối chính sách giáo dục - 16/03/2016 21:47
- Mỹ giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế Cuba - 16/03/2016 21:40
- Donald Trump, bài toán nan giải của đảng Cộng hòa - 16/03/2016 21:26
- Tân chính phủ Miến Điện với nhiều kỳ vọng và chông gai - 16/03/2016 21:18
- Miến Điện : Quân đội chấp nhận lựa chọn nhân sự của Aung San Suu Kyi - 16/03/2016 21:10
- Trung Quốc : Nền kinh tế không « hạ cánh cứng » và tiếp tục cải cách - 16/03/2016 21:04
- Bắc Triều Tiên : Kết án một sinh viên Mỹ 15 năm lao động khổ sai - 16/03/2016 20:58
- Nhật Bản : Đảng cầm quyền sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế - 16/03/2016 18:35