Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thêm 15 tỷ đô la/năm đóng góp cho khí hậu

dien gio-khihau


Điện gió, một giải pháp cho khí hậu.
Getty images

Thêm một tin vui về khí hậu. 15 tỷ đô la cam kết đóng góp hàng năm để bổ sung vào chương trình tài trợ 100 tỷ đô la/năm cho các nước nghèo để hạn chế và thích nghi Biến đổi khí hậu, kể từ 2020.

Khoản tiền bổ sung được công bố tại hội nghị đại diện của khoảng 73 quốc gia và các định chế tài chính, họp tại Lima, Peru, hôm qua 09/10/2015.

Theo AFP, một phần quan trọng trong cam kết đóng góp mới nói trên là của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Phi và Ngân hàng tái thiết và phát triển Châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, nước chủ nhà Thượng định Khí hậu COP 21, hoan nghênh nỗ lực của các nhà tài trợ. Theo ông, việc tôn trọng cam kết là « điều kiện cần thiết việc củng cố sự tin cậy trong các đàm phán » sắp tới. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố : « các diễn biến đang đi theo hướng đúng ».

Paris nhiều lần nhắc lại quan điểm, việc có đủ cam kết 100 tỷ đô la/năm trợ giúp các nước nghèo là một điều kiện quyết định cho thành công của Thượng đỉnh Khí hậu Paris vào cuối năm, với mục tiêu đạt đồng thuận quốc tế nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp.

Khoản 15 tỷ đô la mới này sẽ được nhập với 61,8 tỷ đô la mà các nước phát triển cam kết đóng góp, tính đến cuối năm 2014, theo báo cáo của OCDE, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Nếu thêm vào đó khoản tiền 10 tỷ đô la của Quỹ Xanh, một cơ chế tài chính của Liên Hiệp Quốc, thì dường như mục tiêu hứa hẹn 100 tỷ đô la nói trên là nằm trong tầm tay.

Theo Le Monde, bản báo cáo chi tiết của OCDE về thực trạng đóng góp của các nước phát triển cho các nước nghèo dược các bên nhất trí đánh giá là « minh bạch ».

Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất hiện nay là phần tài trợ cho việc « thích nghi » chỉ là 16%, so với 77% được dành cho việc giảm phát khí thải (trong tổng số tiền cam kết đầu tư của hai năm 2013-2014).

Tổ chức « chống bất công và nghèo đói » Oxfam ước tính, chỉ có từ 1 đến 2 tỷ đô la/năm sẽ được dành cho việc các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.

Theo ông Romain Benicchio, người phát ngôn Oxfam Pháp, « cho dù các nỗ lực đáng kể của các chính phủ Pháp và Peru để đạt được đồng thuận về mục tiêu của số tiền 100 tỷ đô la, thông điệp từ báo cáo của OCDE là rất rõ : các nước và các cộng đồng dễ tổn thương nhất vẫn là những bên thua thiệt chủ yếu trong lĩnh vực tài trợ cho khí hậu ».

Nước chủ nhà Peru, cũng là Chủ tịch COP 20, sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 11, hy vọng phần tài trợ cho việc « thích nghi » được gia tăng, cũng như cần phải đặt ra vấn đề giảm hoặc xóa bỏ các trợ giá cho năng lượng hóa thạch.

Theo các nhà quan sát, để giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, khoản tiền 100 tỷ đô la/năm kể trên là quá ít ỏi. Trong những tuần tới, khu vực tư nhân sẽ được kêu gọi đóng góp nhiều hơn nữa.

Công bố dự thảo đầu tiên cho thỏa thuận COP 21

Công bố dự thảo thỏa thuận là một bước tiến khác quan trọng khác được ghi nhận trên con đường tới Thượng đỉnh Khí hậu Paris trong chưa đầy hai tháng nữa.

Ngày 05/10/2015 vừa qua, hai đồng chủ tịch các đàm phán COP 21 lần đầu tiên chính thức đưa ra một bản dự thảo dài 20 trang, có sở để 195 quốc gia bàn thảo.
Đây là một bước tiến thực sự lớn, so với văn bản làm việc ban đầu, dài 80 trang, được đưa ra hồi đầu năm, và tiếp tục không thay đổi nhiều về khối lượng trong lần rút gọn hồi mùa hè.

Theo đồng chủ tịch người Algeri, Ahmed Djoghlaf, để đi đến văn bản dự thảo rút gọn này, đã có đến 34 cuộc họp song phương trong tháng 9.

Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ lo ngại về sự vắng mặt của các năng lượng tái tạo, hay việc không có quy định về thời hạn giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong văn bản 20 trang này.

 Vấn đề an toàn lượng thực, có mặt trong các văn bản trước, cũng bị loại bỏ. Dù sao, theo ông Pierre Cannet, người phụ trách của chương trình Khí hậu và năng lượng của WWF, « văn bản này sẽ cho phép kích thích các thương lượng ở cấp cao và nâng cao tầm phấn đấu» (bài Khí hậu : một dự thảo thỏa thuận trên bàn thương lượng, Le Monde, ngày 06/10/2015).

Thứ Năm, 01/10, Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (CCNUCC) công bố sơ kết đầu tiên về các cam kết đóng góp của các nước. Theo đó, 146 quốc gia, với gần 87% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã công bố đóng góp với Liên Hiệp Quốc.

Tổng số cam kết đóng góp cho đến nay chưa cho phép giới hạn nhiệt độ không tăng quá 2°C, và còn rất nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ chưa tham gia, trong đó nhiều nước chủ chốt như Ả Rập Xê Út, Iran, Koweit, Nigeria, Oman, Qatar, Venezuela.

Switch mode views: