Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc tiêu diệt 28 « kẻ khủng bố » ở Tân Cương

CHINA-XINJIANG

 

Cảnh sát bán vũ trang Trung Quốc tại trung tâm thủ phủ Urumqi, khu tự trị Tân Cương, ảnh do hãng Kyodo công bố ngày 23/05/2014.
Reuters

Công an Trung Quốc hôm nay 20/11/2015 loan báo đã tiêu diệt 28 thành viên một « nhóm khủng bố » ở Tân Cương, trong bối cảnh sau các vụ tấn công ở Paris, Bắc Kinh luôn tranh thủ nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là « nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố ».

Thông báo trên được đưa ra trong khuôn khổ một « chiến dịch 56 ngày » của lực lượng an ninh, mà theo cơ quan công an Tân Cương, thì một trong những người đang bị truy tầm đã ra đầu hàng.

Chiến dịch truy lùng này nhắm vào một nhóm đã tấn công vào một mỏ than ở vùng Aksu hẻo lánh hôm 18/09.

Ngày hôm đó, công an bị phục kích vào sáng sớm khiến 16 người chết trong đó có 5 công an và 11 « người vô tội gồm nhiều sắc tộc khác nhau » - theo phía chính quyền, 18 người khác bị thương.

Nhưng theo Radio Free Asia thì thực ra số người chết trong vụ này lên đến 50, và vào đầu tuần này cho biết có 17 « nghi can » trong đó có 7 phụ nữ và trẻ em đã bị lực lượng an ninh sát hại.

Tân Cương là nơi có 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Một bộ phận cộng đồng này vẫn phản đối sự đô hộ của Bắc Kinh, và chính quyền cho rằng một thiểu số cứng rắn tại đây đã tiến hành một loạt các vụ tấn công đẫm máu.

Trung Quốc đặc biệt bị chấn động với vụ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh tháng 3/2014 làm 31 người chết và trên 140 người bị thương. Trước đó vào tháng 10/2013, một chiếc xe jeep lao vào khu vực Tử Cấm Thành ở Thiên An Môn, dưới chân dung Mao Trạch Đông làm hai du khách chết, khoảng 40 người bị thương, ba người đi trên xe tử thương.

Tháng 5/2015, Trung Quốc loan báo đã phá vỡ 181 « nhóm khủng bố » tại Tân Cương kể từ đầu chiến dịch đàn áp mang tên « Nghiêm Đả » tung ra vào năm 2014 sau một vụ tấn công tại thủ phủ Urumqi làm 39 người chết và khoảng một trăm người bị thương.

Với chiến dịch « Nghiêm Đả », hàng mấy trăm người bị câu lưu, những phiên tòa vội vã đã kết án hàng loạt người và mấy chục người đã bị hành quyết.

Sau các vụ khủng bố ở Paris hôm thứ Sáu 13/11, Bắc Kinh nhanh chóng lên án « hành động man rợ » này, đồng thời tranh thủ nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng phải được coi là « nạn nhân » của chủ nghĩa khủng bố như Pháp.

Tờ China Daily của Nhà nước bực tức viết: « Do các định kiến đã ăn sâu bắt rễ và thói đạo đức giả, một số nước phương Tây và báo chí của họ đã từ chối nhìn nhận các vụ bạo động, tấn công của phe cực đoan ở Tân Cương là hành động khủng bố ».

Chính quyền Trung Quốc khẳng định các nhóm ly khai ở nước ngoài như ETIM (phong trào Hồi giáo Đông Thổ) là thủ phạm gây rối ở Tân Cương, nhưng các chuyên gia nghi ngờ ảnh hưởng thực sự, thậm chí cả sự hiện hữu của nhóm này.

Ngoài ra, nếu các vụ khủng bố ở Paris đã gây xúc động mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh lại tỏ ra kín tiếng về vụ con tin Phàn Kinh Huy (Fan Jinghui) bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại.

Các tranh luận trên internet về chủ đề này bị kiểm duyệt. Trung Quốc hiện ngần ngại không muốn tham gia vào các chiến dịch ở vùng Trung Đông.


Switch mode views: