Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Aung San Suu Kyi không thể trực tiếp đối đầu với quân đội

Aungsan suu kyi

Quyền lực trong tay bà Aung San Suu Kyi kể từ ngày 01/02/2016.
Reuters

Một ngày lịch sử đang mở ra tại Miến Điện. Quốc hội mới với đa số áp đảo là các dân biểu đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi được bầu lên hồi tháng 11/2015 khai mạc phiên họp đầu tiên.

Việc thứ nhất phải làm là chỉ định chủ tịch và phó chủ tịch ở Thượng và Hạ viện.
Đâu là những thách thức chờ đợi lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ ?

Thông tín viên trong khu vực Đông Nam Á của đài RFI, Arnaud Dubus tìm cách trả lời trong phần phỏng vấn sau đây.

Trước hết anh đề cập đến những quyết định sắp tới của Quốc hội khóa mới

Arnaud Dubus : « Việc đầu tiên phải làm là chỉ định bốn chức vụ cao nhất trong Quốc hội gồm chủ tịch và phó chủ tịch ở cả Thượng và Hạ viện.
Như đã biết, đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số áp đảo ở Hạ viện, những người được bầu ra phải xuất thân từ hàng ngũ của đảng này.

Chúng ta cũng biết là trong Quốc hội lần này có đại diện của nhiều sắc tộc thiệu số Miến Điện, đặc biệt là một đại biểu của cộng đồng người Karen, một của người Kachin và một của cộng đồng Arakan.

 Điều đó cho thấy quyết tâm của bà Aung San Suu Kyi muốn chia sẻ phần nào quyền lực với 40 % dân số không phải là người Miến, chiếm đa số tại quốc gia này.

Bước kế tiếp là vào ngày mồng 1 tháng Tư tới đây, Quốc hội lưỡng viện sẽ bầu ra tổng thống Miến Điện với thể thức như sau : Thượng và Hạ viện, mỗi bên sẽ đề nghị một ứng cử viên. Cả hai người này cùng là đại biểu của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.

 Cùng lúc, phía quân đội, vốn vẫn chiếm 25 % số ghế tại Thượng và Hạ viện, cũng sẽ đề nghị một ứng viên.
Tổng thống sắp tới của Miến Điện sẽ là một trong ba người được đề cử.

Với đa số áp đảo hiện nay của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, mọi người đều biết, chức vụ tổng thống sẽ về tay ứng viên do bà Aung San Suu Kyi đề xuất ».

RFI :Chiếu theo Hiến pháp hiện hành, bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống Miến Điện, vậy ai có triển vọng được bầu vào chức vụ tối cao này ?

Arnaud Dubus : « Đúng như chị vừa nói : Về mặt chính thức bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống, do bà từng kết hôn với một người nước ngoài.
Hai con của bà lại mang quốc tịch Anh.
Dù vậy ngay sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố rõ ràng là sẽ " đứng bên trên tổng thống " và sẽ đích thân điều hành đất nước.

Có nhiều tên tuổi trên nghị trường được coi là có triển vọng trở thành tổng thống Miến Điện. Một trong số đó là ông Htin Kyaw. Ông này từng được đào tạo ở trường Oxford–Anh Quốc cùng với bà Aung San Suu Kyi vào những năm 1970.

Ông cũng đã từng là một tù chính trị, bị giam giữ trong 14 năm dưới chế độ của tập đoàn quân sự.
Hiện tại ông này đang điều hành Quỹ từ thiện của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và đã từng là tài xế cho bà Aung San Suu Kyi khi bà được trả tự do năm 2010.

Về thân thế, ông Htin Kyaw xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị, nhưng ông bị xem là không có cá tính mạnh.

Đây có thể là một ưu điểm trong mắt bà Aung San Suu Kyi. Có nghĩa là bà đưa một người thân cận và trung thành với mình vào chức vụ then chốt trong guồng máy lãnh đạo và biết trước rằng, ông này sẽ không làm lu mờ hào quang của bà ».

RFI :Nhìn đến chính sách lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi sắp tới đây, đâu là những nét chính ?

Arnaud Dubus : « Thực ra trong thời gian vận động tranh cử, chương trình hành động của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã ít được nhắc tới.
 Khẩu hiệu được đưa ra là " Bầu cho bà Aung San Suu Kyi là bỏ phiếu vì dân chủ ". Chính vì thế không mấy ai biết rõ cương lĩnh hành động của đảng này sắp tới đây ra sao.

Có điều, một trong những ưu tiên của đảng này là xây dựng nền tảng hòa bình vững chắc với các sắc tộc thiểu số.

Chính quyền mãn nhiệm của tổng thống Thein Sein, cuối năm 2015 đã đạt được một thỏa thuận cho hòa bình với 8 nhóm vũ trang, trong đó có lực lượng Karen.
 Tổ chức này trong hơn 50 năm đã liên tục đương đầu với chính quyền trung ương tại Miến Điện.
 Dù vậy có những tổ chức khác, chẳng hạn như lực lượng vũ trang tại bang Shan, hay nhóm vũ trang của người Kachin độc lập vẫn chưa buông súng.

Về điểm này bà Aung San Suu Kyi cho biết bà sẽ làm tất cả để tìm được đồng thuận với các phong trào đòi ly khai đó để đem lại hòa bình một cách toàn diện.
Thực ra, các tổ chức này muốn được hưởng một quy chế tự trị về mặt hành chính và được quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đây là một điểm hết sức quan trọng đối với bà Aung San Suu Kyi, xưa kia thân phụ của bà, tướng Aung San, người từng đấu tranh để đem lại độc lập cho Miến Điện, đã phần nào đạt được mục tiêu vãn hồi hòa bình cho đất nước trước khi ông bị ám sát vào năm 1947 ».

RFI :Một vấn đề hết sức nhậy cảm tại Miến Điện hiện nay liên quan đến số phận của người Rohingya theo đạo Hồi. Họ sống tập trung tại bang Arakan, miền đông Miến Điện gần với biên giới Bangadesh.
Về hồ sơ này, quan điểm của bà Aung San Suu Kyi là gì ?

Arnaud Dubus : « Trước hết cần nhắc lại bối cảnh chung. Người Rohingya bị cộng đồng những người theo đạo Phật trong vùng truy bức.
Họ bị coi là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh tràn sang.
Nhà nước Miến Điện từ chối cấp quốc tịch cho những người này.

Hàng chục ngàn người trong số đó đã phải vượt biên trong những điều kiện hết sức bấp bênh, tìm đường sang Thái Lan và Malaysia sinh sống.

Đến nay bà Aung San Suu Kyi rất kín tiếng trên hồ sơ này, bà tránh để làm phật lòng cử tri khi lên tiếng bênh vực người theo đạo Hồi tại một quốc gia với đa số là người theo đạo Phật.
Tại Miến Điện, tinh thần bài người Rohingya, bài Hồi giáo rất mạnh.

Thế nhưng bà Aung San Suu Kyi trong suốt 15 năm bị quản thúc tại gia đã được cộng đồng quốc tế liên tục bênh vực và ủng hộ.
Bà biết rõ áp lực của quốc tế và các nhóm bảo vệ nhân quyền lợi hại như thế nào trên hồ sơ người Rohingya.

Có nhiều khả năng, bà sẽ phải tìm cách cải thiện phần nào đời sống cho người Rohingya. Chẳng hạn như cải thiện một số các điều kiện sinh sống cho họ trong các trại tỵ nạn.
Nhưng chắc chắn là bà cũng sẽ không làm điều gì quá lộ liễu để có thể bị công luận chỉ trích ».

RFI : Giờ đây khi đang có quyền lực trong tay, bà Aung San Suu Kyi sẽ tính thế nào trước các hành động đàn áp trước đây của tập đoàn quân sự Miến Điện ?

Arnaud Dubus : « Thực ra bà Aung San Suu Kyi bị bó tay trên hồ sơ này.
Bà sẽ phải thích nghi với tình huống. Như vừa nói, quân đội hiện vẫn còn kiểm soát một phần tư số ghế ở Quốc hội, nắm luôn cả ba bộ then chốt, gồm Quốc phòng, Nội vụ và Ngoại giao.

Bản Hiến pháp lại bảo vệ phe quân đội chặt chẽ và không cho phép mở lại hồ sơ tội ác của tập đoàn quân sự trong quá khứ.

Vẫn căn cứ theo bản Hiến pháp này, thì bên quân đội có thể trở lại cầm quyền trong trường hợp đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và an ninh quốc gia bị đe dọa.

Vấn đề đặt ra là cần có 75 % số phiếu ở Quốc hội để sửa đổi Hiến pháp và đảng của bà Aung San Suu Kyi hội đủ số phiếu đó.
Trên thực tế, thì bà sẽ phải quan tâm đến trọng lượng còn rất lớn của bên quân đội trong guồng máy chính trị Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi sẽ không thể trực tiếp đương đầu với giới này mà sẽ phải khéo léo thương lượng với bên quân đội.

 Có một chi tiết ít được bình luận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2015 đó là đảng Liên Minh Đoàn Kết Và Phát Triển đã thua một cách tệ hại.
Và như vậy trên chính trường Miến Điện chỉ còn lại có hai phe : đó là đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi và phe quân đội ».
 

Switch mode views: