Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghị viện Anh : Dân chủ hóa tại Hồng Kông bế tắc

Hongkong-manif 4



Tuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông, 01/02/2015. Ảnh tư liệu minh họa.Reuters/Tyrone Siu

Hôm nay 06/03/2015, một ủy ban của Nghị viện Anh ra báo cáo về tình hình Hồng Kông, nhấn mạnh bế tắc của tiến trình dân chủ hóa tại thành phố này có nguy cơ gây khủng hoảng chính trị.
Nghị viện Anh yêu cầu Bộ Ngoại giao có thái độ rõ ràng về vấn đề này.

Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Nghị viện tổng kết lại « các quan hệ giữa Anh Quốc và Hồng Kông, kể từ bản Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, quyết định các điều kiện cho việc chuyển giao vùng Hồng Kông, nguyên là thuộc địa của Anh, lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Gần 20 năm sau, số phận Hồng Kông - từng là một cánh cửa giúp Trung Quốc mở ra với bên ngoài - sẽ ra sao ?

Trong báo cáo có đoạn : « Dự đoán trong tương lai, Hồng Kông sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị, nếu dân chúng đặc khu, các lãnh đạo của họ và chính quyền Trung Quốc không thoát khỏi ngõ cụt về Hiến pháp hiện nay ».

Tình hình chính trị tại Hồng Kông hiện tại vẫn căng thẳng, sau hơn hai tháng biểu tình liên tục hồi mùa thu năm ngoái, để yêu cầu bầu cử tự do lãnh đạo hành pháp tương lai, kể từ 2017.

Với trường hợp Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên chấp nhận bầu cử phổ thông đầu phiếu tại một vùng lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, các cử tri Hồng Kông chỉ được quyền lựa chọn người lãnh đạo trong số hai hoặc ba ứng cử viên được một ủy ban gồm đa số các thành viên là những người thân Bắc Kinh phê chuẩn.

Thủ tục này cho phép lãnh đạo thành phố tương lai chắc chắn là một người thần phục Bắc Kinh, theo nhận định của phong trào đấu tranh vì dân chủ.
Báo cáo của Nghị viện Anh Quốc cảnh báo « việc duy trì nguyên trạng không thể kéo dài » và điều này « có thể đe dọa nhanh chóng nền kinh tế và sự ổn định của vùng này ».

Báo cáo của Ủy ban đối ngoại Nghị viện Anh cũng phản đối mạnh mẽ quyết định của Bắc Kinh, cấm các nghị sĩ tới Hồng Kông trong khuôn khổ một nghiên cứu về vấn đề này.

Các nghị sĩ Anh yêu cầu Bộ Ngoại giao thể hiện quan điểm rõ ràng về cuộc tranh luận chính trị đang diễn ra.

Ủy ban cũng khẳng định Nghị viện không chia sẻ quan điểm của chính phủ Anh, « theo đó các đề xuất hiện hành về cuộc bầu cử năm 2017 mang lại một sự lựa chọn thực sự cho dân cư Hồng Kông ».

Báo cáo lấy làm tiếc là « sự thiếu rõ ràng » trong thái độ của chính phủ rốt cuộc sẽ có thể « hủy hoại uy tín của nước Anh ».

Switch mode views: