Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện hứa điều tra về đàn áp biểu tình ở Rangun

polic beats student

Đàn áp biểu tình tại Letpadan, 10/03/2015.REUTERS/Soe Zeya Tun



Sau vụ đàn áp ngày 05/03/2015 nhắm vào một cuộc biểu tình của sinh viên, bị Phương Tây lên án, khiến hình ảnh của chính phủ cải cách bị tổn hại, ngày hôm qua 11/03, chính quyền Miến Điện hứa sẽ tiến hành điều tra.

Theo tờ báo chính thức của Nhà nước Miến Điện Global New Light of Myanmar, cuộc điều tra sẽ phải chỉ ra « liệu các lực lượng an ninh đã hành động đúng luật khi giải tán cuộc biểu tình hay không ».

 Người phát ngôn của cảnh sát Miến Điện, Ye Htut, thừa nhận có đụng độ ngày 05/03, khiến 16 cảnh sát và 8 người biểu tình bị thương, nhưng cho rằng cảnh sát đã đúng khi phản ứng, do « người biểu tình đã tấn công họ ».

Hôm thứ Ba, 10/03, có thêm 127 người tham gia vào cuộc tuần hành của sinh viên, phản đối cuộc cải cách giáo dục, đã bị trấn áp và câu lưu, trong đó có 65 sinh viên (13 nữ sinh).

Những người biểu tình, tập hợp tại Rangun từ nhiều tuần nay, để chống lại cuộc cải cách giáo dục mà họ coi là phản dân chủ, và yêu cầu chính quyền có các cải cách khác, trong đó có việc tự do thành lập công đoàn và giảng dạy bằng tiếng các dân tộc ít người ở Miến Điện.

Cho đến sáng thứ Tư, không có thông tin nào về số phận những người vừa bị bắt.
Thân nhân của những người bị câu lưu tập hợp trước nhà tù Letpadan, nơi họ đoán có con em bị bắt giữ.

Trong cuộc biểu tình hôm 10/03, các phóng viên của AFP chứng kiến cảnh sát đánh đập sinh viên bằng dùi cui, khiến nhiều người đổ máu.

Trả lời AFP, đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của nhà đối lập Aung San Suu Kyi lên tiếng phản đối các đàn áp của chính quyền, đặc biệt là cuộc trấn áp ngày 05/03, cho thấy chính quyền hiện tại vẫn tiếp tục các biện pháp của chế độ độc tài quân sự trước đây.

Ít tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội, mà đảng của bà Aung San Suu Kyi có nhiều cơ hội thắng cử, phong trào phản kháng của sinh viên tại Miến Điện mang một tính chất chính trị.
Phong trào lần này nhắc lại không khí tranh đấu những giai đoạn trước.

Trong các cuộc nổi dậy chống tập đoàn quân sự, phong trào tranh đấu sinh viên là một lực lượng chính trị quan trọng.
Nhóm Thế hệ 88 của các cựu sinh viên trước đây (số 88 để chỉ năm nổi dậy 1988) tiếp tục là lực lượng hậu thuẫn cho phong trào phản kháng của sinh viên hiện nay.

Kể từ 2011, một chính phủ dân sự Miến Điện được thành lập – với nhiều thành viên là các cựu tướng lãnh – đã tiến hành nhiều cải cách tích cực, được coi là đi theo hướng dân chủ hóa.

Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, bị quản thúc trong nhiều năm, đã trở thành nghị sĩ.
Tuy nhiên kể từ ít tháng gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã công khai bày tỏ lo ngại về tình hình có xu hướng trở nên tồi tệ hơn tại Miến Điện.


Switch mode views: