Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Báo Nhật: TPP tạo lợi thế cho Việt Nam

VIETNAM-ECONOMY-PMI

Một xưởng may xuất khẩu tại ngoại thành Hà Nội ngày 19/08/2014. TTP có thực sự là cơ may cho Việt Nam ?
REUTERS/Kham/Files

Tờ Nikkei Asian Review ngày 03/02/2016 có bài viết về Việt Nam và con đường hội nhập kinh tế thế giới, qua hai hiệp định tự do mậu dịch, hiệp định ký với Liên hiệp châu Âu vào tháng 12 năm ngoái và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được ký kết ngày mai tại New Zealand.

Theo nhận định của tờ báo, cho dù lập trường của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng như thế nào, thì Việt Nam sẽ không đánh dấu 30 năm “đổi mới” bằng cách đi ngược lại với những hiệp định thương mại và đầu tư mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy ký kết.

Khi đi thăm Mỹ năm ngoái, bản thân ông Trọng cũng đã ca ngợi hiệp định TPP, mặc dù hiệp định này sẽ không thể được thực hiện trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Các ứng cử viên hàng đầu như Donald Trump và Bernie Sanders chống lại hiệp định này.

Theo Nikkei Asian Review, Hà Nội không muốn là thay đổi chính phủ ở Hoa Kỳ gây cản trở cho hiệp định TPP. Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi rất nhiều từ hiệp định này.
Ngân hàng Thế giới cho biết là đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 30%, đóng góp thêm 10% vào tăng trưởng kinh tế.

Sau khi đã tăng 6,68% trong năm 2015, kinh tế Việt Nam được dự báo cũng sẽ tăng gần 7% trong năm 2016.

Các hiệp định tự do mậu dịch ký với phương Tây sẽ tạo cho Việt Nam một lợi thế so với hầu hết các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vừa mới hình thành nhằm mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa 10 nước thành viên khối này.

 Với việc hàng hóa vào Liên hiệp châu Âu và các nước TPP được miễn thuế, đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam sẽ gia tăng, sau khi đạt mức kỷ lục vào năm ngoài.

Nhưng theo Nikkei Asian Review, tuy tương lai Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn, một số bộ phận của nền kinh tế cần phải được cải tổ, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước, với nhiều công ty bị xem là yếu kém, không có lợi, đầy tham nhũng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước…
Mặt khác, để tận dụng được các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam phải phát triển đội ngũ nhân công trình độ cao cũng như áp dụng các công nghệ mới.

Hiện giờ, khoảng phân nữa lực lượng lao động của Việt Nam vẫn còn làm trong nông nghiệp, và Việt Nam vẫn được biết đến như là một nơi có giá nhân công rất rẻ và là một trong quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng là nước sản xuất và xuất khẩu tiêu nhiều nhất thế giới.
Đây cũng là lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định tự do mậu dịch.
 

Switch mode views: