Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử Singapore: đảng cầm quyền không có đối thủ

BASEIMAGEsingapour

Người ủng hộ đảng PAP ăn mừng chiến thắng, 12/09/2015.
REUTERS/Edgar Su

Đúng như dự đoán, không có một bất ngờ lớn nào trong đợt bầu cử lập pháp trước thời hạn lần này tại đảo quốc Singapore.

 Đảng Hành động vì Nhân dân (PAP) đã thắng cử ngày hôm qua 11/09/2015, tăng cả về số phiếu bầu lẫn số ghế trong Quốc hội.

 Theo AFP, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận kết quả nói trên vượt quá cả mong đợi của chính đảng cầm quyền.

Đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long đứng đầu với 69,9% phiếu bầu, cao hơn mức 60,1% thu được trong đợt bầu cử năm 2011.
Như vậy, đảng cầm quyền sẽ có 83 đại diện trong tổng số 89 ghế tại Quốc hội. Đảng đối lập chính, đảng Người Lao động, đề ra mục tiêu có 20 đại diện, nhưng cuối cùng chỉ được sáu ghế, ít hơn lần trước một ghế.

Theo các nhà quan sát không có gì ngạc nhiên trước thắng lợi của đảng PAP, đảng chính trị cầm quyền suốt từ khi Singapore được độc lập.

 Được tổ chức sáu tháng sau khi nhà lập quốc Lý Quang Diệu qua đời, đảng cầm quyền PAP nhận được rất nhiều tình cảm của cử tri, trong một làn sóng ủng hộ đặc biệt, mà nhiều người gọi là « hiệu ứng Lý Quang Diệu ».

Cuộc bầu cử diễn ra vài tháng sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời. Cố Thủ tướng - thân phụ của Thủ tướng đương chức - là người lãnh đạo đảo quốc trong suốt 30 năm, từ năm 1959 đến 1990.
Người đã làm « thay da đổi thịt » đảo quốc vốn là thuộc địa Anh quốc thành một trung tâm thương mại và tài chính thế giới.

Tuy rất được lòng dân nhờ vào sự thịnh vượng chung của đảo quốc, nhưng đảng cầm quyền cũng bị chỉ trích trong và ngoài nước vì thiếu tự do, dân chủ.
Ngôn luận bị giám sát chặt, đối lập chính trị bị khống chế, nhiều nhà ly khai bị bỏ tù, nhất là cho đến năm 1990, thời ông Lý Quang Diệu cầm quyền. Đảng cầm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông chính.

Đối lập Singapore trong cuộc tranh cử vừa qua đã nỗ lực vận động qua các mạng xã hội, dẫn đến những cuộc biểu tình tập hợp tới 30.000 người, nhưng không thu hút được nhiều cử tri.

 Giá cả đắt đỏ, cuộc sống người già và người nghèo khó khăn, hay người nhập cư là những chủ đề chính mà đối lập nêu lên trong cuộc tranh cử.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, kể từ 2011, đảng cầm quyền đã có nhiều nỗ lực để chinh phục lại cử tri.

Chuyên gia về chính trị Singapore, giáo sư Michael Barr, đại học Flinders (Úc), bình luận : kết quả bầu cử vừa qua củng cố « mô hình cai trị độc đoán, kỹ trị của đảng PAP, hậu Lý Quang Diệu ».
Theo ông Michale Barr, « dường như người Singapore không mấy bận tâm bởi các vấn đề như tự do ngôn luận, hay dân chủ… Họ bận tâm nhiều hơn đến việc kiếm tiền…».

Switch mode views: